Phú Thọ phát triển mạnh các cụm công nghiệp tại vùng nông thôn, miền núi

Những năm gần đây, thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ liên tục tăng nhanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm cho không ít lao động vùng nông thôn; đồng thời giúp thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, đô thị vùng sâu, vùng xa.

Tỷ lệ lấp đầy cao

Theo Sở Công thương Phú Thọ, đến nay, tỉnh có 21/28 cụm công nghiệp được thành lập, mở rộng và triển khai thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng, thu hút các dự án sản xuất kinh doanh với tổng diện tích 1.079/1.100 ha. Các cụm công nghiệp đã thu hút được 162 dự án đăng ký đầu tư; trong đó có 97 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký 9.406 tỷ đồng; 65 dự án có vốn FDI, vốn đăng ký 755 triệu USD. Hiện đã có 113 dự án đi vào hoạt động, đạt giá trị sản xuất đạt gần 11 nghìn tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho trên 27 nghìn lao động; tỷ lệ lấp đầy ước đạt 54%.

Nhiều cụm công nghiệp đạt tỷ lệ lấp đầy đất công nghiệp cao như cụm công nghiệp Đồng Lạng, Bạch Hạc thành phố Việt Trì; cụm công nghiệp Hợp Hải - Kinh Kệ huyện Lâm Thao; Cổ Tiết huyện Tam Nông đạt tỷ lệ lấp đầy 100%; các cụm công nghiệp như Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy; Nam huyện Thanh Ba; thị trấn Yên Lập, huyện Yên Lập; Thanh Minh, thị xã Phú Thọ; An Đạo, huyện Phù Ninh cũng đạt tỷ lệ lấp đầy trên trên 75%.

Cụm công nghiệp Đồng Lạc nằm trên địa bàn xã Đồng Lạc, huyện Yên Lập, Phú Thọ

Một số cụm công nghiệp mới được chấp thuận đầu tư như Đồng Lạc, huyện Yên Lập; Bãi Đa 2, huyện Thanh Ba; Thục Luyện, huyện Thanh Sơn; Bắc Lâm Thao, huyện Lâm Thao; Sóc Đăng, huyện Đoan Hùng cũng đang đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng sớm đưa vào hoạt động…

Giám đốc Sở Công thương Phú Thọ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tỉnh đã có chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển hạ tầng cụm công nghiệp. Chỉ tính từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp đạt trên 4.500 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư của doanh nghiệp 4.100 tỷ đồng, chiếm 91,1%; vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trên 400 tỷ đồng, chiếm 8,8%.

Cùng đó, tỉnh đã chú trọng đầu tư hệ thống giao thông đường bộ, điện, công nghệ thông tin, cấp nước, xử lý nước thải, chất thải rắn, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ trong và ngoài cụm công nghiệp tạo thuận lợi cho các dự án đầu tư vào địa bàn. Các địa phương cũng luôn cầu thị, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, cởi mở, nhất là cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo công khai, minh bạch theo hướng có lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư…

Bên cạnh đó, tỉnh cũng ưu tiên quy hoạch, xây dựng các cụm công nghiệp tại vị trí gần trục đường quốc lộ hoặc trục đường giao thông lớn tạo thuận lợi thu hút dự án đầu tư.

Chuyển dịch công nghiệp về nông thôn

Với mục tiêu chuyển dịch công nghiệp về vùng nông thôn, miền núi nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng nguyên liệu, giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, Phú Thọ đã xây dựng kế hoạch phát triển các cụm công nghiệp đến năm 2025 với 34 cụm có tổng diện tích 1.787 ha.

Cùng với việc tiếp tục giữ nguyên danh mục, vị trí, diện tích theo quy hoạch đối với 22 cụm công nghiệp có tổng diện tích là 1.077,8 ha, tỉnh sẽ bổ sung mới đối với 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích là 710 ha. Dự kiến, tỉnh sẽ dành 6.500 tỷ đồng đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật tại các cụm công nghiệp; trong đó 85% từ nguồn lực xã hội hóa.

Việc phát triển các cụm công nghiệp cũng sẽ được gắn với công nghệ tiên tiến dựa trên đặc trưng và thế mạnh của từng địa phương, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông nghiệp công nghệ cao; đồng thời tạo hạt nhân thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa ở các địa phương, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thanh Hải cho biết, để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư vào cụm công nghiệp, tỉnh đã chỉ đạo các huyện chú trọng làm tốt cung cấp thông tin quy hoạch, chỉ dẫn địa lý, vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đến đầu tư. Đồng thời, tăng cường gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách hành chính, quảng bá, xúc tiến kêu gọi đầu tư. Trên cơ sở đó, chọn lọc thu hút các dự án đầu tư chất lượng, có tính bền vững.

Tỉnh cũng đang tăng cường đầu tư hạ tầng giao thông, mặt bằng, hệ thống thoát nước, điện để thu hút và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai dự án. Cùng đó, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khơi thông nguồn lực, tăng cường thu hút đầu tư phát triển; đẩy mạnh cải cách hành chính; thường xuyên lắng nghe, đối thoại, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh.

Phú Thọ phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ lấp đầy đất công nghiệp trong các cụm công nghiệp đạt trên 62%, đưa tổng sản phẩm trên địa bàn các cụm công nghiệp năm 2025 đạt khoảng 5,5 nghìn tỷ đồng, tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân trên 1 ha đất thuê đạt hơn 10 tỷ đồng; số lao động vùng nông thôn làm việc trong các cụm công nghiệp đạt khoảng từ 45 - 50 nghìn lao động.

Lâm Đào An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tren-duong-phat-trien-1/phu-tho-phat-trien-manh-cac-cum-cong-nghiep-tai-vung-nong-thon-mien-nui-i310441/