Phương Tây đẩy Nga khỏi cuộc chơi điện hạt nhân ở Séc

Prague muốn giao phó việc hiện đại hóa nhà máy điện hạt nhân từ thời Liên Xô cho các công ty phương Tây.

Trong ảnh: Nhà máy điện nguyên tử Dukovany tại Cộng hòa Séc (Ảnh: Zuma TASS)

Trong ảnh: Nhà máy điện nguyên tử Dukovany tại Cộng hòa Séc (Ảnh: Zuma TASS)

Phương Tây thực sự muốn đẩy Rosatom ra khỏi liên minh EU

Các công ty Nga và Trung Quốc từng nộp đơn xin tham gia đấu thầu xây dựng các lò phản ứng nguyên tử mới tại Nhà máy điện nguyên tử Dukovany ở Cộng hòa Séc có thể bị loại khỏi cuộc thi. Lý do được đưa ra là lo ngại đe dọa tới an ninh quốc gia của đất nước này.

Cụ thể hơn, ấn phẩm trực tuyến Deník N của Séc viết rằng: Phó Thủ tướng, đồng thời là người đứng đầu Bộ Công thương, Karel Gavlicek, đã nói với các phóng viên hồi cuối tháng 4 rằng chính phủ Séc đang xem xét việc mở rộng Nhà máy điện nguyên tử Dukovany, nhưng ông hiện vẫn giữ im lặng về một tài liệu bí mật nói về việc loại trừ Nga và Trung Quốc ra khỏi danh sách đấu thầu xây dựng lò phản ứng mới của nhà máy này.

Việc xây dựng lò phản ứng hạt nhân mới tại Nhà máy điện nguyên tử Dukovany sẽ bắt đầu vào năm 2029, và dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào năm 2036. Nó sẽ thay thế một trong những lò phản ứng cũ của nhà máy.

Công ty thực hiện dự án được lên kế hoạch lựa chọn trên cơ sở đấu thầu.

Đã có 6 công ty nộp đơn là: Rosatom của Nga, EDF của Pháp, KHNP của Hàn Quốc, China General Nuclear Power của Trung Quốc, Westinghouse của Hoa Kỳ và một dự án chung của Areva Pháp và Mitsubishi Nhật Bản là Atmea.

Vào tháng 2/2020 đã có các cuộc tham vấn được tổ chức tại Prague với đại diện của tất cả các công ty. Và Alexei Likhachev - tổng giám đốc của Rosatom - đã xác nhận với các nhà báo về ý định tham gia đấu thầu dự án này của tập đoàn.

Nguy cơ có thể bị đình chỉ trong cuộc đấu thầu này đã được Rosatom đón nhận một cách bình tĩnh. Người ta tập trung chú ý đến quan điểm công khai của chính phủ Séc, cụ thể là, tuyên bố được công bố mới đây của Phó Thủ tướng Gavlicek.

Các nhà lãnh đạo Rosatom cũng lưu ý rằng: “Nếu được tham gia cuộc đấu thầu mở rộng nhà máy điện hạt nhân của Séc, chúng tôi sẽ sẵn sàng đưa ra những đề xuất tốt nhất trong khuôn khổ cạnh tranh thị trường lành mạnh đối với dự án đầy hứa hẹn này với sự nội địa hóa tối đa và hợp tác chặt chẽ với các công ty của Séc”.

Theo ông Andrei Klimov, Phó Chủ tịch ủy ban về các vấn đề quốc tế của Hội đồng Liên bang Nga thì “chiến lược loại bỏ các cơ sở cũ của Rosatom của Nga ra khỏi lãnh thổ EU đã có từ năm 2008”.

Nghị sĩ Klimov chia sẻ trong một bình luận cho tờ báo Vzglyad: “Có lần, một quan chức cấp cao ở Brussels đã trực tiếp nói với tôi rằng việc ngăn chặn công việc của Rosatom ở châu Âu không mang ý nghĩa kinh tế hay kỹ thuật.

Ở đây chỉ mang ý nghĩa chính trị thuần túy. Tuy nhiên, EU vẫn đang hướng tới việc hất cẳng Nga ra khỏi thị trường này”.

Ông còn nói thêm rằng “mặc dù công nghệ của Rosatom là tiêu chuẩn cao nhất trên thế giới, song các quan chức châu Âu lo sợ sự thống trị của Nga trong lĩnh vực này nên họ coi Rosatom của Nga là đối thủ cạnh tranh nguy hiểm”.

Trước đây, việc xây dựng Nhà máy điện nguyên tử Ostrovets của Belarus ở vùng Gomel cũng đã bị nước láng giềng Litva đã phản đối gay gắt về dự án này chỉ vì có Rosatom tham gia xây dựng.

Nhưng tại Belarus, nhà máy điện nguyên tử sẽ được xây dựng xong – từ giờ đến khi tổ máy điện đầu tiên đi vào hoạt động không còn bao nhiêu thời gian nữa.

Còn đối với Cộng hòa Séc, sự lựa chọn nào mà chính phủ của nước cộng hòa sẽ đưa ra hiện vẫn chưa rõ ràng ...

