Phú Yên - Nghị định 67 vẫn chưa thực sự khơi thông

Là một trong những tỉnh có đội tàu đánh bắt xa bờ hùng hậu so với nhiều địa phương khác trong cả nước, Phú Yên được Trung ương phân bổ đóng mới 170 chiếc tàu công suất lớn khai thác xa bờ và 20 chiếc tàu dịch vụ hậu cần nghề cá khi triển khai Nghị định 67 của Chính phủ. Tuy nhiên, sự khởi động mạnh mẽ lúc ban đầu đã không đem lại kết quả như mong mỏi và kỳ vọng của chính quyền cùng ngư dân.

Chiếc tàu vỏ thép của ngư dân Ngô Văn Lanh (được đóng từ nguồn vốn vay Nghị định 67) hạ thủy tại bến cảng Cam Ranh. Ảnh: Phương Oanh

Chiếc tàu đầu tiên từ vốn Nghị định 67

Ngày 29-1-2016, tại TP Cam Ranh (Khánh Hòa), Công ty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh (Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy) đã tổ chức lễ hạ thủy và bàn giao tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ, cho ngư dân Ngô Văn Lanh, phường Xuân Thành, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Tàu cá này dài 26m, rộng 7,3m, cao 3,3m, có hệ động lực diesel hai chân vịt, công suất máy chính 800CV, tốc độ khoảng 11,5 hải lý/giờ, với đầy đủ các thiết bị hàng hải như radar, định vị toàn cầu, bản đồ số, khoang bảo quản lạnh cách nhiệt bằng PU bọc inox… và đặc biệt được trang bị 60 bộ đèn có công suất 3.000w/bộ. Tàu có khả năng hoạt động trên biển với sóng cấp 8, thời gian hoạt động liên tục hơn 30 ngày. Đây là tàu cá vỏ thép đầu tiên vay vốn theo Nghị định 67 và cũng là chiếc tàu hiện đại nhất hiện nay của ngư dân Phú Yên. Tổng trị giá đầu tư con tàu là hơn 16,5 tỷ đồng (phần ngư cụ hơn 1 tỉ đồng), trong đó, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển chi nhánh Phú Yên cho vay 95% giá trị.

Chỉ 10 ngày sau khi hạ thủy, con tàu của ông Lanh đã vươn khơi để kịp thời điểm "rộ" của vụ đánh bắt. Qua hệ thống đàm thoại, người lao động trên tàu gọi về cho hay, ra biển đánh bắt trên chiếc tàu thép này, họ thấy vững tin hơn. Cho dù gặp hôm gió mùa thổi, biển động mạnh, tàu vẫn chạy khỏe không phải trú tránh. Mặt khác, nhờ có hệ thống cấp đông hiện đại, cá đánh bắt lên đều giữ được tươi ngon. Tín hiệu khả quan từ biển báo về khiến ông Lanh không khỏi vui mừng: "Mình đã vượt qua nhiều khó khăn, quyết tâm vay vốn theo Nghị định 67 để đóng tàu lớn. Giờ đang hy vọng, cố gắng ấy không uổng công".

Nhớ lại những ngày đầu tiếp cận chương trình đóng tàu theo Nghị định 67, ông Lanh kể, sau khi biết UBND tỉnh Phú Yên xét mình đủ điều kiện vay vốn, ông đã lặn lội đi khắp nơi tham quan các xưởng đóng tàu, tìm hiểu mẫu tàu phù hợp. Việc vay vốn của ông cũng từng gặp không ít khó khăn về thủ tục, nhưng sau nhiều tháng kiên trì và quyết tâm hoàn tất thủ tục, ông cũng được ngân hàng chấp thuận ký hợp đồng tín dụng và giải ngân vốn. Ông Lanh là một trong rất ít những ngư dân Phú Yên, được may mắn tiếp cận nguồn vốn vay theo Nghị định 67 từ ngân hàng, để thực hiện được giấc mơ đóng tàu lớn vươn khơi, bám biển.

