Phù thủy lồng tiếng Đạt Phi: Cát-xê bèo bọt, chỉ 135.000 đồng/tập phim

Theo nam diễn viên lồng tiếng gạo cội, việc lồng tiếng phim hiện nay bị ép giá làm giảm chất lượng. 'Có người chỉ cần biết khớp miệng là có thể làm nghề lồng tiếng', anh chia sẻ.

Đạo diễn Đạt Phi ngậm ngùi nói về chất lượng lồng tiếng phim Việt kém Theo đạo diễn, diễn viên lồng tiếng gạo cội, việc cắt giảm kinh phí, ép giá, phá giá... là những lý do khiến chất lượng lồng tiếng phim Việt ngày càng giảm.

Nghệ sĩ Đạt Phi là cái tên không mấy xa lạ với khán giả yêu truyền hình những năm 1990 qua hàng loạt phim như Bao Thanh Thiên, Tiếu ngạo giang hồ, Ngày mai trời lại sáng, Hoàn Châu cách cách... Những năm gần đây, anh tấn công màn ảnh rộng với sản phẩm lồng tiếng cho hàng loạt phim hoạt hình chiếu rạp của các "ông lớn" như Disney, Pixar...

Mới đây, khi có tranh cãi nên hay không việc lồng tiếng cho phim truyền hình Việt Nam sau phát ngôn của diễn viên Trung Dũng, đạo diễn Đạt Phi thẳng thắn chia sẻ về tình trạng trong giới lồng tiếng phim.

Theo đó, không chỉ riêng phim Việt mà cả phim truyện nước ngoài cũng rơi vào tình trạng bị ép giá lồng tiếng. Điều này khiến bản thân anh cũng phải rút lui khỏi phim bộ Hong Kong, Đài Loan vì không thể xoay xở với mức kinh phí quá thấp hiện nay.

Lồng tiếng giờ như buổi chợ chiều

- Mới đây, có những tranh cãi về việc nên hay không lồng tiếng phim Việt Nam, là người chứng kiến những thay đổi của nghề lồng tiếng suốt 20 năm qua, anh nghĩ thế nào?

- Hiện trên thế giới có xu hướng thu tiếng trực tiếp khi quay phim để tạo cảm giác chân thực hơn. Tuy nhiên ở Việt Nam, việc thu tiếng trực tiếp không phải là dễ dàng vì chúng ta không có phim trường, phải sử dụng hiện trường thật với nhiều tạp âm. Bên cạnh đó, không phải tất cả diễn viên đều có đài từ tốt, không ít người bị đớt, cà lăm. Vậy nên vai trò của diễn viên lồng tiếng là "cứu" diễn viên. Tuy nhiên khán giả là những người có quyền nhận xét, có quyền chê tác phẩm họ thấy chưa đã.

Thực tế là hầu hết anh em trong nghề đều than kinh phí lồng tiếng hiện tại quá thấp. Cách đây 10 năm lồng tiếng và làm tiếng động cho một tập phim là 5,5 triệu đồng, hiện tại chỉ còn 3-4 triệu đồng.

- Diễn viên lồng tiếng sẽ nhận được bao nhiêu?

- Có thực mới vực được đạo. Khi cát-xê quá thấp thì không thể đòi hỏi họ bỏ hết tâm sức ra làm được. Chúng ta phải nhìn vào thực trạng, muốn cải thiện được chất lượng lồng tiếng thì phải cải thiện được vấn đề kinh phí.

Đạt Phi cho rằng việc phá giá, ép giá khiến giới lồng tiếng phim ngày càng khó khăn.

Trước đây lồng tiếng bao giờ cũng phải có sếp la-tô (chef de plateau, hay còn gọi là đạo diễn lồng tiếng) là người có thâm niên trong nghề nhưng bây giờ không còn nữa. Bây giờ ngay cả đạo diễn cũng không có thời gian để ngồi xem lồng tiếng. Những anh chị em làm nghề lâu năm dường như cũng ít việc do bây giờ thị trường thường xuyên phá giá. Hiện tại không còn đất cho những người làm chỉn chu nữa.

- Nếu không còn sếp la-tô thì ai sẽ đứng ra nhận lồng tiếng?

