Phúc “bồ” ngây ngây dại dại trong vòng tay người thân

- Giữa những năm 1990, cùng với Khánh “trắng”, Phúc “bồ” đã trở thành nỗi kinh hoàng cho không biết bao nhiêu người dân Hà Nội. Nhưng ít ai biết rằng, người phụ nữ “lừng lẫy” một thời trong giới giang hồ Hà Nội ấy giờ đây đang phải sống những năm tháng cuối đời trong bệnh tật dày vò, gia đình tan nát. Điều duy nhất mà số phận còn dành cho người đàn bà đó là những người anh, người chị trong gia đình, vì tình máu mủ ruột vẫn tha thứ và yêu thương bà cho đến phút cuối.

Gặp Phúc “bồ” trong một viện điều dưỡng ở Từ Liêm, tôi hoàn toàn bất ngờ khi trước mặt tôi là một người phụ nữ ngồi trên xe lăn, gương mặt ngây dại, ngơ ngác. Tôi đã phải đợi hơn nửa tiếng mới được gặp người phụ nữ này, vì các điều dưỡng viên ở đó bảo bà đang được đưa đi tắm rửa, vệ sinh và đóng bỉm. Gặp chúng tôi, bà cười ngô nghê và ra hiệu nhờ chúng tôi đưa ra bể cá bên ngoài. Đó là chỗ bà thích ra nhất mỗi buổi chiều. Người phụ nữ một thời tung hoành giang hồ gây bao oan nghiệt, giờ hiền lành đến không ngờ và biết hạnh phúc chỉ với việc ngắm những con cá đủ màu sắc đang bơi qua bơi lại. Anh trai Phúc “bồ”, ông Nguyễn Năng Quang hiện đang sống trong ngôi nhà nhỏ tại ngõ 57 Hàng Bồ. Nhắc đến cô em gái Phúc “bồ” của mình, ông trầm ngâm kể: “Nó bị tai biến mạch máu não gần 4 năm nay. Giờ người cứ mê mê, tỉnh tỉnh, đến anh chị em trong nhà nó cũng không nhận ra. Bố mẹ tôi tuy chỉ là dân buôn bán ở phố cổ, nhưng gia đình có truyền thống nho giáo, nên từ nhỏ đã dạy bảo chúng tôi rất kĩ về việc anh em trong gia đình phải biết đùm bọc nhau. Con bé đã gây cho cả gia đình tôi không biết bao nhiêu mà kể những sóng gió, phiền phức, nhưng khi nó ốm đau, hoạn nạn, là phận làm anh, làm chị, chúng tôi vẫn cố gắng hết mức có thể để chăm sóc, lo lắng cho nó”. Theo như lời các anh chị của Phúc “bồ” thì trong khi 3 anh chị đều rất ngoan ngoãn, hiền lành thì ngay từ nhỏ, Phúc “bồ” đã thể hiện cá tính ngang tàng, bướng bỉnh khác người, khiến bố mẹ nhiều phen đau đầu. Cái gì mà Phúc đã thích, thì bất kể đó là ai, cô cũng sẽ giành lấy cho bằng đường, chứ quyết không chịu nhường nhịn, dành phần thua thiệt về mình. Chính vì cá tính không sợ trời, không sợ đất nên dù bé nhất nhà, nhưng Phúc “bồ” bao giờ cũng bị bố mẹ mắng nhiều nhất. Ông Quang kể: “Năm 1970 -1971 tôi đi bộ đội về thì đã thấy Phúc có những biểu hiện mang hơi hướng anh chị. Khi đó nó mới ở tuổi thiếu nữ, nhưng không hiểu sao rất có uy với đàn ông, kể cả những tay “có số có má” trong giới anh chị Hà Thành. Tôi nghĩ dường như nó có khả năng uy hiếp người ta bằng giọng nói và cá tính mạnh mẽ của mình, chứ nó là phận liễu yếu đào tơ, làm sao dùng vũ lực để khuynh đảo giang hồ được”. Đến giữa những năm 1990 thì Phúc “bồ” thực sự trở thành đàn chị có máu mặt ở Hà Thành, nắm uy quyền về kinh doanh bốc vác ở nhiều chợ Hà Nội. Nhiều tiểu thương chỉ nghe đến cái tên Phúc “bồ” là đã “vã mồ hôi”. Thế nhưng có một điều mà tất cả mọi người trong gia đình Phúc “bồ” cũng như công an phường Hàng Bồ đều phải công nhận là dù có đi gây sự khắp bốn phương tám hướng, nhưng với bà con lối xóm quanh nhà thì Phúc vẫn rất nhã nhặn và niềm nở. Đàn em của Phúc đều được chỉ thị là tuyệt đối không bao giờ được động chạm đến bất cứ ai trong khu phố nơi Phúc ở. Có lẽ vì thế, nên sau này, khi Phúc “bồ” ra tù, gặp nhiều tai ương, hoạn nạn, người dân ở phố Hàng Bồ vẫn dành cho bà nhiều thương cảm, xa xót. Ông Nguyễn Năng Quang kể: “Ra ngoài có thể hét ra lửa, nhưng về nhà nó vẫn biết tôn ti trật tự, tôi và các chị nó có mắng mỏ nó cũng chỉ cúi đầu im lặng chứ không dám cự lại. Có lần, người ta đến mách những việc nó làm, tôi đánh nó trước mặt nhiều đàn em, nó cũng không dám cãi lại một câu”. Vào cái thời oanh liệt nhất, thiên hạ rỉ tai nhau rằng Phúc “bồ” kiếm được rất nhiều tiền, nhưng nói chuyện với tôi trong ngôi nhà nhỏ của mình, ông Nguyễn Năng Quang khẳng khái chia sẻ: “Đứng trước bàn thờ bố mẹ, tôi không dám nói dối. Những năm đó, nó không mang về nhà được một đồng nào, chỉ có lấy của nhà đem đi. Tiền nó kiếm được có lẽ nhiều, nhưng tiền nó nuôi đàn em, nuôi bạn bè cũng nhiều không kém. Lúc nào thiếu tiền, nó lại về nài nỉ, nịnh nọt mẹ tôi để xin tiền.Cả đời buôn bán, cũng có ít của ăn của để, nhưng mẹ tôi có bao nhiêu tiền, cái Phúc nó lấy hết. Có lần nó “dọa” bà: “Mẹ mà không cho con tiền, người ta bắt con vào tù đấy”. Mẹ tôi nằm trên giường bệnh, những chuyện nó gây ra chúng tôi đều giấu không cho bà biết, nhưng bà vẫn đoán được một phần. Nên nó cứ nói thế là bà sợ, dù không có tiền thì bà cũng bắt bằng được chúng tôi phải góp lại đưa cho nó”. Sau khi Phúc “bồ” bị bắt và cải tạo tại trại giam số 5, Bộ Công an (Yên Định, Thanh Hóa), đàn em tứ tán, phiêu dạt khắp nơi, chẳng ai ngó ngàng gì đến “bà chị” đang mòn mỏi trong tù. Chồng bà cũng đâm đơn li dị và hoàn toàn không đoái hoài đến việc thăm nuôi vợ. Lại chỉ có mấy anh chị ruột của bà xúm vào lo việc thăm nuôi, chu cấp cho bà hàng tháng. Vốn quen sung sướng từ bé, nên ở trong trại giam, Phúc “bồ” thường xuyên viết thư về nhà nhờ gia đình gửi cho hết cái này đến cái kia. Nhờ sự quan tâm của gia đình, nên cuộc sống của Phúc “bồ” ở trong tù cũng không đến nỗi “khó thở”, nếu không muốn nói là khá đầy đủ, sung túc: “Nó quen được gia đình lo lắng và chiều chuộng rồi, nên khi đó chắc chẳng mấy trân trọng tình cảm gia đình. Nhưng chúng tôi không để bụng. Ngày nó ra tù, cũng lại là chúng tôi góp tiền vào mở cho nó một cửa hàng mỹ phẩm để nó có cái mà nuôi thân. Nhưng nó cũng không làm được, vì có bao nhiêu, con cái đến bòn rút hết. Từ lúc nó bị tai biến mạch máu não cách đây 4 năm và trở nên ngơ ngơ ngác ngác như thế này, cũng chỉ có anh em trong nhà cưu mang nó” – ông Quang kể. Tất cả người dân trong ngõ 57 Hàng Bồ, nơi Phúc “bồ’ được anh chị em ruột cưu mang khi