Ông Vadim Trukhachev, Phó Giáo sư Bộ môn Nghiên cứu Chính sách đối ngoại của Đại học Xã hội và Nhân văn Quốc gia Nga, chuyên gia về Cộng hòa Séc, đã bình luận về tình huống này:

"Thực tế là các phương tiện truyền thông Séc, cũng giống như các phương tiện truyền thông ở hầu hết các nước châu Âu khác đều chống lại Nga. Họ trực tiếp hoặc gián tiếp nhận tiền từ các ông chủ Mỹ, Đức và Liên minh Châu Âu. Và họ kiếm tiền từ những công việc đó.

Điểm thứ hai. Bên trong chính phủ Séc và trong một số cơ quan, ban ngành của Séc đang xảy ra một cuộc chiến thầm lặng. Hầu như trong mỗi bộ phận đều có những kẻ bài Nga. Nhưng cũng có những người bài Nga chỉ vì đi theo dòng chảy chung của EU và NATO. Nghĩa là, họ không có chính kiến cá nhân mà chỉ tập trung vào mục tiêu kinh doanh.

Nhưng cũng có những người quyết tâm phát triển quan hệ với Nga và không phụ thuộc vào sự hiềm khích chống Nga. Hiện tại, trong nội bộ của Séc có một cuộc chiến bí mật như vậy và đôi khi điều đó còn thể hiện cả ra bên ngoài.

Cuối cùng, điểm thứ ba là: phương Tây thực sự muốn đẩy Rosatom ra khỏi lãnh thổ Liên minh châu Âu".

Đối thủ thực sự

Đối với Rosatom thì hợp đồng tại Cộng hòa Séc là hợp đồng lớn nhất ở châu Âu. Hợp đồng mở rộng Nhà máy điện hạt nhân Paks ở Hungary nhỏ hơn so với việc mở rộng các Nhà máy hạt nhân Dukovany và Temelin của Séc.

Đối thủ cạnh tranh chính ở đây không phải chỉ có Mỹ, mà còn có Pháp. Bởi vì Pháp là cường quốc nguyên tử chính của EU. Ở Pháp có hẳn một cơ sở lưu trữ nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng. Nhà máy điện nguyên tử Krshko ở Slovenia đã được xây dựng theo mô hình của Pháp.

Pháp cũng muốn mở rộng ảnh hưởng của họ đến Cộng hòa Séc, Slovakia, Hungary và Phần Lan.

Và điểm quan trọng nhất là Nhà máy điện nguyên tử Dukovany là nhà máy kiểu Liên Xô. Giống như Nhà máy điện nguyên tử Temelin thứ hai của Séc, được đưa vào hoạt động vào đầu những năm 2000. Ở đây, từng liên quan đến một câu chuyện rắc rối.

Vì những lý do chính trị, người ta quyết định từ bỏ nhiên liệu hạt nhân của Nga và chở nhiên liệu của Mỹ đến nhà máy này. Và năm 2006, nhà máy suýt nữa thì bị nổ.

Vụ tai nạn đã được cô lập kịp thời nên không gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng sau đó, Séc đã quyết định không mạo hiểm nữa mà vẫn phải tiếp tục sử dụng nhiên liệu của Nga. Nếu không, có thể xảy ra vụ “Fukushima” thứ hai ở châu Âu.

Nhà máy điện hạt nhân này nằm ở phía nam nước Séc gần biên giới với Áo nói lên những hậu quả sẽ là gì. Một đám mây phóng xạ sẽ ngay lập tức bao phủ Prague, Vienna và Munich và nhiều thành phố khác.

Nhà máy điện nguyên tử Dukovany có 4 lò phản ứng VVER-440, được đưa vào hoạt động trong giai đoạn 1985-1987: Nhà máy hiện vẫn đang hoạt động.

Nhưng dù muốn hay không, những lò phản ứng 440 này trong vòng 10-15 năm tới sẽ phải dừng hoạt động. Hoặc có thể sẽ phải ngừng sớm hơn.

Vấn đề là những bloc này, được xây dựng theo dự án trước đây, không có lớp vỏ bọc bảo vệ, được thiết kế để chứa phóng xạ trong trường hợp tai nạn nghiêm trọng. Đây là những lò phản ứng thế hệ đầu tiên tương tự như ở Fukushima. Bất kỳ thiệt hại nào đối với lớp vỏ trên thân lò phản ứng cũng sẽ ngay lập tức gây rò rỉ ra môi trường.

Hiện nay, lò phản ứng thế hệ thứ hai - VVER-1000 – đã có hai lớp vỏ bọc bảo vệ.

Đối với Nhà máy điện hạt nhân Dukovany, Séc đang lên kế hoạch xây dựng các lò hạt nhân mới bên cạnh 4 lò phản ứng của công trình cũ của Liên Xô.

Rốt cuộc, ngay cả khi nhiều chuyên gia Séc không có thiện cảm đặc biệt với Nga thì họ cũng phải thừa nhận rằng tốt hơn hết là không nên chơi với lửa, và trong trường hợp này là không nên đùa với bức xạ.

Việc loại bỏ các công ty của Nga có thể gây ra hậu quả rất nghiêm trọng cho toàn bộ châu Âu nếu họ tiếp tục tổ chức các trò chơi chính trị xung quanh nguyên tử.

Tất Thịnh (Theo “Svobodnaia pressa”)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/phuong-tay-day-nga-khoi-cuoc-choi-dien-hat-nhan-o-sec-3403478/