Phú Thọ: Thị trấn Hùng Sơn đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội rước Chúa gái

Thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao (Phú Thọ) vừa long trọng tổ chức Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội rước Chúa gái và bằng xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Đình Cả.

Thị trấn Hùng Sơn vốn là vùng đất cổ thuộc kinh đô Văn Lang dưới thời Hùng Vương dựng nước; vùng đất đầy ắp những truyền thuyết, huyền tích gắn liền với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Hai làng Vi và làng Trẹo của thị trấn Hùng Sơn có tên nôm là Kẻ Vi và Kẻ Trẹo đã được các triều đại phong kiến giao cho làm trưởng tạo lệ trong các nghi lễ thờ cúng Hùng Vương ở vùng Nghĩa Lĩnh. Tuy là hai làng khác nhau nhưng lại cùng chung đình, chung đám và chung cả hội hè.

Các lễ hội, truyền thuyết, địa danh ở đây đều liên quan chặt chẽ đến thời đại các Vua Hùng và vị thần bất tử Tản Viên Sơn Thánh. Chính giá trị tâm linh đó là cơ sở ra đời của các giá trị văn hóa phi vật thể khác đầy hấp dẫn, đầy bản sắc nguồn cội, trong đó có Lễ hội rước Chúa Gái đặc sắc. Dân gian truyền rằng, cách đây đã hàng nghìn năm, Lễ hội rước Chúa Gái (Lễ hội làng He) liền kề chân dãy núi Hy Cương nổi lên như một hội làng danh tiếng của vùng đất bán sơn địa linh thiêng.

Trải qua nhiều năm, đất nước thái bình, dân cư thịnh vượng, sinh sôi nảy nở, làng He được tách ra thành 3 làng: Làng Cả, làng Trẹo, làng Vi. Dưới thời phong kiến, khi nhà nước có chủ trương xây lập khu thờ tự các vua Hùng tại đất Nghĩa Lĩnh, làng Cả mang danh là Cổ Tích, đứng ra lập đền Thượng và xây Lăng, Chùa; làng Trẹo đứng ra xây lập đền Trung và làng Vi được phân công đứng ra lập đền Hạ cùng đền Giếng. Từ đấy về sau, chỉ có 3 làng này mới được cắt cử 3 người hàng năm lên Nghĩa Lĩnh làm thủ nhang cho 3 đền thờ vua Hùng, đồng thời 2 làng Trẹo - Vi luôn luôn cùng nhau tổ chức hội làng, làm lễ hội tất niên đón vua Hùng về ăn Tết và Lễ rước Chúa Gái vào những ngày cuối tháng Chạp và đầu tháng Giêng.

Chúa gái làm lễ tại cây hương

Lễ hội rước Chúa Gái nhằm diễn lại tích Tản Viên Sơn Thánh đến núi Hùng rước công chúa Ngọc Hoa về núi Tản. Trước đây, vào những năm được mùa, lễ hội được tổ chức to hơn, xen vào đó còn có nhiều các trò chơi dân gian như: Chọi gà, đấu vật, kéo co, hoặc mời các phường Xoan, hát Ghẹo, hát nhà tơ đến trình diễn cho dân làng xem. Việc chuẩn bị cũng như diễn trình Lễ hội rước Chúa Gái xưa và nay cũng đã có những thay đổi, do ảnh hưởng của cơ cấu tổ chức làng xóm, thành phần tham gia lễ hội cũng như đời sống kinh tế - xã hội, tâm linh tín ngưỡng của mỗi thời kỳ.

Với truyền thống và bề dày lịch sử của lễ hội, lễ hội đã chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm vinh dự tự hào đối với mỗi người dân trong thị trấn nói riêng và tỉnh Phú Thọ nói chung.

Cũng trong không khí trang nghiêm của lễ hội, thị trấn Hùng Sơn đã đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Đình Cả. Di tích Đình Cả được Cục Văn hóa thông tin cơ sở - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống kê năm 2005, là một trong 326 di tích thờ cúng các Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Di tích Đình Cả được Cục Văn hóa thông tin cơ sở - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống kê năm 2005, là một trong 326 di tích thờ cúng các Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Di tích Đình Cả là một công trình kiến trúc tín ngưỡng, nơi gửi gắm tâm linh của đông đảo nhân dân trong vùng, việc thờ phụng các vị thần ở Đình Cả sâu sắc hơn là sự gìn giữ, nối tiếp truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của những người dân nơi đây trong việc kế thừa và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của ông cha; đồng thời là kết tinh của quá trình lao động, sáng tạo. Ngôi đình còn là nơi hội tụ, cố kết cộng đồng làng xã, là tài sản vô giá cả về vật chất, tinh thần, văn hóa và tôn vinh giá trị truyền thống của làng.

Thanh Tâm

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/hung-son-don-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-le-hoi-ruoc-chua-gai-a650152.html