Phương Tây đang 'yếu thế' trước Syria và lực lượng đồng minh

Mỹ và phương Tây đang bị 'yếu thế' trước một liên minh Nga-Iran-Syria đang ở thế thượng phong.

Cuộc tấn công tên lửa bất ngờ của Mỹ và các nước đồng minh phương Tây mới đây nhằm vào Syria từng khiến dư luận dấy lên nhiều đồn đoán về những kịch bản mới trên chiến trường quốc gia Arab này.

Syria với sự hỗ trợ của Nga đã giành ưu thế trước phương Tây. Ảnh: Nationalinterest

Tuy nhiên, với kết quả được đánh giá là “rất hạn chế”, cuộc tấn công đã nhanh chóng bị lãng quên. Mọi thứ dường như không thay đổi.

Syria cùng các đồng minh tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố và giành thêm nhiều thắng lợi quan trọng trên chiến trường, trong khi Mỹ vẫn giữ nguyên lời tuyên bố sớm rút quân, còn Saudi Arabia và Pháp thì không còn coi sự ra đi của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad là một điều kiện tiên quyết cho các cuộc đối thoại.

Rõ ràng, Mỹ và phương Tây đang bị “yếu thế” trước một liên minh Nga-Iran-Syria đang ở thế thượng phong.

Ngày 6/5, hãng tin TASS của Nga dẫn lời Đại sứ Pháp tại Nga Sylvie Bermann cho biết, Paris sẽ không tìm cách thay đổi chế độ tại Syria nữa và tương lai của quốc gia Trung Đông này phải dựa trên các cuộc đối thoại “nghiêm túc” giữa các bên.

Theo bà Sylvie Bermann, các cuộc đàm phán phải được dựa trên Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và các bên cần phải đưa ra lộ trình bầu cử cụ thể, cũng như việc sửa đổi Hiến pháp.

Đây cũng là lập trường mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra cách đây 1 năm khi mới nhậm chức. Ông Macron khi đó thừa nhận, hiện không ai có thể là người kế nhiệm hợp pháp tại Syria ngoài Tổng thống al-Assad.

Chia sẻ quan điểm này, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman-một đồng minh của Mỹ mới đây cho rằng, việc ông al-Assad ra đi dường như đã là điều bất khả thi và mối quan tâm của quốc gia vùng Vịnh này sẽ chỉ là tập trung vào sự ảnh hưởng của Iran tại Syria ở mức độ nào mà thôi.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đến nay vẫn giữ nguyên quan điểm sẽ sớm rút quân ra khỏi cuộc chiến tại Syria, khi mà các tổ chức khủng bố bị tiêu diệt hoàn toàn, bất chấp các mối quan ngại từ các nước đồng minh.

Có thể thấy, dù Mỹ cùng Pháp, Anh mới tấn công tên lửa vào Syria, song những nước này đã không thể làm thay đổi tình hình thực địa tại Syria, khi mà quân đội Syria thời gian qua đã củng cố được sức mạnh quân sự và giành quyền kiểm soát hầu hết các thành phố lớn.

Ngay sau thời điểm vụ tấn công tên lửa của phương Tây, chính quyền Syria đã thông báo giành quyền kiểm soát khu vực Đông Ghouta, vốn được xem là thành trì cuối cùng của lực lượng đối lập ở ngoại ô thủ đô Damascus. Trong khi đó, các quốc gia bảo trợ cho tiến trình hòa bình Syria bao gồm Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn duy trì được các cuộc đàm phán.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết: “Cuộc tấn công vào Syria đã đẩy lùi những nỗ lực tiến bộ trong tiến trình đối thoại. Tuy nhiên, chúng tôi đã khẳng định chắc chắn rằng những cố gắng này phải được tiếp tục. Chúng tôi đã đồng ý về các bước cụ thể nhằm đưa các bên trở lại con đường tiến bộ ổn định theo các mục tiêu của Nghị quyết 2254 của Liên hợp quốc”.

Rõ ràng, với sự hỗ trợ tích cực về quân sự và ngoại giao của Nga, cục diện Syria thời gian qua đã có những chuyển biến có lợi cho Chính phủ hợp pháp tại Syria. Theo các nhà phân tích, cuộc tấn công vừa qua của phương Tây vào Syria dường như chỉ là hành động cứu vãn “danh dự” trong bối cảnh cuộc chiến “sa lầy” 7 năm qua của họ tại Syria không mang lại kết quả như kỳ vọng.

Và việc thừa nhận vai trò lãnh đạo của Tổng thống Syria al-Assad dường như là một kết quả tất yếu cho một sự “yếu thế” của phương Tây trước một Syria và đồng minh “cứng rắn”./.

Đình Nam/VOV1 - Tổng hợp

Nguồn VOV: http://vov.vn/the-gioi/phuong-tay-dang-yeu-the-truoc-syria-va-luc-luong-dong-minh-759358.vov