- Bây giờ có "thầu" lồng tiếng. "Thầu" lồng tiếng có khi phải có số vốn vài trăm triệu đồng hoặc một tỷ đồng để nhận nhiều phim về làm một lúc. Nếu một người thầu 10 phim Việt Nam thì tìm sếp la-tô ở đâu để đạo diễn cho 10 phim cùng lúc? Sự thật là phim nào được đầu tư nhiều thì phim đó hay.

Thực tế, có nhiều bạn thầu lồng tiếng phá sản vì phải vay mượn để trả cho diễn viên, trong khi chờ nhận lại được chi phí từ nhà sản xuất thì rất lâu.

- Chất lượng diễn viên lồng tiếng hiện tại không tốt, anh có thừa nhận điều đó?

- Diễn viên được đào tạo bài bản cũng có, diễn viên tay ngang cũng có. Lồng tiếng hiện tại giống như buổi chợ chiều. Có những trường hợp đào tạo vội vã, thâm chí chỉ cần biết khớp miệng một chút là có thể làm nghề, bởi vì kỹ thuật âm thanh bây giờ quá tốt, có thể xử lý được tất cả.

Chưa khi nào số lượng diễn viên lồng tiếng đông như quân Nguyên như hiện nay. Tuy nhiên, để tìm được những diễn viên lồng tiếng giỏi như ngày xưa thì hơi hiếm.

Tôi nhớ ngày xưa khán giả rất thần tượng những diễn viên lồng tiếng như nhóm Thế Thanh, Bích Ngọc. Với số lượng diễn viên hiện nay thì họ phải giành giật nhau, phải đấu giá để có được công việc. Thậm chí nhiều người phải nhận lồng giá sỉ. Vì vậy khi bước vào phòng thu, họ sẽ không còn tâm thế để diễn, để sống cùng cảm xúc của nhân vật như xưa. Rất nhiều bạn trẻ hiện nay một ngày có thể lồng 20-30 tập phim.

Đạt Phi khóc khi lồng tiếng một phân cảnh bi thương trong phim. Anh cho biết dù đây là lần thứ hai lồng tiếng đoạn phim này nhưng anh vẫn giữ nguyên vẹn cảm xúc, bởi người diễn viên phải đau như nỗi đau của chính mình thì mới thể hiện được chân thật.

- Những phim truyền hình miền Bắc ít gặp vấn đề lồng tiếng hơn so với phim miền Nam, theo anh lý do là gì?

- Chất giọng của diễn viên miền Bắc cơ bản đã hay hơn miền Nam rồi. Ngay cả ra gặp bà bán rau ngoài chợ cũng thấy giọng có ngữ điệu lên xuống. Nếu nói về giọng, ngữ điệu thì trong miền Nam không thể sánh bằng.

Diễn viên miền Nam gặp vấn đề này nhiều, ngay cả các bạn trẻ được học tiếng nói sân khấu cũng vẫn bị. Phải là người xử lý đài từ chắc như những anh em sân khấu lắm thì nói chuyện mới có ngữ điệu được.

Tôi xuất phát là dân miền Tây Nam Bộ, ăn to nói lớn và không kiểm soát câu cú. Vì vậy khi dạy học trò, tôi luôn dặn các bạn lắng nghe giọng mình, khi nghe được giọng nói của mình thì mới điều khiển được nó. Đó là cách tôi tự học.

Cát-xê bèo bọt

- Ngày trước chi phí lồng tiếng cho một tập phim bộ nước ngoài là 3 triệu đồng/tập, hiện tại thì như thế nào?

- Phim Hong Kong, Đài Loan cách đây 10 năm là 3 triệu đồng/tập trọn gói thì bây giờ chỉ còn khoảng 2,5 triệu đồng là cao, có nơi còn nhận giá 1,8 triệu đồng. Mức giá nào họ cũng nhận vì nếu không làm sẽ có đơn vị khác nhận ngay.

Ngày xưa mỗi diễn viên nhận được 135 nghìn đồng/tập. Bây giờ diễn viên có tiếng thì may ra có 135 nghìn đồng/tập, diễn viên mới thì từ 80.000-100.000 đồng/tập. Thậm chí có những nơi tuyển diễn viên phải biết bấm thu, làm kỹ thuật, biên tập phim, như vậy thì các đơn vị mới có thể sống được.

