'Phù thủy hạt tiêu' và ngôi trường tâm lý học dành cho phụ nữ

Với biệt danh 'Phù thủy hạt tiêu' hay còn gọi là Dr Pepper, chị Phan Thị Huyền Trân được đông đảo phụ nữ Việt ở mọi độ tuổi, ngành nghề tin tưởng, yêu mến bởi kiến thức tâm lý chuyên sâu, những triết lý về tình yêu, hôn nhân cuộc sống sâu sắc, dễ hiểu và vô cùng hài hước.

Khi giảng dạy một lớp về Giám đốc điều hành tại ngôi trường riêng của mình, vô tình chứng kiến 2 người phụ nữ là học viên của lớp, một người rất giàu có, một là cô gái có hoàn cảnh gia đình khó khăn đều đang khóc khi chuẩn bị bước vào lớp học. Chị Pepper mới đặt ra câu hỏi, tại sao nhiều phụ nữ không hạnh phúc khi họ đã có tất cả những gì họ muốn hoặc có được sự bình an trong tâm hồn mặc dù không có khả năng tài chính? Hai câu hỏi và hình ảnh hai người phụ nữ đó quanh quẩn trong đầu chị cả buổi tối.

Lần đầu tiên trong buổi học hôm đó Pepper không dạy đúng chương trình của lớp mà đã chia sẻ với các bạn một phần nhỏ về vấn đề tâm lý. Sau buổi học, chị nhận thấy hơn 20 bạn nữ đều không ai muốn về, họ nói những kiến thức ấy giúp ích rất nhiều cho cuộc sống và họ cần chúng. Điều này đã làm cho Pepper nghĩ buổi tối đó như một định mệnh, khi ra về chính bản thân mình cũng thấy rất vui và từ ngày hôm đó, chị bắt đầu quan sát những người phụ nữ xung quanh mình để nhận ra rằng “Không phải phụ nữ Việt Nam không hạnh phúc, chúng ta có tất cả những phương tiện để hạnh phúc chỉ có điều chúng ta làm chưa đúng cách như số đông phụ nữ xung quanh Pepper”. Điều đó thôi thúc chị muốn làm một phần nhỏ để thay đổi môi trường xung quanh mình trước chứ chưa dám nói sẽ tác động đến hầu hết phụ nữ Việt Nam.

Khi thành lập Vương quốc hạnh phúc, khó khăn lớn nhất là vấn đề tài chính và tâm lý của mọi người khi đón nhận một điều còn quá mới mẻ. Với tên gọi đầu tiên Nghệ thuật quyến rũ chị đã gặp không ít khó khăn như mọi người cho rằng nội dung không ổn, giáo viên và bộ máy vận hành quá trẻ chỉ ngoài 20, thậm chí có góp ý rằng nghe cái tên đã thấy không đàng hoàng! Do niềm tin ban đầu mang lại cho mọi người rất khó nên từ việc tuyển sinh, marketing, việc lan truyền thông điệp quá lạ, quá mới lại càng nhọc nhằn.

Thông điệp từ Pepper đưa ra và thông điệp truyền thống của người phụ nữ Việt đã đụng chạm nhau trong chính nội dung học nên chị gặp không ít sự cố khi dạy. Nghĩa là trước lúc học viên đến trường đã gặp sự cố, đến lúc học viên tới và học thì lại bị ảnh hưởng bởi luồng văn hóa ăn sâu vào tâm trí từ rất nhiều năm. Pepper phải thay đổi luồng văn hóa ấy và minh chứng cho các bạn một điều rằng, các bạn phải hạnh phúc trước, phải nghĩ cho mình trước sau đó các bạn mới đủ khả năng làm đúng và làm tốt những cái sau.

Ví như, nhiều cha mẹ hay nói với con gái rằng, con hãy cố lên, cuộc hôn nhân của con 5, 10 năm nữa sẽ ổn. Còn chị Pepper lại đưa thông điệp mới rằng “hãy sống cho bạn trước, hãy hạnh phúc trước sau đó mới đủ hạnh phúc để bạn cho đi”.

