Phương Tây có thể hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch hay không?

Châu Âu đang phải đối mặt với cùng một vấn đề mà nhiều nước đang phát triển phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi khỏi than, đó là nhu cầu tăng nhanh kết hợp với việc không có nhiều lựa chọn.

Nhà máy nhiệt điện ở Tây Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhà máy nhiệt điện ở Tây Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Trang Quỹ nghiên cứu nhà quan sát đăng bài phân tích của nghiên cứu viên cao cấp Promit Mookherjee, cho biết đánh giá gần đây của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) cho thấy lượng phát thải từ hạ tầng sử dụng nhiên liệu hóa thạch hiện có và đã được quy hoạch, chủ yếu phục vụ ngành điện, hiện đang cao hơn 66% so với kế hoạch cần có để hạn chế tốc độ tăng nhiệt độ ở mức dưới 1,5 độ.

Do đó, việc đạt được mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu sẽ yêu cầu những thay đổi mang tính bước ngoặt, tránh xa khỏi nhiên liệu hóa thạch.

Một thỏa thuận gây tranh cãi

Với tính cấp thiết này, thật đáng ngạc nhiên khi Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) là lần đầu tiên tất cả các nước ký kết Công ước khung Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCC) đạt được một thỏa thuận nhằm mục đích giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.

Tuy nhiên, thay vì được coi là một thành công, thỏa thuận cuối cùng lại gây tranh cãi. Lý do của sự thất vọng là lập trường suy yếu của hiệp định về việc sử dụng than.

Trong khi dự thảo ban đầu của hiệp định nói rằng tất cả các nước ký kết đồng ý với việc "loại bỏ" than. Tuy nhiên, do một số can thiệp vào phút cuối, hiệp định cuối cùng chỉ nêu rõ rằng các nước đồng ý với việc "giảm dần" than đá.

Sự thay đổi nhỏ trong cách viết này được coi là một trở ngại lớn và nhiều quốc gia phát triển đã nhanh chóng đổ lỗi cho Ấn Độ, vì nước này là một trong những quốc gia cùng với Trung Quốc đồng ý sự thay đổi vào phút chót.

Nhiều thay đổi đã xảy ra trong những năm tiếp theo. Trên toàn cầu, tiêu thụ than dự kiến tăng lên 8 tỷ tấn vào năm 2022, tương đương mức cao nhất mọi thời đại đạt được năm 2013.

Liên minh châu Âu (EU), một trong số những nước ủng hộ mạnh mẽ nhất việc loại bỏ than, cũng tăng mức tiêu thụ than lên 10% trong sáu tháng đầu năm 2022. Con số này dự kiến sẽ tăng hơn nữa khi mùa Đông đến gần và giá khí đốt tự nhiên vẫn ở mức cao do nguồn cung bị thắt chặt vì cuộc xung đột ở Ukraine.

Châu Âu đang nhanh chóng phải đối mặt với cùng một vấn đề mà nhiều nước đang phát triển phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi khỏi than, đó là nhu cầu tăng nhanh kết hợp việc không có nhiều lựa chọn.

Các bể chứa khí tự nhiên hóa lỏng LNG tại Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Để các mục tiêu trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu đạt được, các nước trên thế giới phải tính đến các bài học kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay và tăng cường cam kết đối với việc giảm phụ thuộc vào tất cả các nhiên liệu hóa thạch tại COP27.

Câu hỏi lớn hơn được đặt ra lúc này là tại sao chương trình nghị sự chỉ tập trung vào than đá? Với những dự đoán rõ ràng của IPCC, chắc chắn bất kỳ thỏa thuận nào cũng không nên chỉ tập trung vào than đá mà là tất cả các dạng nhiên liệu hóa thạch.

Đây là một vấn đề khó khăn đối với nhiều quốc gia ở khu vực phía Bắc toàn cầu, đặc biệt là Mỹ và châu Âu, vì phần lớn sản lượng điện tại đây phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Ví dụ, từ năm 2005 đến 2019, tỷ trọng than trong sản xuất điện ở Mỹ giảm từ 50% xuống còn 23%. Sự sụt giảm được bù đắp bằng việc tăng gấp đôi thị phần khí đốt tự nhiên lên 38% trong cùng kỳ.

