Phức tạp 'khu đèn đỏ' của Amsterdam

Khu đèn đỏ De Wallen của Amsterdam (Hà Lan) từ lâu đã là một trong những khu phố 'gọi mời' nhất của thành phố vì đông đảo các nhà thổ khét tiếng. Tuy nhiên, hiện nay, chính quyền thành phố Amsterdam cũng như người dân đang trăn trở về hướng phát triển của khu phố di sản này.

Quá tải khách du lịch

Những năm gần đây, lượng khách du lịch đến khu vực di sản này ở Thủ đô của Hà Lan tăng mạnh.

Tuy nhiên, theo Femke Halsema - nữ Thị trưởng đầu tiên của Amsterdam, gái mại dâm đã "trở thành không gì hơn là một trò tiêu khiển" do "hành vi gây rối" và "thái độ thiếu tôn trọng" của một số khách du lịch, cùng với sự phát triển của điện thoại có camera và phương tiện truyền thông xã hội.

Amsterdam - thủ đô của Hà Lan, đón khoảng 18 triệu du khách mỗi năm và khu đèn đỏ De Wallen là một trong những điểm đến nổi tiếng. Ảnh: CNN.

Amsterdam - thủ đô của Hà Lan, đón khoảng 18 triệu du khách mỗi năm và khu đèn đỏ De Wallen là một trong những điểm đến nổi tiếng. Ảnh: CNN.

Vì vậy, khu vực này đang được “đại tu” nhằm bảo vệ hình ảnh thành phố, nền công nghiệp mại dâm và giảm tác động của du lịch đại trà. Các chuyến tham quan khu đèn đỏ sắp kết thúc và thậm chí, việc di chuyển các nhà thổ đến một khu phố bên ngoài trung tâm thành phố đang được bàn đến.

Thành phố Amsterdam, một trong nhiều điểm đến đang quá tải khách du lịch, cũng đang hợp tác với người dân địa phương để khởi động một chiến dịch nhằm đối phó với hàng triệu du khách đến đây mỗi năm. "We live here" (Chúng tôi sống ở đây) là một phần của chiến dịch "Enjoy and Respect" (Tận hưởng và tôn trọng) của Amsterdam, nhằm chống lại các hành vi ngang ngược như đi tiểu trên đường phố hoặc kênh rạch, xả rác, say xỉn và ồn ào.

Nhưng điều gì khiến người ta thực sự thích sống chung với các cửa hàng bán các sản phẩm về tình dục, những du khách say xỉn? Dưới đây là 6 cư dân sống trong khu đèn đỏ chia sẻ với CNN Travel về cách thức họ đối phó với sự ồn ào quá mức, đám đông khổng lồ và các hành vi ngang ngược.

"Chúng tôi học karate để tự vệ"

Bà Martine Groen, 70 tuổi, sống trong một ngôi nhà ven kênh Oudezijds Achterburgwal từ nhiều năm nay. Bà Groen cho hay, bà sống trong một căn hộ nhỏ ở khu đèn đỏ từ năm 1979. Khi đứa con thứ hai chào đời, bà buộc phải chuyển đến căn nhà rộng rãi hơn.

Hai cư dân lâu năm ở Amsterdam đều cho rằng, những người dân địa phương ở khu đèn đỏ rất đoàn kết.

"Tôi cùng 5 người khác mua một tòa nhà lớn được xây dựng từ năm 1950 bên cạnh kênh Oudezijds Achterburgwal. Ban đầu, nó là một bãi rác nhưng chúng tôi đã cùng nhau dọn sạch. Khi đó, khu phố này rất nguy hiểm, đầy rẫy con nghiện và những kẻ buôn bán ma túy" - bà Groen chia sẻ. Vì vậy, bà Groen cùng cư dân trong khu phố, bao gồm cả trẻ em, đều đi học karate để tự vệ.

Bắt đầu từ khoảng 6 năm trước, cư dân trong khu phố thường phải chịu nhiều phiền toái với những đoàn khách du lịch ồn ào. "Tôi nghĩ họ nên đặt phố đèn đỏ cạnh sân bay Schiphol và chuyển các cô gái tới đó. Bởi đó là lý do duy nhất kéo du khách tới đây" - bà Groen nói.