Khi các bạn đến học lồng tiếng, tôi không bao giờ đưa cho các bạn bức tranh màu hồng. Tôi luôn hỏi các bạn có công việc ổn định chưa. Nếu các bạn chọn lồng tiếng là một việc để cứu cánh thì không nên.

Nếu nghĩ học lồng tiếng để ra làm với mức lương mười mấy triệu đồng một tháng thì không có đâu. Ngành nghề nào cũng vậy, bạn phải xuất sắc mới có được cơ may nhiều. Cũng may là đa phần những người đến học với tôi đều có công việc ổn định. Tôi mừng vì điều đó bởi sau này ra làm nghề, họ sẽ không phá giá.

Dù đã nhiều năm gắn bó với phim bộ nước ngoài, Đạt Phi cũng phải rời bỏ dòng phim này vì chi phí quá thấp.

Tóc Tiên, Chi Pu cũng đi lồng tiếng

- Tên tuổi anh gắn liền với phim bộ Hong Kong, Đài Loan. Thế nhưng những năm gần đây, anh lại tập trung vào việc lồng tiếng phim hoạt hình chiếu rạp, vì sao vậy?

- Đối với phim Việt Nam, nhiệm vụ của diễn viên lồng tiếng là phải "cứu" diễn viên. Nhưng ngược lại, đối với phim nước ngoài, nhiệm vụ của chúng tôi là làm sao để giống bản gốc nhất, diễn viên phải là một bản photocopy có cảm xúc. Chỉ có làm những bộ phim nước ngoài tôi mới nghĩ mình đang làm nghề vì bản thân học hỏi được nhiều về diễn xuất và về cách làm phim.

Có những nghệ sĩ mà tôi phát hiện có chất giọng, phù hợp với phim thì tôi sẽ mời. Nghệ sĩ trẻ phải kể đến Tóc Tiên, Khả Như, Miu Lê, Chi Pu, Puka. Đa số các bạn ấy không biết lồng tiếng là gì nhưng có chất diễn, tôi chỉ cần định hướng là họ có thể làm rất tốt.

Hoặc như Xuân Nghị, bạn ấy thử giọng nhưng rớt hàng chục lần nhưng tôi thấy được cái chất của bạn ấy, chỉ là chưa đi đúng hướng lồng tiếng. Cho đến phim Xì-trum, tôi gọi bạn ấy thử giọng thì bạn ấy từ chối bảo chắc không có duyên với lồng tiếng. Nhưng được tôi động viên, Nghị đậu vai Tí vụng về. Ngay sau phim đó, bạn ấy lại đậu vai chính trong phim Car 3. Tôi thích khi mỗi sản phẩm của mình khi ra rạp được người cùng nghề hỏi: "Giọng này của ai vậy?".

Sau nhiều năm gắn bó với nghề lồng tiếng, Đạt Phi của hiện tại là người tiếp lửa và dẫn dắt nhiều diễn viên trẻ vào nghề.

- Anh cũng đã đào tạo nhiều thế hệ diễn viên lồng tiếng. Thế nhưng với hiện trạng nghề lồng tiếng như vậy, họ có điều kiện để làm nghề không?

- Chỉ tính từ khi mở khóa, thì có lẽ tôi đào tạo được khoảng 100 bạn. Đó là một "ngân hàng" giọng lớn cho những phim hoạt hình của tôi. Phim hoạt hình chiếu rạp không giống như phim bộ mà muốn đưa ai vào là đưa. Tôi lưu lại toàn bộ hình ảnh, chất giọng thì chỉ cần chọn giọng và cho casting. May mắn là tất cả học trò của tôi đều có công việc riêng, bởi vậy đó không phải là gánh nặng.

Có điều thú vị là những bạn bị đớt đến học với tôi nhưng không có nghĩa là các bạn ấy không có cơ hội. Có những vai diễn cần phải đớt, mình giả đớt thì vẫn được nhưng nếu là một người bị đớt lồng tiếng thì sẽ chân thật hơn rất nhiều.

Thu Thủy
Ảnh: Nguyễn Thành

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/phu-thuy-long-tieng-dat-phi-cat-xe-beo-bot-chi-135000-dongtap-phim-post864562.html