Sau gần 2 năm để hoàn thiện các chương trình cũng như theo học các lớp nghiên cứu chuyên sâu về tâm lý, về rối loạn đa nhân cách đặt biệt là trầm cảm sau sinh, trầm cảm do stress hoặc những bệnh lý về tâm lý chị mới nhận ra rằng thật ra có rất nhiều cái để mình có thể làm với học viên. Chị hiểu vì sao học viên của mình mất năng lượng, vì sao họ có kiến thức nhưng lại không áp dụng được, từ đó chị xây dựng nhiều chương trình để thay đổi được các nhóm đối tượng khác nhau.

Điều quan trọng nhất để có được hạnh phúc theo Pepper là hạnh phúc có từ trong suy nghĩ. Chị cảm thấy mình hạnh phúc sau khi đọc câu nói của Phật: “Hạnh phúc không phải con là ai, không phải con có cái gì mà chỉ đơn giản là con đang nghĩ gì”. Đã có lúc chị Huyền Trân phải bán cả tài sản để có kinh phí vận hành ngôi trường mơ ước nhưng chị vẫn cảm thấy hạnh phúc vì chị biết mình nghĩ gì. “Cho đến giờ Pepper cũng không có nhiều thứ nhưng Pepper nghĩ mình có hạnh phúc bởi mình đã học cách đơn giản hóa suy nghĩ thay vì việc đơn giản hóa ngôi nhà, đơn giản hóa những cái thuộc về mình thậm chí mối quan hệ. 24 giờ Pepper chỉ tập trung vào những điều có ý nghĩa, vào những điều giúp cho người khác cười chứ không làm ai tổn thương”, chị chia sẻ.

Dr Pepper Phan Thị Huyền Trân

Cô "Phù thủy Hạt tiêu" duyên dáng còn chia sẻ rằng, ông xã chính là người đầu tiên chị tâm sự khi gặp khó khăn, chị hài hước nói: ”Ảnh là con cháu Khổng Tử nên thường cho mình những lời khuyên đôi khi rất quái đản nhưng lại làm mình nhẹ đầu”. Một câu nói của ông xã giúp chị nghiệm ra nhiều điều về hạnh phúc là: ”Vấn đề không được giải quyết khi mình phải đưa ra một quyết định hay phải làm một việc gì đấy mà thật ra chỉ cần ngừng suy nghĩ về nó là đã giải quyết xong rồi!”.

Theo chị cách ổn nhất để giải quyết vấn đề khi gặp khó khăn là tĩnh tâm lại và nghĩ đến mục tiêu quan trọng nhất trong cuộc đời mình. Với Pepper, mục đích trong cuộc đời là mang đến hạnh phúc cho người bên cạnh và xây dựng được một Vương quốc hạnh phúc lớn đến mức tất cả phụ nữ Việt Nam ai cũng biết đến, vĩ đại đến mức tất cả phụ nữ Việt Nam đều có thể đến học miễn phí để mang lại hạnh phúc, để chữa trị những tổn thương trong tâm hồn. Khi xác định được mục tiêu của mình thì những khó khăn trong cuộc sống Pepper đều vượt qua rất dễ dàng

Merry Kingdom hiện là ngôi trường Tâm lý học đầu tiên tại Việt Nam dành riêng cho phụ nữ. Sau 5 năm hoạt động, trường đã mang đến giải pháp tâm lý cho hơn 50.000 học viên để tìm và giữ được hạnh phúc thật sự trong cuộc sống, hôn nhân và sự nghiệp qua các khóa học Nghệ Thuật Quyến Rũ, Phụ nữ Thông minh, Sống không stress, Vợ tốt, Gái hư, Đàn ông và Tình dục học… Ngoài ra, mỗi 6 tháng trường có các chương trình ngoại khóa đặc biệt như: Một năm tỏa nắng, Thôi miên hạnh phúc, Thải độc cơ thể và tâm hồn, Vũ điệu giải thoát… Các khóa học có giá từ 250.000 đến 21.800.000đồng/người, tùy chương trình học.

Xem clip một số hoạt động của Merry Kingdom:

Đăng Uyên - Tường Linh

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/san-pham-hong/phu-thuy-hat-tieu-va-ngoi-truong-tam-ly-hoc-danh-cho-phu-nu-post43574.html