Nghẽn từ đâu?

Cũng như ông Ngô Văn Lanh, đối với nhiều ngư dân Phú Yên, việc sở hữu những con tàu có công suất lớn để vươn khơi bám biển đánh bắt xa bờ, là niềm ao ước luôn thôi thúc họ. Mặc dù vậy, sau hơn 1 năm triển khai Nghị định 67, đến nay, số ngư dân Phú Yên đã được giải ngân nguồn vốn đóng mới và nâng cấp tàu cá chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên cho biết, hiện Phú Yên có 65 chủ tàu được phê duyệt đủ điều kiện vay vốn đóng tàu mới, nâng cấp, cải hoán và vay vốn lưu động. Trong đó, vay vốn đóng mới 21 tàu; vay nâng cấp, cải hoán 5 tàu; vay vốn lưu động 39 tàu. Tổng nhu cầu vốn gần 227 tỷ đồng, trong đó, vốn vay 182,4 tỷ, vốn đối ứng 43,79 tỷ. Điều đáng nói, đối với 21 trường hợp đủ điều kiện vay vốn đóng mới tàu vỏ thép, tàu vỏ gỗ, thì đến nay, chỉ mới có 7 chủ tàu ký hợp đồng và tiến hành đóng mới. Có 4 tàu vỏ gỗ nghề lưới vây rút chì và 1 tàu vỏ thép nghề mành chụp đã hoàn thành đi vào hoạt động; 2 tàu vỏ thép nghề lưới vây còn đang trong thời gian thi công đóng mới.

Ông Phan Thuẫn, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá TP Tuy Hòa cho biết, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 89/2015/NÐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 67 theo trình tự, thủ tục rút gọn đã tháo gỡ những nút thắt về điều kiện cho vay, giúp cho ngư dân tiếp cận nguồn vốn có phần thuận lợi hơn. Song, thực tế, Nghị định 67 chưa thực sự "khơi thông" bởi còn nhiều vướng mắc từ chính người trong cuộc.

Theo Nghị định 67, tùy thuộc vào chất liệu vỏ tàu và công suất máy chính, ngư dân có thể vay tối đa từ 70 - 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu, bao gồm cả máy móc, ngư lưới cụ, trang thiết bị hàng hải, máy móc thiết bị bảo quản hải sản, bảo quản hàng hóa, bốc xếp hàng hóa. Như vậy, ngư dân phải có vốn đối ứng 30% đối với tàu vỏ gỗ và từ 5-10% đối với tàu vỏ thép hoặc vỏ composite đóng mới. "Ngư dân chúng tôi lâu nay chỉ có ghe thuyền tầm trung, chăm chỉ làm ăn chắt chiu cũng không được bao nhiêu. Mỗi gia đình may ra có được vài trăm triệu tích lũy đã là nhiều. Thế nhưng, với giá trị mỗi con tàu có khi lên đến 15 - 17 tỷ đồng thì rõ ràng yêu cầu về phần vốn đối ứng là một thách thức không nhỏ. Chính vì điều đó, nhiều ngư dân dù thấy cơ hội phát triển sản xuất, mở hướng làm ăn lớn, vẫn không thể chạm tới được" - ông Phan Thuẫn lý giải.

Và, với những ngư dân từng chạm đến chuyện vay vốn từ Nghị định 67 thì không dễ cầm được đồng vốn để thực hiện ước muốn đóng tàu to vươn khơi. Ngư dân Lê Thái Bình, phường 6, TP Tuy Hòa là người đã lập dự án, tính toán khá kỹ càng phương án vay, trả lãi, trả nợ khi muốn đóng chiếc tàu hậu cần nghề cá, theo chương trình vay vốn của Nghị định 67, song đến lúc này ông đã quyết định rút lui, lấy hồ sơ mang về.

