Phục hồi môi trường ngay khi đang khai thác khoáng sản

Đó là yêu cầu được đặt ra tại dự thảo sửa đổi Quyết định 71/2008 của Thủ tướng về việc ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản.

Theo quy định hiện nay, việc cải tạo, phục hồi môi trường được thực hiện sau khi hoạt động khai thác khoáng sản kết thúc. Các tổ chức, cá nhân cũng được yêu cầu ký quỹ đảm bảo thực hiện việc cải tạo, phục hồi môi trường. Thống kê của Bộ TN&MT cho thấy từ năm 2008 (thời điểm có yêu cầu về ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường) đến nay Bộ TN&MT và các tỉnh, thành đã duyệt 1.420 dự án cải tạo, phục hồi môi trường với tổng số tiền ký quỹ trên 1.360 tỉ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều tổ chức, cá nhân vẫn chưa quan tâm thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường.

Dự thảo sửa đổi Quyết định 71 yêu cầu khi xin cấp phép khai thác khoáng sản, các tổ chức, cá nhân phải có phương án cải tạo, phục hồi môi trường được duyệt. Đề án cải tạo, phục hồi phải nêu cam kết về các chỉ tiêu chất lượng môi trường, hệ sinh thái sau khi cải tạo, phục hồi; đồng thời phải có ý kiến tham vấn cộng đồng về phương án cải tạo, phục hồi này.

Hiện việc cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khoáng sản chưa được chú trọng. Ảnh: MP

Cũng theo dự thảo, tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư khai thác khoáng sản mới phải lập, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định đề án cải tạo, phục hồi môi trường cùng với thời điểm lập, trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường). Trường hợp đã được duyệt dự án thì trước khi bắt đầu khai thác khoáng sản, tổ chức, cá nhân phải lập, trình đề án cải tạo, phục hồi môi trường.

Ngoài ra, các đối tượng được phép khai thác khoáng sản phải ký quỹ với số tiền bằng tổng kinh phí thực hiện cải tạo, phục hồi nhằm đảm bảo nguồn tài chính cho việc cải tạo, phục hồi môi trường.

M.PHONG

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/20120617104157377p0c1085/phuc-hoi-moi-truong-ngay-khi-dang-khai-thac-khoang-san.htm