Phục dựng không gian điện Kính Thiên: Có cần phá bỏ tòa nhà Pháp cũ?

Khôi phục không gian điện Kính Thiên là mục tiêu ưu tiên, song việc phá bỏ tòa nhà Pháp cũ cần phải cân nhắc.

Giới khoa học nêu ý kiến đề xuất hạ giải tòa nhà Cục Tác chiến để phục dựng không gian điện Kính Thiên.

Giới khoa học nêu ý kiến đề xuất hạ giải tòa nhà Cục Tác chiến để phục dựng không gian điện Kính Thiên.

Một số nhà khoa học cho rằng, cần đề xuất UNESCO cho phép hạ giải tòa nhà Cục Tác chiến do người Pháp xây dựng (hiện nằm trong hồ sơ di sản UNESCO của khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long) để mở rộng phạm vi khai quật. Từ đó mới có cái nhìn toàn diện để tiến tới phục dựng không gian điện Kính Thiên.

Nhiều phát hiện đặc biệt

Tại Hội thảo khoa học “Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thăm dò Khu vực chính điện Kính Thiên năm 2022” do Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học tổ chức ngày 22/11, cho biết: Sau một năm khai quật thăm dò tại khu vực phía Đông - Bắc di tích nền điện Kính Thiên thuộc khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, các nhà khảo cổ học đã phát hiện nhiều dấu tích kiến trúc mới thuộc các thời kỳ Lý - Trần - Lê - Nguyễn.

Đặc biệt, các hố thám sát ở tòa nhà Pháp cũ (tòa nhà Cục Tác chiến), lần đầu tiên xuất lộ Ngự Đạo thời Lê sơ được lát bằng gạch vuông đỏ cỡ lớn, bên cạnh là một lối đi phụ ở phía Đông bằng gạch lát nghiêng. Lối đi này cũng trùng khớp vào cửa phụ phía Đông của cửa Đoan Môn.

Hố thám sát ở giữa lòng nhà xuất lộ hàng gạch bó 2 lớp chạy theo chiều Đông - Tây có khả năng là hàng gạch bó nền ngăn sân Đại Triều làm 2 cấp khác nhau.

Sau khi khai quật lớp mặt, ở độ sâu trung bình 1,1m, đã xuất lộ hệ thống kiến trúc thời Lê trung hưng với 4 loại hình dấu tích, gồm: Dấu tích sân Đan Trì, dấu tích Ngự đạo, dấu tích bó nền trên sân Đan Trì cùng một kiến trúc chưa xác định có chân tảng đá nhỏ.

Theo sử cũ, vào thời Lê sơ và Lê trung hưng có sân Đan Trì (hay sân chầu, sân Đại Triều, sân điện Kính Thiên) là nơi diễn ra các nghi lễ quốc gia quan trọng nhất của đất nước. Các cuộc khai quật thăm dò tại đây đều tìm thấy dấu vết sân Đan Trì.

Cuộc khai quật cho thấy, dưới lòng đất khu vực trung tâm cấm thành còn rất nhiều bí ẩn cần giải mã, như cấu trúc chi tiết và tổng thể của Đan Trì như thế nào? Cấp nền Đan Trì cao thấp và quy mô phân cấp đến đâu? Các làn đường nhỏ trên sân Đan Trì đã phát hiện, dấu tích có còn ở hướng Bắc và hướng Nam không?

PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết: “Hầu hết, quy mô và cấu trúc của kiến trúc Lý đều chưa được làm rõ. Mặt bằng và các di tích thời Trần càng rắc rối và khó hiểu nếu không nói là khó hiểu nhất ở khu vực này cũng như trong tổng thể di sản, bởi nhiều lý do khách quan. Tuy nhiên, câu chuyện về các di tích khảo cổ học xưa nay luôn là như vậy, cần nghiên cứu từng bước”.

Hố thám sát trong nền nhà Cục Tác chiến.

Cân nhắc và lấy ý kiến nhiều chiều

Tiếp tục phát hiện nhiều hiện vật tại các hố khai quật.

“Trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản, nhiều khi chúng ta phải lựa chọn, không thể bảo tồn tất cả. Việc hạ giải hay không bảo tồn tòa nhà Cục Tác chiến là câu chuyện cân bằng giữa bảo tồn và phát triển. Vì vậy, cần phải có đánh giá thật kỹ, và cần công bố rộng rãi để có ý kiến nhiều chiều”, TS Lê Thị Minh Lý - nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa.

Nếu tính từ cuộc khai quật đầu tiên, khu Di sản Hoàng thành Thăng Long đã qua 20 năm. Trong thời gian này, nhiều cuộc khảo cổ đã giúp hình dung ra hình hài của Chính điện và không gian điện Kính Thiên.

Tuy nhiên, việc hoàn trả không gian điện Kính Thiên bị hạn chế bởi tòa nhà Cục Tác chiến. Bởi vậy, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội cùng các nhà khoa học cần tìm một giải pháp phù hợp.

Một số nhà khoa học đưa ra ý kiến cần đề xuất UNESCO cho hạ giải tòa nhà Cục Tác chiến do người Pháp xây dựng để mở rộng phạm vi khai quật. Tuy nhiên, công trình này lại có trong hồ sơ di sản UNESCO của khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long nên muốn hạ giải phải được UNESCO chấp thuận.

Lý giải về đề xuất cần hạ giải tòa nhà Cục Tác chiến, các nhà khoa học cho rằng từ cổng Đoan Môn nhìn vào, tòa nhà đang che khuất tầm nhìn chính vào điện Kính Thiên. Bởi vậy, việc hạ giải là cần thiết để bảo đảm liền mạch trục trung tâm từ Đoan Môn tới điện Kính Thiên.

PGS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết, tòa nhà Cục Tác chiến không phải là di tích lịch sử và không có giá trị sử dụng theo đánh giá phân loại của Hội đồng khoa học thành phố. Sau khi Bộ Quốc phòng bàn giao tòa nhà này cho TP Hà Nội, thì để trống không sử dụng cho đến năm 2010 mới được sửa chữa đón khách tham quan.

Một số nhà khoa học cũng nêu quan điểm đồng tình hạ giải tòa nhà Cục Tác chiến bởi những lý do: Phục dựng không gian điện Kính Thiên là ưu tiên số 1, tòa nhà đang xuống cấp nghiêm trọng, khả năng bảo tồn lâu dài không khả thi...

Tuy nhiên, cũng có nhiều băn khoăn nếu buộc phải phá bỏ - vì dù tòa nhà không biểu trưng cho quyền lực Đông Dương thuộc Pháp (biên bản làm việc giữa Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội và trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội), nhưng vẫn là một di sản kiến trúc đô thị, rất cần thiết để bảo tồn giá trị.

TS Phạm Lê Huy - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, việc hạ giải tòa nhà cần phải cân nhắc rất kỹ vì đây cũng là di tích của một thời kỳ lịch sử đất nước và cũng nằm trong khu vực cần được bảo tồn.

Trần Hòa

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phuc-dung-khong-gian-dien-kinh-thien-co-can-pha-bo-toa-nha-phap-cu-post616555.html