Phương Tây cố gỡ gạc uy tín qua vụ thay sếp GRU

Từ mở tiệc mừng công đánh sập mạng lưới tình báo Nga đến ngờ vực cái chết của sếp GRU, mưu đồ của Anh-Mỹ nhằm gỡ gạc thất bại...

Phương Tây suy đoán vu vơ về cái chết của người đứng đầu Cơ quan Tình báo Quân đội Nga

Reuters ngày 22/11 đưa tin, sự hoài nghi về số phận của người đứng đầu Cơ quan tình báo quân sự Nga (GRU), Thượng tướng Igor Korobov ngày một tăng lên, sau khi ông đột ngột qua đời với lý do mắc bệnh hiểm nghèo.

Phương Tây ngờ vực sự ra đi của Giám đốc GRU Korobov là do bị Kremlin thủ tiêu vì không hoàn thành trách nhiệm trong vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal, khiến Nga phải trả giá nặng nề do phương Tây trừng phạt về cả chính trị, kinh tế và ngoại giao.

Cố Giám đốc GRU Igor Korobov

Theo Reuters, sự ngờ vực xoay quanh việc Tổng thống Putin triệu hồi ông Korobov sau "vụ Skripal" và chỉ trích nghiêm trọng GRU về việc đầu độc không thành để cha con nhà Skripals thoát chết và GRU bị truyền thông phương Tây nhạo báng.

Hoài nghi càng tăng lên khi tướng Korobov vắng mặt tại lễ kỷ niệm 100 năm thành lập, ngày 2/11/2018, sự kiện mà Tổng thống Putin đã ca ngợi GRU là huyền thoại trong hoạt động chống phản gián và kỹ năng của điệp viên GRU là "độc nhất vô nhị".

"Tôi tự tin về tính chuyên nghiệp của các bạn, sự táo bạo và quyết đoán cá nhân của các bạn. Tôi tin rằng mỗi cá nhân và cả lực lượng sẽ làm tất cả những gì được yêu cầu vì nước Nga và nhân dân Nga", ông Putin nhấn mạnh.

Theo giới hoạch định chiến lược an ninh và tình báo phương Tây, ông Putin đánh giá cao kỹ năng của điệp viên GRU, vai trò của GRU với vận mệnh quốc gia là dấu hiệu cho thấy cựu điệp viên KGB này chuẩn bị điều chỉnh chiến lược cho tình báo Nga.

Mười ngày sau, ngày 12/11/2018, Thị trưởng London tổ chức tiệc mừng sự hợp tác quốc tế trong việc quy trách nhiệm Moscow đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal, mà theo Thủ tướng Theresa May, đã làm Nga thiệt hại nặng nề.

Người đứng đầu chính phủ Anh cho rằng thiệt hại lớn nhất của Nga chính là mạng lưới tình báo Nga ở nước ngoài đã gần như bị đánh sập hoàn toàn sau hành động quyết liệt của Anh-Mỹ và các đồng minh đối với sự việc này.

"Bà đầm thép đệ nhị" của nước Anh khẳng định: "Khả năng hoạt động và kết nối của tình báo Nga chắc chắn đã bị suy giảm nghiêm trọng do phản ứng của phương Tây đối với cuộc tấn công bằng chất độc thần kinh ở Salisbury".

Mười ngày sau nữa, ngày 22/11/2018, Giám đốc GRU - vốn bị Anh-Mỹ quy là thủ phạm "vụ Skripal" - qua đời, mở đường cho Tổng thống Putin bổ nhiệm người kế nhiệm, nhằm cải thiện hoạt động tình báo quân đội Nga, lấy lại danh tiếng cho GRU.

Phương Tây hoài nghi cha con nhà Skripal còn sống là nguyên nhân khiến sếp tình báo quân đội Nga phải chết

Theo thông tin của cộng đồng tình báo Mỹ và những đồng nghiệp phương Tây, thì người đứng đầu Điện Kremlin - vốn là một điệp viên KGB kỳ cựu - đã đánh giá chất lượng hoạt động của GRU dưới thời Korobov rất thấp.

Trong khi Tổng thống Putin nhìn nhận, hoạt động tình báo - nhất là tình báo quân đội - là một phần không thể thiếu trong các vấn đề quân sự và khoa học quân sự, luôn tồn tại và hiện diện ở khắp mọi nơi trong nhiều thế kỷ.

Về Cơ quan Tình báo Quân đội Nga, nhà lãnh đạo nước Nga đương thời đánh giá rất cao giá trị những thông tin và các tài liệu phân tích cũng như các báo cáo đánh giá tình hình nhằm tham mưu cho lãnh đạo trong quản lý-điều hành và bảo vệ đất nước.

Vậy mà từ khi Tướng Korobov đảm nhận vị trí lãnh đạo GRU năm 2016, GRU đã trở thành là tâm điểm nhiều vụ "bê bối" của tình báo Nga ở nước ngoài, trong đó có việc bị nghi can thiệp bầu cử Mỹ và nghi đầu độc cựu điệp viên Skripal.

Xâu chuỗi các sự kiện lại, theo giới hoạch định chiến lược và truyền thông phương Tây, cho thấy cái chết của Thượng tướng Igor Korobov là rất đáng ngờ vực và lý do ông Korobov qua đời vì bị ung thư chỉ là một sự che đậy của Kremlin.

Chỉ là chiêu trò của phương Tây nhằm gỡ gạc cho thất bại trước tình báo Nga

Có thể thấy, dựa trên những suy luận vu vơ mà London đã quy kết Moscow là thủ phạm vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal, đó là một sự vô trách nhiệm và cũng là thói quen của phương Tây trong phản ứng với những gì bất lợi cho mưu đồ của họ.

Phải khẳng định rằng, để xảy ra những vụ như Skripal hay Litvinenko bị đầu độc là một sự vô trách nhiệm của phương Tây - mà cụ thể ở đây là chính quyền Anh - đối với những người từng "khác chiến hào nhưng đã chọn cùng chiến tuyến" với họ.

Số phận của điệp viên nhị trùng sau khi bị bại lộ luôn là cực kỳ nguy hiểm, bởi tội danh phản bội Tổ quốc luôn được gắn với họ. Khi đó những thực thể từng được hưởng lợi từ họ phải có trách nhiệm bảo vệ tính mạng cho họ và gia đình họ.

Chính phủ Theresa May mừng công đánh sập mạng lưới tình báo Nga nhưng lại vô trách nhiệm với các cựu điệp viên hai mang

Vì vậy, khi để xảy ra vụ việc như Skripal hay Litvinenko thì trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về chính quyền Anh, mà trực tiếp là tình báo và an ninh Anh, chứ không phải cứ mỗi khi sự việc xảy ra là nhanh chóng đì tìm cái cờ để đổ vấy tội cho người khác.

Dư luận rất hoài nghi về sự sốt sắng của London trong những sự việc nhạy cảm này và đặt câu hỏi: Phải chăng London đang hành xử kiểu "vắt chanh bỏ vỏ" với những người từng “khác chiến hào cùng chiến tuyền” với họ khi con bài hết giá trị sử dụng?

Bởi lẽ việc bảo vệ cho những điệp viên nhị trùng bị bại lộ có thể không thua gì bảo vệ các yếu nhân, nhưng lại không mang lại nhiều lợi lộc nữa. Vì vậy, dù không chủ động xóa sổ nhưng không thể phủ nhận London không quan tâm đúng mức với "người cũ".

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/phuong-tay-co-go-gac-uy-tin-qua-vu-thay-sep-gru-3369733/