Tránh ra phố vào ban đêm

Martine Groen nói rằng, bà ghét những du khách say xỉn và thường tránh ra ngoài vào ban đêm vì các con phố chật cứng người. Tuy nhiên, bà chưa từng nghĩ sẽ chuyển đi. "Tại sao tôi không chuyển đi? Bởi vì tôi yêu nơi này. Tôi yêu ngôi nhà của mình và thân thuộc với mọi thứ ở đây" - bà Groen cho hay.

"Hàng xóm, gái mại dâm và kể cả chủ nhà chứa đều là những người thân thiện" - Egmond nói.

Theo bà Groen, mọi người ở đây không thể làm gì khác ngoài sống chung với phiền toái mà khách du lịch đem lại. Bà vui khi biết Amsterdam có kế hoạch cấm khách du lịch đến phố đèn đỏ, dù hiện chưa thấy động tĩnh gì từ chính quyền thành phố.

Cần nhiều cảnh sát giữ gìn trật tự hơn

Sascha Kok, 49 tuổi, chuyển đến sống ở khu đèn đỏ De Wallen sau khi thường xuyên lui tới thăm người em trong nhiều năm. Và gia đình bà từng có hiệu sách Antiquariaat A. Kok & Zn. B.V tại đây.

Sascha Kok. Ảnh: CNN.

"Khi còn nhỏ, tôi không được phép tự đi tới quảng trường Nieuwmarkt cạnh phố đèn đỏ. Nhưng hiện giờ, con trai 6 tuổi của tôi có thể chơi trên đường phố bởi các mối đe dọa liên quan tới ma túy đã ít hơn nhiều. Khu phố giờ tốt hơn trước nhưng lượng khách du lịch đang tăng lên. Họ thường tập trung ở khu vực nhỏ. Song tệ nhất là khi có nhóm khách lớn kéo về vì họ không quan tâm đến cư dân sống ở đây" - bà Kok chia sẻ.

Nếu có nhiều cảnh sát hơn, tình trạng chắc sẽ tốt hơn nhiều. Song Sở Cảnh sát Amsterdam còn đang phải vật lộn với tình trạng thiếu nhân sự. Vì vậy, thay đổi chính sách cấp phép cũng có thể thay đổi bộ mặt khu đèn đỏ.

Du khách được chào đón, nhưng cần cư xử đúng mực hơn

Hiện khu phố đầy rẫy cửa hàng bán bánh quế và hạt cần sa, cũng như các trung tâm mua sắm sặc sỡ ánh đèn dành cho du khách. Bà Kok cho rằng, việc đóng cửa khoảng 330 nhà thổ ở De Wallen không tạo ra sự khác biệt bởi hoạt động này sẽ chuyển sang khu vực khác. Bà Kok không bận tâm khi có gái mại dâm ở nơi mình sống.

Chính quyền Amsterdam đang cùng người dân thực hiện chiến dịch "Chúng tôi sống ở đây" nhằm bảo vệ hình ảnh thành phố này. Ảnh: CNN.

Cho đến gần đây, con trai bà hỏi về chuyện các cô gái mại dâm luôn ăn mặc thiếu vải. Bà phải giải thích với cậu bé rằng đó là cách họ kiếm tiền. "Khi lớn lên và nhìn thấy mọi thứ ở đây, thằng bé sẽ ít tò mò về nhiều điều hơn khi lớn lên. Ví dụ, tôi thường gặp người nghiện khi còn nhỏ và thấy được tác hại của ma túy nên tôi chưa từng bị nó cám dỗ" - bà Kok chia sẻ.

Trong khi đó, hai cư dân lâu năm ở phố đèn đỏ là Willemijn Tybout (41 tuổi) và Justus Dolleman (52 tuổi) đều thấy hài lòng với cuộc sống ở đây.

"Nơi này luôn tấp nập và tôi thích điều đó. Tôi thích âm thanh ồn ào trên các con phố. Tôi chuyển tới phố đèn đỏ năm 1988 khi còn là cậu sinh viên 18 tuổi. Ngày nay, có quá nhiều khách du lịch khiến nơi này trở nên lộn xộn. Nhưng thật may, thị trưởng đã cho treo những biển hiệu quy định về cách hành xử của du khách" - ông Dolleman nói.

