Phước Sơn: Lo sạt lở mùa mưa lũ

Đau thương của đợt mưa lũ kinh hoàng tháng 10/2020, chính quyền lẫn cộng đồng dân cư ở các xã vùng cao Phước Sơn đã có nhiều bài học cho riêng mình trong ứng phó trước thiên tai. Mùa mưa lũ đã bắt đầu, những nỗi lo vẫn luôn thường trực, song người vùng cao đã chủ động hơn nhiều để thích nghi với những diễn biến cực đoan của thời tiết...

Thôn 5a cũ, nay là thôn 3 Phước Lộc đã có nhà tránh trú bão an toàn cho nhân dân phòng ngừa sạt lở. Ảnh: T.C

Tích trữ phòng cô lập

Là địa bàn xa trung tâm huyện, các thôn nằm rải rác, thường xuyên bị chia cắt dài ngày khi có mưa lũ, UBND xã Phước Lộc đã chủ động kiện toàn lực lượng xung kích phòng chống thiên tai trước mỗi mùa mưa lũ.

Toàn xã có 7 đội hình xung kích, trong đó 6 đội hình cấp thôn với khoảng 10 thành viên, nòng cốt là ban cán sự thôn và đoàn viên, thanh niên. Còn lại 1 đội hình xung kích phòng chống thiên tai cấp xã, chịu trách nhiệm điều hành chung.

Từ sau vụ sạt lở quét xuống thôn 6 (cũ) của xã Phước Lộc, Hồ Văn Đoàn dời nhà về thôn 2 và tình nguyện tham gia vào đội xung kích phòng chống thiên tai thôn 2. Sau những mất mát đã xảy đến với mình và người thân, hơn ai hết, anh hiểu ý nghĩa của việc chủ động sơ tán tránh sạt lở khi có nguy cơ.

Tổ xung kích của Hồ Văn Đoàn luôn trong tâm thế sẵn sàng ứng phó, hỗ trợ sơ tán người dân đến nơi an toàn, chủ động tiếp nhận lương thực, thực phẩm xã bố trí, cấp phát cho người dân. Mỗi khi có mưa lớn, Hồ Văn Đoàn cũng các thành viên đặt biển cảnh báo ở khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở để người dân cảnh giác, hạn chế qua lại.

“Sau trận lũ quét, sạt lở kinh hoàng vào đợt mưa lũ cuối năm 2020, người dân giờ đã có ý thức cao trong công tác phòng chống thiên tai. Chỉ cần UBND xã thông tin, không cần đến từng nhà vận động, người dân chủ động thu xếp vật dụng, tài sản cá nhân, di chuyển đến địa điểm tránh trú” - anh Đoàn cho biết.

Ông Hồ Văn Long - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Lộc cho biết, dù đã có lực lượng xung kích ở 6 thôn, nhưng lo nhất là thông tin, liên lạc qua lại. Hiện địa bàn thôn 3 chưa phủ sóng điện thoại, các thôn khác khi có bão thì việc liên lạc cũng gặp nhiều khó khăn.

Xã đã yêu cầu các thôn tìm kiếm các điểm cao, vị trí có sóng điện thoại, khi có mưa bão sẽ cắt cử một thành viên luôn túc trực tại điểm có sóng này để trao đổi thông tin. Trong một số trường hợp nguy cấp, xã sẽ phân công lực lượng tìm kiếm các tuyến đường an toàn để tiếp cận khu vực không thể liên lạc.

“Trước đây, trên địa bàn xã, thôn 5a là khu vực có nguy cơ sạt lở cao, lãnh đạo xã vô cùng lo lắng. Nhưng vừa qua có nhà hảo tâm tài trợ xây dựng nhà tránh sạt lở, đảm bảo người dân tránh trú dài ngày.

Vừa qua xã Phước Lộc đã xây dựng kho chứa lương thực và đã dự trữ 5 tấn gạo cùng hàng trăm thùng mỳ tôm. Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Phước Lộc cũng dự trữ 6 tấn gạo và một số nhu yếu phẩm cần thiết để đảm bảo bữa ăn cho học sinh các cấp ở lại trường trong thời gian mưa bão” - ông Long nói.

Tập trung “4 tại chỗ”

Ông Hồ Văn Phức - Chủ tịch UBND xã Phước Thành cho biết, đến thời điểm này, địa phương đã mua gạo dự trữ cho 4 thôn, đảm bảo đời sống bà con trong các tình huống chia cắt dài ngày. Đồng thời duy trì hoạt động của đội xung kích “4 tại chỗ”, sẵn sàng lực lượng, phương tiện thực hiện theo các chỉ đạo của tỉnh, huyện.

“Điều nhân dân địa phương băn khoăn nhất là tuyến đường từ UBND xã Phước Thành xuống trung tâm huyện Phước Sơn thường xuyên bị sạt lở, chia cắt vào mùa mưa, nhất là cầu Phước Kim đến nay vẫn chưa hoàn thiện.

Phước Thành đã từng bị cô lập rất lâu sau thiên tai 2020, người dân trải qua nhiều khó khăn. Do đó, yêu cầu bức thiết là phải gia cố lại các tuyến, tránh để Phước Thành bị cô lập, chia cắt dài ngày như những mùa mưa lũ trước” - ông Phức đề nghị.

Theo ông Hồ Công Điểm - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, với địa bàn thường xuyên bị chia cắt, lực lượng chức năng khó khăn trong việc tiếp cận các xã, thôn nên phương châm “4 tại chỗ” được địa phương ưu tiên hàng đầu. Đến nay, huyện Phước Sơn đã chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó phù hợp điều kiện thực tiễn ở từng địa phương.

Trong đó, tập trung cấp kinh phí cho 4 xã vùng cao mua gạo, lương thực dữ trữ, sẵn sàng cung cấp cho bà con trong vòng 7 - 10 ngày khi bị chia cắt. Đồng thời, đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình nhà ở theo Nghị quyết 23 của HĐND tỉnh để sớm ổn định đời sống người dân.

“Với phương châm “4 tại chỗ”, bên cạnh công tác chỉ đạo, xây dựng lực lượng, UBND huyện đã yêu cầu các nhà thầu, đơn vị thi công rà soát các phương tiện hiện có trên địa bàn. Khi có tình huống xấu xảy ra, các phương tiện sẽ hỗ trợ việc mở đường, ứng cứu bà con nhân dân và khắc phục hậu quả thiên tai.

UBND huyện Phước Sơn chỉ đạo các xã khảo sát lượng hàng hóa, lương thực tích trữ tại cửa hàng kinh doanh, tạp hóa trên địa bàn và sẵn sàng cung ứng khi có các tình huống thiên tai xảy ra” - ông Điểm nói.

YÊN CHI - LÊ MỸ

Nguồn Quảng Nam: https://baoquangnam.vn/xa-hoi/phuoc-son-lo-sat-lo-mua-mua-lu-149928.html