Phú Yên: Đánh thức lợi thế nông nghiệp

Với xu thế hội nhập và phát triển, tỉnh Phú Yên đã tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) trong sản xuất nông nghiệp để hạn chế những rủi ro, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm thiểu rủi ro dưới tác động biến đổi khí hậu và đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Phát huy tiềm năng

Nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh Phú Yên với giá trị sản xuất khu vực nông, lâm, thủy sản chiếm từ 24-25% tổng giá trị sản phẩm trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh; năm 2018, đạt 11.595,6 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 5.738 tỷ đồng.

Phú Yên có nhiều lợi thế để phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Mới đây, tại Hội nghị "Gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với nông dân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp", nằm trong khuôn khổ hoạt động Trình diễn, kết nối cung - cầu công nghệ lĩnh vực nông, lâm, thủy sản năm 2019, ông Nguyễn Trọng Tùng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên - cho biết, tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao. Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên đã được Chính phủ phê duyệt và đang được đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ là điều kiện quan trọng để thúc đẩy các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh liên quan đến nông nghiệp.

Những năm qua, việc nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu KH&CN đã triển khai ở hầu hết các khâu trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt với sản phẩm chủ lực. Phú Yên còn là một trong những tỉnh tiên phong của cả nước ứng dụng giải pháp IoT (mạng lưới vạn vật kết nối Internet) trong nông nghiệp. Đây là xu hướng mới tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, hướng đến giảm thiểu tác động từ canh tác nông nghiệp đến môi trường.

Sở KH&CN Phú Yên đã thành lập điểm kết nối cung - cầu công nghệ đặt tại Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ Phú Yên, đây là đầu mối để nắm bắt các nhu cầu công nghệ nhằm giúp tìm kiếm các công nghệ mới. Thông qua các nhu cầu công nghệ từ phía doanh nghiệp để từ đó đề xuất, xem xét, lựa chọn các nhiệm vụ KH&CN phù hợp các chương trình hỗ trợ của nhà nước.

Liên kết chặt chẽ "bốn nhà"

Ông Nguyễn Trọng Lực - đại diện Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ Phú Yên - cho rằng, để thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, ngành nông nghiệp Phú Yên cần đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thay đổi các phương thức sản xuất truyền thống để nâng cao năng suất, chất lượng và gia tăng chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Trong đó, cần chú trọng ứng dụng công nghệ thông minh, công nghệ 4.0 vào sản xuất giúp thay đổi phương thức quản lý, từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ hàng hóa và truy xuất nguồn gốc nhằm mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp Phú Yên hiện đại trong thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ và thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới, thông minh, nông nghiệp hữu cơ và xây dựng mô hình nông nghiệp thông minh phát triển tại địa phương.

Theo các chuyên gia, để ngành nông nghiệp tỉnh Phú Yên có bước phát triển vượt bậc hơn trong thời gian tới cần có sự chung tay, chung sức của "bốn nhà": Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp. Mỗi nhà cần phát huy vai trò chủ động, sáng tạo; phối hợp, liên kết chặt chẽ và nhịp nhàng với các nhà còn lại tạo nên sức mạnh tổng hợp, hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp và kết nối cung, cầu để nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.n

Đầu tư ứng dụng KH&CN sẽ góp phần quan trọng giúp ngành nông nghiệp Phú Yên phát triển bền vững; các mặt hàng nông sản mang thương hiệu Phú Yên sẽ có cơ hội tham gia, hội nhập với thị trường trong nước và thế giới.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phu-yen-danh-thuc-loi-the-nong-nghiep-124390.html