Phục hồi vườn hồ tiêu sinh trưởng kém

Tại Tây Nguyên, giá hồ tiêu xuống thấp khiến nhiều nhà vườn không còn thiết tha với cây tiêu.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, tại một số nơi, nhiều bà con vẫn một lòng gắn bó với hồ tiêu, thậm chí ra sức phục hồi những vườn sinh trưởng, phát triển kém. Bởi với bà con, không cây gì phù hợp hơn...

Và đây cũng là lí do, khiến anh Rơ Lan Hnhơn, ở Xã Chưpơng, huyện Chư Sê, Tỉnh Gia Lai kiên trì áp dụng các kỹ thuật canh tác tốt để từng bước phục hồi vườn hồ tiêu kém phát triển của gia đình. Anh HNhơn cho biết, bản thân mình là người đồng bào thiểu số nên kỹ thuật canh tác hồ tiêu cũng chưa nắm vững, trồng hồ tiêu chủ yếu học hỏi từ những người xung quanh, cộng với đất đai kém dinh dưỡng, đất rất chua (pH < 4,0) đã khiến vườn hồ tiêu của gia đình anh sinh trưởng kém, năng suất thấp, trung bình chỉ được từ 1,5 - 2 kg khô/trụ.

Tuy nhiên, sau khi biết và nhờ sự giúp đỡ về chuyên môn và kỹ thuật từ cán bộ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây hồ tiêu và Công ty CP Phân bón Bình Điền thì năng suất vườn tiêu của gia đình anh tăng dần, cây khỏe và phát triển tốt.

Với mô hình vườn hồ tiêu kém phát triển tại xã Chưpơng của hộ anh HNhơn, các biện pháp áp dụng là:

- Cải tạo đất, giảm độ chua: Vườn hồ tiêu được cải tạo bằng cách bón 20 kg/trụ phân chuồng ủ hoai mục với Trichoderma spp + 1 kg vôi bột/trụ. Bón khi mưa đã đủ ẩm, bón vãi trên mặt. Phun chế phẩm hữu cơ cao phân tử (thành phần là axit humic và fulvic) 3 lần/năm. Phun trong mùa mưa, phun đều xuống mặt đất, liều lượng theo khuyến cáo. Trồng lạc dại để che phủ đất, trồng bổ sung cây che bóng (ưu tiên cây ăn quả có giá trị).

- Quản lý dinh dưỡng: Phân bón hóa học được bón theo qui trình của Bộ NN-PTNT. Cụ thể qui trình áp dụng cho mô hình là: Vào đầu và cuối mùa mưa (tháng 5-6), bón phân hữu cơ (phân chuồng), lượng bón 5 kg/trụ, bón 2 đợt. Đầu mùa mưa (tháng 6-8) bón phân Đầu Trâu Tăng trưởng, lượng bón 0,3 kg/trụ, bón 1 đợt. Cuối mùa mưa (tháng 9-10) bón phân Đầu Trâu Hồ tiêu Kinh doanh, lượng bón 0,3 kg/trụ, bón 1 đợt. Chú ý bón vôi với liều lượng 500 kg/ha/năm rải đều trên mặt theo tán cây. Đồng thời cần bổ sung thêm phân bón lá 3 đợt/năm.

- Quản lý dịch hại: Khi thu hoạch xong, rửa vườn 1 lần. Vệ sinh cây bệnh, thu gom, đem ra khỏi vườn đốt. Sử dụng chế phẩm chứa nấm Trichoderma spp, vi khuẩn Pseudomonas spp vi khuẩn Bacilus spp và Streptomyces spp xử lý 3-4 đợt/năm.

- Trồng dặm: Thực hiện đối với cây vàng lá ở cấp độ 4. Những cây đã bị chết được tiến hành đào trồng dặm lại, đảm bảo kích thước hố 60x60x60cm, phơi ải 60 ngày. Xử lý thuốc để diệt nấm và tuyến trùng. Bón lót 20kg phân chuồng ủ hoai mục, kết hợp chế phẩm nấm Trichodema spp, Paecelomyces spp, Pseudomonas spp. Trồng đầu mùa mưa, chọn cây giống tiêu Vĩnh Linh, giống khỏe, sạch bệnh.

- Quản lý nước tưới: Nước được tưới qua hệ thống tưới cải tiến của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên. Sử dụng cây cúc quỳ để tủ gốc trong mùa khô để giảm sự thoát hơi nước, lượng tủ là 15kg cúc quỳ/trụ.

- Quản lý vệ sinh đồng ruộng: Làm sạch cỏ trên vườn tiêu; Rong tỉa cây che bóng trong mùa mưa; Tạo tỉa thông thoáng bộ tán lá cây, cắt tỉa các cành sát gốc trong mùa mưa; Chủ động đào mương thoát nước, không cho nước đọng trong gốc tiêu trong những đợt mưa lớn, dài ngày; Vun gốc trong mùa mưa và tủ gốc trong mùa khô.

Sau 15 tháng trình diễn áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật hàm lượng hữu cơ trong đất được duy trì ở mức giàu, riêng mô hình 1 hàm lượng hữu cơ tổng số tăng 1,06 % so với trước thí nghiệm. pH đất cũng có sự cải thiện đáng kể, tăng từ 3,82 - 4,23 gần tiệm cận với ngưỡng thích hợp với cây hồ tiêu. Tỷ lệ cây bị vàng lá trước khi áp dụng các giải pháp kỹ thuật 38,7% và sau khi áp dụng sau 9 tháng tỷ lệ cây bị nhiễm vàng lá giảm xuống còn 21,3%; sau 15 tháng giảm xuống còn 18%. Năng suất tăng cao hơn là 0,5 tấn; lợi nhuận đạt 21.910.000 đồng.

HỒNG HUỆ

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/phuc-hoi-vuon-ho-tieu-sinh-truong-kem-post251813.html