hoạn nạn đều nói rằng những năm tháng về già, tuy gặp nhiều tai ương, nhưng Phúc “bồ” luôn có một điều may mắn là luôn được những người anh, người chị ruột thịt cưu mang. Từ khi nằm liệt giường, sống trong trạng thái mê mê tỉnh tỉnh, Phúc được người anh Nguyễn Năng Quang đưa về ngõ 57 Hàng Bồ rồi thuê người chăm sóc. Mọi chi phí đều do ông Quang và hai người chị gái (một sống bên phố Hàng Bạc, một người định cư bên Canada) gom góp vào. Chồng chết rồi đến một trong hai đứa con trai cũng chết vì ma túy, nếu không nhờ sự chăm sóc của gia đình, thì cuộc đời của người phụ nữ một thời “oanh liệt” hẳn sẽ còn nhiều bi kịch hơn thế này. Kể về cô em gái bướng bỉnh, ngang tàng của mình, ông Quang buồn bã nói: “Đưa nó về nhà chăm sóc được mấy năm, nhưng vì nó ốm yếu, bệnh tật, mọi việc đại, tiểu tiện đều diễn ra trên giường, nên người giúp việc cứ đến làm một thời gian lại đòi tăng giá. Họ cứ đòi tăng mãi, tăng mãi, đến lúc mình không chấp nhận, không tăng nữa thì họ bỏ, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Tôi lại đang đau ốm, bệnh tật, vừa phải đi cắt lá gan về, cực chẳng đã, chúng tôi phải đưa cô Phúc vào một viện điều dưỡng tư nhân chuyên chăm sóc người già bệnh tật, chi phí mỗi tháng 5 triệu đồng, dù đắt đỏ, nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận vì mong em gái mình có một cuộc sống thoải mái nhất có thể”. Các bác sĩ ở bệnh viện điều dưỡng nơi Phúc ở kể rằng, tuy viện ở một nơi xa xôi, nhưng hàng tuần đều có người nhà đến thăm nom Phúc “bồ”, lo lắng cho bà từ viên thuốc đến quả cam. Dù ý thức đã mất gần như hoàn toàn, nhưng mỗi lần nhìn thấy anh hay chị đến, ánh mắt của Phúc “bồ” cũng sáng lên, lấp lánh tình cảm vầ đầy sự biết ơn. Ông Nguyễn Năng Quang bùi ngùi: “Cứ nhìn thấy chúng tôi là nó lại vui tươi như trẻ con, cứ cố nói điều gì đó mà không nói được. Nhiều lần mấy anh chị em rủ nhau đến thăm, nhìn nó ngồi trên xe lăn ngơ ngơ ngác ngác như thế, chúng tôi không tránh khỏi cảm giác tê tái, cứ nói với nhau, nhìn thế này ai mà biết được đây là Phúc “bồ” một thời tiếng tăm lẫy lừng”. Các bác sĩ ở viện cũng không hay biết gì về danh tính của Phúc “bồ”, họ chỉ biết bà đơn thuần là một người phụ nữ bệnh tật vô hại và hết lòng chăm sóc. Thỉnh thoảng họ cũng thắc mắc với ông Quang khi thấy có những người xăm trổ đầy mình đến thăm cô Phúc, tự xưng là “người nhà”. Ông Quang ngậm ngùi: “Tôi thì nghĩ rằng quá khứ đã qua rồi. Em gái tôi đã mắc sai lầm và đã phải trả giá bằng những năm tháng tù đày, bằng sự tật nguyền, ốm yếu trong những năm tháng cuối đời, bằng cả cái chết của chồng và con trai nó. Nó đã phải đền tội đủ rồi, và hoàn cảnh của nó bây giờ thì vô cùng đáng thương. Gia đình chúng tôi không ai muốn đào bới quá khứ lên nữa. Cái gì đã là ký ức thì hãy để cho nó ngủ yên”.

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/xahoi/201003/Phuc-bo-ngay-ngay-dai-dai-trong-vong-tay-nguoi-than-896533/