Phục chế sách xưa, làm đẹp những ấn phẩm quý

Những cuốn sách có tuổi đời hàng chục, thậm chí trăm năm gắn bó với mỗi cá nhân, gia đình. Công việc của các 'bác sĩ sách' là phục chế sách xưa và làm đẹp những ấn phẩm quý.

Theo thời gian, tác động của thời tiết và những nguyên nhân khác, những cuốn sách có thể cũ đi, hư hỏng một phần, cần được phục chế, lưu giữ. Phương pháp, dụng cụ cùng câu chuyện phục chế sách đã được chia sẻ tại tọa đàm “Kỹ thuật phục chế sách xưa” diễn ra tại đường sách TP.HCM hôm 24/4. Đây là một hoạt động trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

 Những cuốn sách xưa được phục chế. Ảnh: Đường sách TP.HCM

Những cuốn sách xưa được phục chế. Ảnh: Đường sách TP.HCM

Phương pháp phục chế sách

Diễn giả chương trình, ông Bùi Tiến Phúc, được bạn đọc gọi bằng tên “bác sĩ sách”. Thuộc thế hệ 8X, Bùi Tiến Phúc là cựu sinh viên bộ môn Hán Nôm, khoa Văn học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM). Sau khi tốt nghiệp, ông được thư viện Huệ Quang - nơi lưu giữ những giá trị văn hóa - mời làm việc, sưu tầm tài liệu Phật giáo bằng chữ Hán Nôm.

Nhận thức sự cần thiết của tu bổ sách, Bùi Tiến Phúc xin học bổng ngành Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tại Đài Loan, Trung Quốc. Sau 6 năm nghiên cứu, học tập, làm trợ giảng, Tiến Phúc trở về lập Hán Nôm đường, trong đó có việc “hồi sinh” thư tịch.

"Bác sĩ sách" Bùi Tiến Phúc (phải) chia sẻ tại tọa đàm hôm 24/4. Ảnh: Đường sách TP.HCM.

Những câu chuyện thực tế trong quá trình phục chế thư tịch được “bác sĩ sách” chia sẻ. Việc phục chế sách có tuân thủ theo những nguyên tắc khoa học, hợp lý sẽ mang đến hiệu quả lâu dài.

Để “hồi sinh” thư tịch có tuổi đời hàng trăm năm, người phục chế phải có hiểu biết sâu sắc về tài liệu đó.

Bước đầu, người làm công tác phục chế phải “giải phẫu” sách, tỉ mỉ quan sát nhận diện được loại giấy, kỹ thuật in và lối đóng. Am hiểu về nội dung sách cũng là một yếu tố giúp phục chế tốt hơn.

Bước thứ hai là loạt kỹ thuật phục chế công phu. Người làm công tác phục chế cần ghi chép chi tiết hiện trạng của sách, đánh số trang và tiến hành vệ sinh tùy theo tình trạng của sách, sau đó phục chế với những chất liệu chuyên biệt.

Quá trình phục chế sách còn có nhiều công đoạn công phu, tỉ mỉ như: Kiểm tra độ pH và thử axit cho giấy; nấu hồ, tu bổ cục bộ (vá rách, đôi khi là bổ khuyết), bồi nền…

Với mỗi sách lại có các bước phục chế khác nhau. Đơn cử, với thư tịch Hán Nôm cần gấp trang, xếp trang, cố định ruột sách, xén sách, chuẩn bị bìa sách và đục lỗ, may sách.

Sách bằng chữ Quốc ngữ, sách xưa bằng các ngoại ngữ thì sau khi gấp trang phải ép các tay sách, đục lỗ, may sách, phục hồi bìa, vào bìa, đóng bìa mới…

“Bác sĩ sách” Bùi Tiến Phúc cũng chia sẻ câu chuyện trong quá trình học hỏi phục chế sách. Làm nên kỹ thuật, nền tảng cho mình, anh đã trải qua quá trình dài miệt mài học hỏi, rèn giũa thực tế.

Điểm hẹn cho người yêu sách xưa, sách đẹp

Không chỉ chia sẻ trải nghiệm và câu chuyện của mình, “bác sĩ sách” Bùi Tiến Phúc cũng nói về những dụng cụ thiết yếu để phục chế sách. Người tham dự chương trình cũng được thưởng lãm những ấn phẩm sách xưa, sách quý.

Nhằm tạo điểm đến cho những người yêu trang sách xưa, một không gian phục chế sách được hình thành tại đường sách TP.HCM. Không gian sửa chữa, phục chế và đóng sách nghệ thuật do anh Cao Văn Hân sáng lập.

Dụng cụ phục chế sách được trưng bày. Ảnh: Hữu Long, đường sách TP.HCM

Hoạt động trong lĩnh vực sưu tập sách, anh Cao Văn Hân gặp gỡ nhiều nhà sưu tầm, người yêu sách và biết sự tỉ mỉ, công phu quanh việc gìn giữ, bảo tồn những cuốn sách chứa đựng giá trị văn hóa xưa.

Quan sát những người yêu sách, anh Hân nhận thấy với họ, một cuốn sách không chỉ là một ấn phẩm đơn thuần chứa nội dung, đôi khi còn là kỷ niệm, kỷ vật gia truyền. Người sở hữu mong muốn giữ gìn tủ sách gia đình, những ấn phẩm gắn bó với mình được tốt nhất.

Bên cạnh đó, người sưu tầm, bạn đọc cũng có nhu cầu làm đẹp cuốn sách mà họ yêu thích bằng cách làm bìa với chất liệu độc đáo, trang trọng như da, vải, giấy chuyên biệt…

“Xuất phát từ tình yêu và sự trân trọng đối với các di sản tri thức lâu đời, chúng tôi đã dành thời gian học hỏi nghiêm túc để thành thạo các kỹ thuật nhằm góp phần phục hồi, kéo dài tuổi thọ cho sách”, anh Cao Văn Hân nói.

Ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc công ty Đường sách TP.HCM - cho biết không gian chuyên thực hiện công tác sửa chữa, phục chế và đóng sách nghệ thuật tại đường sách TP.HCM có tên Con mèo nhỏ.

Không gian này cũng trưng bày những cuốn sách cổ trăm tuổi, sách được đóng bìa công phu, dụng cụ phục chế sách xưa, sách cũ. “Từ nay, đường sách TP.HCM có một điểm hẹn thực thụ để bạn đọc có thể an tâm, gửi gắm những cuốn sách cần được chăm sóc”, ông Lê Hoàng nói.

Đỗ Thu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phuc-che-sach-xua-lam-dep-nhung-an-pham-quy-post1311977.html