Tình huống tương tự có thể được quan sát ở hầu hết các nền kinh tế châu Âu đang thúc đẩy việc loại bỏ dần than đá, hầu hết chỉ có một phần nhỏ than trong sản xuất điện.

Công nghệ tái tạo có phải câu trả lời?

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), việc đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 cần mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên giảm 55% so với mức hiện tại. Điều này trái ngược với ước tính cho thấy mức tiêu thụ khí sẽ thực sự tăng 38% đến năm 2030.

Rõ ràng, lập luận việc sử dụng khí tự nhiên làm nhiên liệu chuyển tiếp, do lượng khí thải thấp hơn một chút, là vấn đề đáng nghi ngờ. Song song với đó là lập luận về nhiên liệu chuyển tiếp, được cho là phù hợp nhất đối với thế giới đang phát triển nơi nhu cầu điện năng được dự báo tăng nhanh và chỉ năng lượng tái tạo có thể không thể cung cấp đầy đủ nhu cầu năng lượng cơ bản của một dân số đang gia tăng.

Trong cả hai trường hợp, có một lập luận mạnh mẽ cho việc thế giới phát triển xem xét sự phụ thuộc vào khí tự nhiên. Tuy nhiên, trữ lượng khí đốt tự nhiên chỉ tập trung ở một nhóm nhỏ các quốc gia, với 5 quốc gia hàng đầu chiếm 50% tổng trữ lượng khí đốt tự nhiên được xác định - riêng Nga chiếm 25%.

Cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay cho thấy rõ ràng rằng bất kỳ sự gián đoạn nào đối với nguồn cung khí đốt tự nhiên sẽ dẫn đến một sự chuyển hướng sang than ở hầu hết các nước phát triển trên thế giới.

Mặc dù chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine không phải điều sẽ thường xuyên xuất hiện, song những căng thẳng địa-chính trị hiện tại có nghĩa là không thể loại trừ các cuộc khủng hoảng trong tương lai. Vậy, liệu các nước phát triển có tiếp tục chuyển sang sử dụng than mỗi khi thị trường khí đốt tự nhiên có sự gián đoạn hay không?

Kịch bản lý tưởng là cam kết về một lộ trình toàn cầu nhằm chấm dứt việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, trong đó các nước phát triển thực hiện nghiêm khắc hơn để cho phép các nước đang phát triển không gian cần thiết nhằm đạt được các mục tiêu phát triển.

Tuy nhiên, xem xét những căng thẳng địa-chính trị hiện nay và sự thâm hụt lòng tin giữa các nước trên thế giới, bất kỳ thỏa thuận rộng rãi nào như vậy sẽ không thể xảy ra. Thay vào đó, thế giới phát triển phải hướng tới việc đặt ra các mốc thời gian nghiêm ngặt nhằm làm giảm sự phụ thuộc vào khí tự nhiên và các cam kết trong nước khác, chẳng hạn như gói "Fit for 55" ở EU và Đạo luật Giảm lạm phát ở Mỹ.

Đây là một phản ứng tốt hơn so với việc tập trung vào việc và xây dựng các cảng khí đốt bổ sung như một biện pháp giảm sự phụ thuộc vào Nga, đề xuất đặc biệt hấp dẫn với ngành công nghiệp dầu khí của Mỹ.

Ngoài ra, các nước cũng cần một cam kết rõ ràng về việc tăng chi tiêu cho các công nghệ tái tạo, đặc biệt là các hệ thống lưu trữ pin cần thiết để tạo ra năng lượng gió và năng lượng Mặt Trời và hydro xanh.

Sự đổi mới ngày càng tăng trong các công nghệ mới này có thể mang lại lợi ích đối với thế giới đang phát triển vốn có thể không có đủ nguồn lực đầu tư vào các công nghệ này trên cùng quy mô./.

Tiến Hiến (P/v TTXVN tại New Delhi)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/phuong-tay-co-the-han-che-su-dung-nhien-lieu-hoa-thach-hay-khong/259559.html