Phú Yên: Chính quyền cấp trên 'tuýt còi' cấp dưới, doanh nghiệp chịu thiệt

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Phú Yên, TP.Tuy Hòa kêu gọi doanh nghiệp xã hội hóa việc nạo vét cửa biển Đà Diễn và luồng lạch cho tàu bè của ngư dân lưu thông. Thực hiện nạo vét xong, đến khi doanh nghiệp tận thu lượng bùn, cát nạo vét mang đi tiêu thụ nội địa để bù lại chi phí đã bỏ ra thì bị ngăn chặn.

Trước tình hình cửa biển Đà Diễn liên tục bị bồi lấp, để tàu thuyền ngư dân neo đậu ở cảng cá Đông Tác ra khơi kịp thời vụ, tỉnh Phú Yên chỉ đạo UBND TP Tuy Hòa tổ chức nạo vét tạm thời khu vực bị bồi lấp.

Theo đó, Công ty TNHH MTV Bảo Châu – Phú Yên (Cty Bảo Châu) được giao thực hiện việc nạo vét và tận thu cát sau nạo vét. Sau khi đã hoàn công, Cty Bảo Châu bán khối lượng cát tận thu này cho Công ty CP Thương mại VN Gold Sand.

Trước khi kêu gọi xã hội hóa nạo vét khơi thông luồng lạch, tàu thuyền ngư dân luôn trong tình trạng mắc cạn do cửa biển Đà Diễn bị bồi lấp. Ảnh: TL

Khi Công ty CP Thương mại VN Gold Sand đưa tàu Trung Huy 588 vào chở cát thì văn phòng UBND tỉnh Phú Yên ra thông báo: "Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn tại Vũng Rô phối hợp với chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo lực lượ̣ng chức năng yêu cầu tàu Trung Huy 588 đang neo đậu phía ngoài cửa biển Đà Diễn rời khỏi hải phận Phú Yên trong ngày 26/4/2018".

Đến ngày 27/4, khi tàu chuẩn bị làm thủ tục để lên đường trả hàng tại TP.HCM thì đại diện Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn yêu cầu tàu phải vào cảng Vũng Rô. Và từ đó tới nay, tàu Trung Huy 588 bị tạm giữ mà không biết vi phạm điều gì.

Cty CP Thương mại VN Gold Sand đã nhiều lần làm đơn khiếu nại đến Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn tại Vũng Rô và UBND TP.Tuy Hòa về việc không cho phép tàu rời cảng. Việc không làm thủ tục cho tàu rời cảng đã gây thiệt hại hàng tỷ đồng về kinh tế cho doanh nghiệp và chủ tàu.

Ông Nguyễn Văn Nguyên, thuyền trưởng tàu Trung Huy 588 cho biết từ khi đưa tàu vào cảng Vũng Rô đến nay đã hơn một tháng nhưng không có cơ quan, đơn vị chức năng nào giải quyết dứt điểm vụ việc.

Tàu Trung Huy 588 bị tạm giữ tại cảng Vũng Rô hơn một tháng qua. Ảnh: TL

Phía chủ tàu cũng khẳng định, cho đến thời điểm hiện tại tàu Trung Huy 588 không vi phạm pháp luật.

Là đơn vị có trách nhiệm và quyền lợi liên quan, Cty Bảo Châu đã có công văn gửi UBND tỉnh Phú Yên, Sở NN-PTNT và UBND TP.Tuy Hòa. Bởi theo hợp đồng, Công ty Bảo Châu đã làm đúng pháp luật, tự ứng tiền ra nạo vét và đã hoàn thành khối lượng các hạng mục nạo vét tạm thời khu vực cửa biển Đà Diễn, với tổng kinh phí nạo vét và vận chuyển hơn 19 tỷ đồng.

Về sự việc tàu Trung Huy 588 bị neo giữ, Đại tá Nguyễn Văn Minh, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Phú Yên, khẳng định tàu Trung Huy 588 chưa có vi phạm gì. Còn đại diện Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn cũng xác định căn cứ quy định pháp luật về hàng hải và thông báo của UBND TP.Tuy Hòa thì tàu này có đầy đủ thủ tục pháp lý.

Lý giải cho việc lưu giữ tàu Trung Huy 588, đại diện cảng vụ cho hay tàu Trung Huy 588 không vi phạm gì, hàng chở trên tàu là cát, có nguồn gốc rõ ràng. “Nguồn gốc hàng rõ rồi nhưng chủ hàng chưa có giấy của chính quyền tỉnh Phú Yên là được xuất bán ra ngoài hay không. Tỉnh nói phải làm rõ vấn đề này mà chưa làm rõ nên chưa thể cấp phép cho tàu đi” - đại diện cảng vụ cho biết.

Trước câu hỏi vì sao tàu không vi phạm nhưng UBND tỉnh lại yêu cầu trục xuất, rồi cảng vụ neo giữ không làm thủ tục cho tàu rời cảng, văn phòng UBND tỉnh Phú Yên cho rằng: “Mọi tranh chấp liên quan đến hợp đồng vận chuyển của chiếc tàu trên và thiệt hại nếu có thì UBND TP.Tuy Hòa hoàn toàn chịu trách nhiệm về mặt pháp lý và hậu quả xảy ra”.

Theo ông Huỳnh Anh Văn, Trưởng phòng pháp chế Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn: "Việc trục xuất tàu là không đúng và cảng vụ cũng không phải giữ tàu. Nếu tàu không chở hàng thì đã làm thủ tục cho tàu đi rồi. Nhưng vì tàu này đang chở lô hàng mà theo quyết định của UBND tỉnh không cho xuất đi, nên cảng vụ không làm thủ tục cho tàu đi được".

Ông Văn giải thích thêm, xét về lô hàng trên tàu này được UBND TP.Tuy Hòa ký với Cty Bảo Châu là hợp pháp. Tuy nhiên, tỉnh Phú Yên cho rằng UBND TP.Phú Yên vượt cấp cho doanh nghiệp tiêu thụ nội địa khối lượng cát đã nạo vét. Chính vì lùm xùm, mâu thuẫn giữa UBND TP.Tuy Hòa và UBND tỉnh Phú Yên, nên cảng vụ chưa thấy tín hiệu gì từ phía địa phương thông báo lô hàng trên hợp pháp nên dẫn đến sự việc trên.

Là doanh nghiệp tham gia việc xã hội hóa, tự bỏ tiến túi ra nạo vét để tận thu cát, Công ty Bảo Châu đề nghị: "Chính quyền tỉnh Phú Yên và TP.Tuy Hòa phải ngồi lại để giải quyết thống nhất cho doanh nghiệp, nhằm hạn chế rủi ro thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp".

Được biết, hiện Công ty Bảo Châu đã làm công văn cầu cứu Chính phủ xem xét, kiểm tra các văn bản qui định của UBND tỉnh Phú Yên nhằm giải quyết dứt điểm vụ việc xã hội hóa nạo vét khơi thông luồng lạch khu vực cửa Đà Diễn.

Theo doanh nghiệp này, tỉnh Phú Yên cho rằng nhà đầu tư chỉ nạo vét mà không đề cập đến việc tận thu khối lượng cát sau nạo vét là vô lý.

Chẳng lẽ doanh nghiệp đầu tư hàng chục tỷ đồng vào xã hội hóa nạo vét rồi khi tận thu nguồn cát nạo vét thì bị ngăn cấm?

Thanh Hải

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/phap-luat/ban-doc/phu-yen-chinh-quyen-cap-tren-tuyt-coi-cap-duoi-doanh-nghiep-chiu-thiet-38818