Phúc Thọ tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Phúc Thọ là một huyện thuần nông được quy hoạch là vành đai xanh của Thủ đô với tổng diện tích đất nông nghiệp 6.851ha. Xác định nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn, những năm qua, huyện Phúc Thọ đã tích cực chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng phát triển bền vững, tập trung quy mô lớn, hình thành những mô hình, vùng sản xuất riêng biệt theo điều kiện từng địa phương.

Hình thành các vùng trồng tập trung

Nhiều năm qua, huyện Phúc Thọ đã chuyển đổi cây trồng theo hướng tăng diện tích rau, hoa, cây ăn quả thay thế cho những cây trồng truyền thống kém hiệu quả. Việc đẩy mạnh chuyển đổi này đã góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch kinh tế nông nghiệp và từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.

Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng toàn huyện đã hình thành các vùng trồng tập trung, đem lại giá trị kinh tế cao như vùng trồng bưởi Diễn tại Vân Nam, Vân Hà, Hiệp Thuận; chuối tại Vân Nam; rau an toàn tại Thanh Đa, Xuân Phú, Vân Phúc; hoa, cây cảnh tại Tích Giang, Tam Thuấn… Diện tích cây ăn quả liên tục được mở rộng lên 885ha. Nếu như trước đây, giá trị sản xuất trên địa bàn huyện Phúc Thọ chỉ đạt từ 60 – 80 triệu đồng/ha/năm thì sau chuyển đổi, giá trị các mô hình đã tăng đạt từ 200 – 500 triệu đồng/ha/năm...

Tận dụng lợi thế từ một vùng đất màu mỡ, thích hợp với trồng cây ăn trái, người dân tại xã Vân Hà (Phúc Thọ, Hà Nội) đã chuyển đổi hết các vùng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bưởi Diễn, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử như mô hình trồng bưởi của gia đình ông Hoàng Văn Khánh ở bãi Đồi, Cụm 2, xã Vân Hà. Hiện gia đình nhà ông Khánh trồng khoảng 70 gốc bưởi, có tuổi thọ hơn chục năm, mỗi năm thu nhập sau khi trừ chi phí được khoảng hơn 100 triệu đồng.

Chia sẻ về vườn bưởi Diễn của gia đình mình, ông Khánh nói: "Trước đây, ruộng đất tại xã Vân Hà này chỉ trồng lúa và các loại hoa màu vào vụ Đông - Xuân, còn vụ Hè hầu như đất bỏ hoang, hiệu quả kinh tế không được cao, đời sống của người dân bấp bênh, không ổn định. Từ ngày huyện có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, người dân chúng tôi đã tìm hiểu kỹ thổ nhưỡng cũng như điều kiện tự nhiên nơi này để trồng các loại cây thích hợp. Sau khi lựa chọn, bà con nông dân nhận thấy, vùng đất này phù hợp để trồng bưởi nên đã dần chuyển đổi. Hiện gia đình tôi có hơn ba sào vườn trồng gần 70 gốc bưởi, tính đến thời điểm này, bưởi sinh trưởng và phát triển khá tốt, mỗi cây cho thu hoạch hơn 100 quả. Với giá bán từ 20.000 - 30.000 đồng/ quả, sau khi trừ mọi chi phí gia đình tôi thu lãi 110 - 130 triệu đồng mỗi năm".

Theo bác Khánh, do vùng đất Vân Hà khá phì nhiêu, màu mỡ nên việc chăm sóc cây bưởi cũng không gặp nhiều khó khăn, hầu hết người dân trong xã đều để cây bưởi phát triển tự nhiên. Mỗi năm chỉ cần bón phân cho cây từ 1-2 lần. Các nguyên liệu để chế biến thành phân bón chủ yếu là các loại vỏ đỗ, ngô nghiền được ủ lên men sau đó được bón trực tiếp vào các gốc cây. Hiện tại, bà con trong xã được tiếp cận với kỹ thuật chăm sóc tiên tiến, nhờ quảng bá thương hiệu mà bưởi Phúc Thọ có chỗ đứng trên thị trường, không chỉ tiêu thụ tại Hà Nội mà còn đem bán ở các tỉnh như Bắc Giang, Bắc Ninh, Nam Định, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh...

Mở rộng chuỗi liên kết

Nhận định về mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại huyện Phúc Thọ, ông Phùng Anh Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ cho biết: Để chuyển đổi hiệu quả, huyện đã hướng dẫn các xã lập đề án chuyển đổi và có các cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các xã chuyển đổi có quy mô từ 50ha trở lên nhằm hình thành các vùng sản xuất chuyên canh. Trong đó tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương, gắn với nhu cầu thị trường. Cùng với đó, huyện cũng chú trọng áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn.

"Chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của Huyện phải đảm bảo yêu cầu tạo được vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh quy mô lớn. Đồng thời chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm trên cơ sở đầu tư về giống cây trồng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa, sản xuất sạch. Căn cứ vào điều kiện từng vùng để quy hoạch sản xuất, gắn kết với thị trường tiêu thụ. Đến nay, trên địa bàn huyện Phúc Thọ đã hình thành được vùng chuyên canh lúa; vùng chuyên canh hoa, cây cảnh, vùng chuyên canh rau an toàn và rau hữu cơ cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, để các mô hình đạt hiệu quả cao phải có sự liên kết với các doanh nghiệp nhằm bao tiêu sản phẩm cho nông dân", ông Tuấn nhấn mạnh.

Thực tế hiện nay, phần lớn các mặt hàng nông sản trên địa bàn huyện vẫn do thương lái thu mua nên giá cả không ổn định, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Vì thế, để nâng cao giá trị, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, khắc phục tình trạng được mùa rớt giá, huyện Phúc Thọ đã có chủ trương đẩy mạnh phát triển các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, thu hút doanh nghiệp đầu tư.

Nói về những chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Phúc Thọ, ông Phùng Anh Tuấn cho biết: Thời gian qua, huyện đã có những chính sách khuyến khích, tạo cơ chế mở để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Một số doanh nghiệp đã bắt tay với nông dân và đang hoạt động khá hiệu quả như doanh nghiệp Xuân Cầu sản xuất rau sạch theo công nghệ Israel tại Vân Hà, Công ty Vinacap sản xuất rau an toàn tại Cẩm Đình, Công ty CP Sản xuất và xuất nhập khẩu Việt Phúc sản xuất rau củ quả chất lượng cao trong nhà màng, nhà lưới…

Chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện thực sự là một luồng gió mới làm thay đổi nền nông nghiệp huyện Phúc Thọ. Đây là hướng phát triển bền vững, nâng cao giá trị canh tác cho người dân. Tuy nhiên, để chuyển đổi hiệu quả, các địa phương cần phải xác định được sản phẩm chủ lực. Từ đó tìm hiểu thị trường, nghiên cứu kỹ thuật canh tác. Tuyệt đối không chuyển đổi theo phong trào để dẫn đến tình trạng được mùa mất giá. Bên cạnh đó, tập trung sản xuất theo hướng an toàn, xây dựng nhãn hiệu sản phẩm để nâng cao giá trị sản xuất. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải đảm bảo yêu cầu tạo được vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh quy mô lớn, giữ ổn định hiện trạng mặt bằng và hạ tầng đất trồng lúa. Đặc biệt, các địa phương chỉ thực hiện chuyển đổi khi đề án của xã, thị trấn đã được UBND huyện quyết định phê duyệt.

THANH TÙNG

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/phuc-tho-tap-trung-phat-trien-san-pham-nong-nghiep-chu-luc-d2056787.html