Ông Bình kể, cùng với việc xây dựng đề án vay vốn, bản thân ông đã tìm đến một cơ sở đóng tàu tại Bình Định đặt hàng. "Khi hồ sơ được Ban thẩm định xét duyệt đủ điều kiện được vay, tôi đặt thiết kế mẫu tàu và cho dựng xỏ đóng tàu. Vừa đóng, vừa chờ ngân hàng trả lời kết quả thẩm định và giải ngân nhưng mãi không thấy gì" - ông Bình bày tỏ vẻ thất vọng. Để tàu nằm miết thì chết vốn, xoay tiền bên ngoài để làm tiếp thì không thể, phần lại nóng ruột vì lỡ cơ hội mùa làm ăn, ông Bình quyết định bán lại con tàu mình đang làm cho một chủ khác. Cầm tiền thu hồi từ dự án dở dang, ông Bình đã đi mua lại một chiếc tàu cũ khác và hạ thủy đi biển thu mua cá ngay thời điểm này.

Cũng như ông Bình, ngư dân Võ Văn Tú và Võ Văn Lành cùng ở phường 6, TP Tuy Hòa, là hai chủ tàu được UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt đủ điều kiện vay vốn đóng mới tàu dịch vụ hậu cần nghề cá với tổng nguồn vốn vay 12 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi qua ngân hàng thì thời gian chờ thẩm định quá lâu, thủ tục quá nhiều khiến họ ngán ngại. Cả hai đã xin rút hồ sơ không tham gia mà tự tìm nguồn vốn vay ngoài để đóng tàu.

Nhìn nhận vấn đề này, tại Hội nghị tổng kết một năm thực hiện Nghị định 67 của tỉnh Phú Yên, ông Lê Văn Trúc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên nói: So với số lượng tàu đã được Trung ương phân bổ theo Nghị định 67, tiến độ thực hiện dự án của Phú Yên đến thời điểm này có thể xem là chậm. Điều này xuất phát từ nhiều khó khăn, vướng mắc như việc ngư dân thiếu vốn đối ứng và vốn lưu động, một số chủ tàu còn nợ ngân hàng nên cũng không thể vay được vốn mới.

Bên cạnh đó, trách nhiệm của các sở, ngành đối với ngư dân chưa cao, sự phối hợp giữa các cơ quan chưa chặt chẽ. Để tiếp tục thực hiện Nghị định 67 trong thời gian tới, ông Trúc nhấn mạnh: "Các sở, ngành chức năng phải nâng cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa trong thực hiện Nghị định 67. Sắp tới, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các tổ nhóm đã thành công từ dự án này để tiếp tục vận động ngư dân tham gia. Ngoài ngân sách đào tạo nghề cho ngư dân của Trung ương, tỉnh sẽ đầu tư thêm kinh phí, có chính sách đào tạo nghề cho đông đảo ngư dân. Việc thẩm định hồ sơ cho ngư dân cần minh mạch, rõ ràng, đồng ý hay không đồng ý chứ không nói vòng vo".

Ông Phan Thuẫn chia sẻ, vẫn biết nghề đi biển có lắm rủi ro và sự thất bại của chương trình cho vay đánh bắt xa bờ năm 1997, đã khiến các ngân hàng hết sức dè chừng trước khi quyết định ký kết hợp đồng tín dụng, giải ngân. Thế nhưng, thay vì nêu các khó khăn để gây chán nản cho ngư dân, thì ngân hàng và các ngành chức năng cần trả lời rõ ràng cho họ biết, có được vay hay không, hoặc hướng dẫn cụ thể đối với những hồ sơ chưa hoàn chỉnh. Nếu không, số tàu được đóng mới có lẽ vẫn sẽ chỉ đếm được trên đầu ngón tay, còn ngư dân muốn bám biển thì lại phải tự mình tìm hướng đi mới sau khi mỏi mòn chờ đợi.

Phương Oanh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/phu-yen-nghi-dinh-67-van-chua-thuc-su-khoi-thong/