"Thông điệp từ những tấm biển hiệu rất rõ ràng. Tôi cho rằng, chiến dịch "Chúng tôi sống ở đây" rất tốt. Du khách được chào đón nhưng họ cần cư xử đúng mực hơn. Tôi biết có kế hoạch đóng cửa tất cả nhà thổ trong khu vực này. Gái mại dâm giờ không kiếm được nhiều tiền bởi khách du lịch chỉ đến đây xem chứ không thực sự muốn chi tiền cho họ" - bà Willemijn nói.

Dolleman chia sẻ từng chuyển tới sống ở khu phố khác trong thành phố Amsterdam, nhưng quay lại phố đèn đỏ sau 2 năm vì cảm thấy cuộc sống ở nơi khác quá tẻ nhạt.

Willemijn cũng từng nghĩ tới việc chuyển nhà vì cảm thấy khá bất tiện khi khách du lịch ở đây quá đông, nhưng tất cả căn nhà tìm được đều đắt và chật hẹp hơn so với căn nhà của bà ở phố đèn đỏ. "Tôi vẫn thấy hài lòng với cuộc sống mà chúng tôi có ở đây", Willemijn nói.

Trong khi đó, Rachel Bonnewell (41 tuổi) - người kinh doanh quán bar cùng chồng ở phố đèn đỏ - nói rằng, các chiến dịch chống lại hành vi cư xử không đúng mực của khách du lịch như "We live here" không mang lại nhiều hiệu quả. "Nó cũng giống như các cảnh báo phạt hơn 100 USD nếu uống rượu trên phố hoặc xả rác bừa bãi. Chúng chỉ khiến hình ảnh khu phố kém đẹp hơn" - Bonnewell nói.

Cần tăng mức xử phạt

Paul van Egmond, 51 tuổi, đã chuyển tới phố đèn đỏ 15 năm trước và chưa từng hối hận về quyết định này. "Tôi từng sống ở thành phố Haarlem (không xa Amsterdam), thấy cuộc sống ở đó quá tẻ nhạt. Khi có cơ hội mua căn hộ cạnh kênh Oudezijds Achterburgwal ở trung tâm phố đèn đỏ, tôi đã không chút do dự. Tôi thậm chí không nghĩ tới vấn đề tu sửa ngôi nhà rất cũ đó" - Egmond cho biết.

Nhiều du khách hành xử không đúng mực, theo cư dân ở khu đèn đỏ De Wallen. Ảnh: CNN.

"Tôi chuyển tới đây 15 năm trước và con gái tôi sinh ra cách đây 7 năm. Con bé biết tất cả gái mại dâm làm việc ở đây và xem họ như bạn. Nếu bạn không xem cuộc sống ở đây là vấn đề, con cái bạn cũng sẽ như vậy" - Egmond nói. "Có những điều ở khu phố này mà tôi không thể giải thích được. Nó rất đẹp, nhất là khi hoàng hôn. Nơi này có nhiều địa điểm bí mật và hấp dẫn dù ban đêm hay ban ngày. Tôi không thấy có gì bất tiện khi sống ở đây" - Egmond cho biết thêm.

Theo Egmond, cuộc sống ở phố đèn đỏ không giống như nhiều người thường nói, ngoại trừ nó luôn đông đúc. Egmond cho biết, ông từng nhiều lần gửi mail cho chính quyền địa phương để đề xuất ý kiến về vấn đề quá đông du khách trong khu phố và hành vi cư xử của họ. Tuy nhiên, ông chưa một lần được hồi đáp.

"Tôi tin rằng nếu chính quyền cung cấp thông tin về quy định hay quy tắc ứng xử cho khách du lịch ngay khi đặt chân tới thành phố, họ sẽ cư xử phù hợp hơn. Tôi cũng nghĩ rằng cần phải tăng mức tiền phạt, thì những quy định sẽ được thực thi hiệu quả hơn" - Egmond nói.

Huyền Anh

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/phuc-tap-khu-den-do-cua-amsterdam-582982/