Phú Thọ: Nơi khởi nguồn của văn nghệ kháng chiến

Với phương châm 'vừa kháng chiến vừa kiến quốc', 'Kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến', ngay từ những ngày đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nổ ra, Đảng ta chủ trương xốc lại mặt trận văn nghệ.

Nắng sớm trên quê hương Gia Điền.

Nhà thơ Tố Hữu đang làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa được điều ra Trung ương lãnh đạo công tác văn nghệ. Sau khi nhận nhiệm vụ trực tiếp của đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư của Đảng, Tố Hữu vượt qua các vòng vây của địch trong cuộc hành quân Thu Đông 1947 với hai gọng kìm hòng tìm bắt đầu não kháng chiến của ta, cuối cùng ông chọn đặt đại bản doanh văn nghệ tại xóm Gốc gạo, xã Gia Điền - Hạ Hòa, Phú Thọ. Vậy là tại nơi đây đã chứng kiến sự có mặt của nhiều tên tuổi lớn như Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Xuân Diệu, Nguyên Hồng, Tố Hữu, Kim Lân... và là nơi diễn ra đại hội lần thứ nhất thành lập Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật và Hội Nhà văn Việt Nam.

Gia Điền - Nơi xuất bản số báo “Văn nghệ kháng chiến” đầu tiên.

Có giai thoại kể rằng, khi nhà văn Kim Lân từ Thái Nguyên lên Gia Điền ông được dẫn đến ở tại nhà bà bủ Gái cùng với các ông Tố Hữu, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng và Nguyên Hồng. Đến đây cùng với công tác được phân công, ông tranh thủ thời gian đem bản thảo truyện Làng ra để sửa chữa. Chủ nhà gọi là “bủ Gái” có người con trai cả đi tòng quân đã lâu không có tin về, nhớ con hằng đêm bủ khóc thút thít. Trước tình cảnh này các nhà văn bảo Tố Hữu làm bài thơ Bầm ơi để động viên bủ Gái. “Bầm” là mẹ, đó là tiếng gọi tha thiết của đứa con xa. Bài thơ viết xong, trước khi nhà thơ đọc cho bủ Gái nghe, các nhà văn nói dối đây là thơ của con trai gửi về cho “bầm” đấy. Bà bủ Gái tin thật nên nghe xong Bầm ơi bà nói với các nhà văn: “Đấy, thằng con trai tôi nó quyến luyến với tôi thế đấy các anh ạ”. Thi thoảng bủ Gái lại bảo ông Tố Hữu đọc bài thơ Bầm ơi ngỡ của con mình cho bủ nghe.

Hòa bình lập lại, anh đại tá con của bủ Gái có dịp đến thăm nhà thơ Tố Hữu ở Hà Nội. Anh cảm ơn tác giả bài Bầm ơi mà ngày ấy bộ đội các anh toàn chép và học thuộc lòng. Càng cảm ơn khi biết nhờ có bài thơ ấy mà mẹ anh đỡ khóc vì nhớ anh. Nhà thơ hỏi thăm sức khỏe bủ Gái. Nhân trong nhà còn mảnh lụa do Bác Hồ tặng dịp ông cưới vợ, ông liền gửi về tặng bủ Gái. Bủ Gái giữ gìn nâng niu bộ quần áo lụa, cho đến khi hấp hối sắp chết các con mới tắm rửa, mặc vào cho bủ để bủ thanh thản bay về trời.

Cũng trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, một đoàn văn nghệ sỹ do họa sỹ Tô Ngọc Vân dẫn đầu cùng gia đình vợ con tản cư lên làng Xuân Áng thuộc hữu ngạn sông Thao. Ở đây đã thành lập một xưởng họa kháng chiến. Vợ chồng nhạc sỹ Nguyễn Xuân Khoát - Song Kim cũng đã lập ra đội kịch kháng chiến. Đội kịch này là tiền thân của đoàn văn công nhân dân trung ương. Nhà thơ Thanh Tịnh đã sáng tác ra loại tấu hề từ đây để phục vụ kháng chiến. Chính tại trung tâm của vùng văn nghệ kháng chiến, các nhạc phẩm "Du kích Sông Thao", "Trường ca Sông Lô" đã được viết và ca vang đầu tiên trên vùng đất kháng chiến của tỉnh nhà.

Không chỉ hội tụ các văn nghệ sỹ có tên tuổi, Ty Thông tin của tỉnh khi ấy cũng được trung ương tăng cường cho những cán bộ có năng lực để gánh vác công việc ở địa phương. Ông Trần Ngọc Lưu vốn là sinh viên Luật quen biết nhiều trí thức và văn nghệ sỹ cả nước được điều về làm trưởng Ty kiêm phụ trách Hội văn nghệ liên khu. Ngoài ra, còn một đội ngũ cán bộ sáng tác văn nghệ tài năng như các họa sỹ Bùi Chang Trước, Trần Văn Cẩn, Trần Đông Lương, Lưu Công Nhân, hay nhạc sỹ Bùi Công Kỳ. Vì thế, từ chính vùng chiến khu Hạ Hòa đã khởi nguồn cho một nền văn nghệ kháng chiến lừng lẫy một thời.

Kim Thư

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/phu-tho-noi-khoi-nguon-cua-van-nghe-khang-chien-74660