Phức tạp mỏ vàng Bồng Miêu (Quảng Nam) - Kỳ cuối: Đột nhập mỏ vàng

Để tìm hiểu những hoạt động khai thác vàng trong hàng trăm hang động ở mỏ vàng Bồng Miêu, phóng viên Đại Đoàn Kết đã nhập vai một trong những người đi tìm các điểm quặng để tổ chức khai thác vàng.Và những gì chúng tôi chứng kiến là ngoài sức tưởng tượng.

Lực lượng truy quét đốt lán trại vàng tặc.

Lần vào trong hang động

Khi đến địa phận xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, leo lên một con dốc cao, người dẫn đường bắt đầu đưa chúng tôi vào bên trong hầm lò. Cho dù là ban ngày nhưng đã đặt chân vào trong này thì bóng tối bao phủ. Bước chân đi chỉ dựa vào ánh đèn, chúng tôi đã bị ngã lên, ngã xuống, va vào thanh hầm liên tục.

Chúng tôi đã thấy những vách đá lởm chởm hai bên tuyến đường. Con đường chỗ rộng, chổ hẹp, lên, xuống dốc liên tục. Nhiều mảng đá quặng ước chừng hàng tấn đã đổ xuống những lối đi. Trên tầng nhiều nơi nứt nẻ, ánh đèn quét lên thấy thật kinh hoàng.

Theo người dẫn đường, mỏ vàng Bồng Miêu là nơi có hàng trăm hang động, trong đó có các hang động từ thời người Pháp khai thác và các hang động được khai thác sau này, chằng chịt, đan xen nhau, có những hang động kéo dài hàng km.

Gặp chúng tôi tại một điểm ở Lò 7 trong hang động, phu vàng có tên là Hùng, người dân xã Tam Dân, cho biết: “Tụi tôi ở trong này 1 tuần rồi, đục đẽo cả đêm lẫn ngày mà chưa hiệu quả gì. Các anh chừ đi tìm cho ra chỗ quặng ưng ý là hơi khó đấy. Bây chừ khai thác quặng khó hơn xưa rất nhiều”.

Người dẫn đường còn cho biết, lực lượng đi truy quét, thấy đó mà làm sao đẩy đuổi. “Nguy hiểm là thế đấy, nhưng vì vàng họ bất chấp tất cả. Họ ăn ở trong này, đưa máy móc con người vào đây khai thác đá quặng và tuyển vàng. Tôi sẽ đưa anh đến tận những chỗ như vậy để anh chứng kiến. Lực lượng chức năng nào mà dám vào đây truy quét vì quá nguy hiểm. Hơn nữa họ không thể rành đường hơn những người ăn ở khai thác vàng trong này”- người dẫn đường cho biết.

Sau mấy tiếng đồng hồ luẩn quẩn trong các hang động, chúng tôi đã chứng kiến và ghi lại những hình ảnh về sinh hoạt bên trong của các phu vàng. Đó đây là những giường, chiếu, máy móc và các vật dụng của các phu vàng. Thậm chí có cả hồ đang tuyển quặng vàng. Đến khu vực có những bóng người thoắt ẩn, thoắt hiện và kèm theo tiếng đục đẽo và cả tiếng người thi thoảng gọi nhau. Lúc này, người dẫn đường cho biết là chúng tôi đã đến khu thượng L62. Đây là nơi hiện đang tập trung số vàng tặc khai thác quặng nhiều nhất.

Một phu vàng cho biết: “Quặng hiện nay được bán trong hang động với 1 triệu đồng/tạ, đưa ra ngoài trời thì có giá gấp đôi. Mỗi người, một đêm, một ngày khai thác được khoảng 1 tạ quặng. Khi bị chốt chặn các ngõ đường phía dưới vùng đồng bằng lên núi, họ được tiếp tế lương thực, thực phẩm đến tận hầm vào ban đêm. Không những gạo, mắm muối mà còn có cả bia, rượu. Mỗi thùng bia Laru được chuyển lên tận hầm giá đến 500.000 đồng/thùng”.

Vàng tặc còn “sáng kiến” dùng xe máy tháo hết manh xe, chỉ để lại khung sườn và lốc máy để vận chuyển quặng trong các đường hầm.

Quyết tâm lập lại kỷ cương

Sau khi báo Đại Đoàn Kết có bài “Vì sao sông Quế Phương ô nhiễm" (số ra ngày 16/3), tiếp tục sau đó vài ngày lại xảy ra vụ cá chết trên sông Bồng Miêu khiến người dân địa phương bất bình.

Các cơ quan chức năng đã sớm vào cuộc điều tra, lấy mẫu xét nghiệm và theo ông Bùi Văn Ba, Trưởng Phòng Khoáng sản, Sở Tài Nguyên - Môi trường Quảng Nam: Đoàn kiểm tra liên ngành gồm đại diện Cục Môi trường miền Trung - Tây Nguyên (Bộ Tài nguyên - Môi trường), Phòng PC 49 - Công an tỉnh Quảng Nam kết hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường đã có chuyến thực tế hiện trường vụ vỡ đập tại Công ty 6666. Sau chuyến khảo sát, đoàn kiểm tra liên ngành nhận định nguyên nhân gây nên tình trạng cá chết hàng loạt trên sông Bồng Miêu xảy ra ngày 17/3 (trùng thời điểm vỡ đập xả thải của Công ty 6666) là do nhiều nguồn thải.

Thực tế tại Mỏ vàng Bồng Miêu thời gian qua, do khai thác vàng trái phép ở nhiều nơi, từ trong hầm lò đến các bãi bờ, hầm hố, thậm chí vàng tặc còn dùng hóa chất để tuyển quặng và tất cả sau đó đều đổ về sông Bồng Miêu.

Để lập lại kỷ cương, ngăn chặn việc thất thoát tài nguyên khoáng sản, việc gây ô nhiễm môi trường, UBND tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản số1329/UBND-KTN ngày 20/3/2018 về việc kiểm tra, xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép và khắc phục ô nhiễm môi trường trên địa bàn mỏ vàng Bồng Miêu thuộc xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo huyện Phú Ninh và các đơn vị liên quan phải khẩn trương tổ chức kiểm tra, truy quét, xử lý ngay tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện, đặc biệt khu vực sông Bồng Miêu và khu vực Đồi Sim xã Tam Lãnh; xử lý nghiêm các trường hợp bao che, tiếp tay cho hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản vàng trái phép.

Công an tỉnh, phối hợp, hỗ trợ UBND huyện Phú Ninh tổ chức kiểm tra, truy quét, xử lý tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh; tiến hành thanh kiểm tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Đồn Công an xã Tam Lãnh đã để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý trong thời gian qua, xử lý nghiêm các trường hợp bao che, tiếp tay cho các hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản trái phép. Báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý về UBND tỉnh trước ngày 31/3/2018.

Nhưng điều đáng nói, đây không phải là lần đầu UBND tỉnh chỉ đạo xử lý những vấn đề liên quan đến mỏ vàng nói trên. Liệu lần này kỷ cương có được thực sự thiết lập?

Thành Nhân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tieng-dan/phuc-tap-mo-vang-bong-mieu-quang-nam-ky-cuoi-dot-nhap-mo-vang-tintuc398570