Phương Tây hối tiếc về 'tội ác' tại Libya?

'Phương Tây tiến vào Libya như những tên trộm, hành xử như những kẻ đồ tể vào năm 2011 và gây ra bao cảnh đổ nát cùng nỗi đau và bất hạnh'

Tội ác của phương Tây

Nhà ngoại giao kỳ cựu người Pháp Michel Raimbaud, từng giữ cương vị đại sứ Pháp tại Mauritania, Somali và Zimbabwe mới đây có bài viết đánh giá về tình hình Libya sau cuộc chính biến mà phương Tây mô tả bằng mỹ từ "Mùa xuân Arab".

Đáng chú ý, nhà ngoại giao kỳ cựu này đã nói thẳng rằng "phương Tây đã tiến vào Libya như những tên trộm, hành xử như những kẻ đồ tể vào năm 2011 và gây ra bao cảnh đổ nát cùng nỗi đau và sự bất hạnh cho người dân một quốc gia đã từng được coi là thịnh vượng nhất ở châu Phi này".

Chiến tranh, bất ổn tiếp tục tàn phá Libya sau "Mùa xuân Arab" theo cách nhìn của phương Tây

Ông đánh giá đất nước Libya từng là quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao nhất châu Phi nhờ sự quản lý một cách lành mạnh nguồn tài nguyên dầu mỏ kể từ khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi lên nắm chính quyền hồi năm 1969 sau cuộc cách mạng lật đổ Nhà Vua Idriss - người được cho là đã vơ vét đến cạn kiệt nguồn tài nguyên của đất nước để làm giàu cho bản thân và những tập đoàn dầu lửa khổng lồ đến từ châu Âu.

Dưới thời nhà lãnh đạo Gaddafi, nhân dân Libya được hưởng một nền giáo dục phổ thông cùng với chế độ chăm sóc y tế hoàn toàn miễn phí do nhà nước đài thọ. Người dân được sử dụng xăng dầu với giá rẻ do không bị đánh thuế và Libya đạt được các chỉ số phát triển con người cao chưa từng có trước đó tại khu vực Bắc Phi.

Theo nhà ngoại giao Raimbaud, nhà lãnh đạo Gaddafi chính là người đã có công định hình lại Liên minh châu Phi (AU) với ý tưởng cho ra đời một "đồng dinar vàng" dựa trên lượng dự trữ vàng trong ngân khố mà Chính phủ của ông đã lặng lẽ tích lũy được trong hàng thập kỷ nhờ những khoản lợi nhuận khổng lồ từ việc bán các sản phẩm dầu mỏ.

Quốc gia Bắc Phi này đã duy trì được sự sung túc như vậy trong một thời gian khá dài. Nhận thức được yêu cầu phải đa dạng hóa sự hợp tác của Libya, ông Gaddafi đã chuẩn bị cho việc thực hiện một chính sách ngoại giao hợp tác theo mô hình 2 bên cùng có lợi. Quan điểm của ông Gaddafi cũng phù hợp với chính sách mà Trung Quốc đang thực hiện thông qua đầu tư trực tiếp vào các nền kinh tế láng giềng năng động quanh họ. Tất cả những điều đó đã làm cho cái tên Gaddafi trở nên nổi tiếng trong lịch sử gần đây của châu Phi.

Nhưng đây cũng chính là, theo nhà ngoại giao Raimbaud, một cuộc phiêu lưu với những thành công làm đổ vỡ các âm mưu của phương Tây được dẫn dắt bởi Mỹ với sự trợ giúp đắc lực của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), chính sách ngoại giao thù địch của Israel và sự phá hoại do các phần tử khủng bố Takfiris được Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh hậu thuẫn thực hiện.

Một đoàn xe của lực lượng ủng hộ chính phủ Libya bị liên quân phương Tây không kích ngày 20/3/2011

Đây cũng chính là lý do làm cho các ông chủ "giấu mặt" có liên hệ mật thiết với các tòa án châu Âu cũ, vốn muốn biến các nước khu vực bên bờ Đại Tây Dương và Địa Trung Hải thành "những nền dân chủ hào nhoáng", đã tỏ ra vô cùng bức xúc khi chứng kiến sự thành công của Libya làm thất bại mọi âm mưu của họ.

Nhà ngoại giao Pháp cáo buộc những kẻ giật dây này đã không thể, không biết hoặc không muốn tự kiềm chế để sẵn sàng trút hận thù thông qua bom đạn, gieo rắc sự chết chóc và thực hiện các hành động cướp bóc.

Ông Raimbaud cũng nhắc tới thông tin đang được chính truyền thông phương Tây lan truyền những ngày qua là nạn buôn bán người khủng khiếp diễn ra tại Libya từ năm 2011, trong đó đa số nạn nhân là các cư dân thuộc Tiểu vùng Sahara, những người từng được chính quyền của nhà lãnh đạo Gaddafi chào đón để giúp xây dựng phát triển kinh tế Libya cũng như chính các quốc gia quê hương của họ.

Nhà ngoại giao Pháp kết luận rằng "sự ô nhục này cũng là trách nhiệm của những nhà hoạch định chiến tranh phương Tây đã phá hủy đất nước Libya trong suốt 6 năm qua làm cho đất quốc gia này trở thành một vùng đất không có niềm tin và cũng chẳng có luật lệ".

Điều đúng đắn cần phải làm hiện nay là hỗ trợ cho những người dân Libya đang phải vật vã trong nỗi đau đớn mà "bàn tay tội ác" phương Tây đã mang tới gieo rắc lên quê hương họ, cùng với đó là tác động để chính phủ các nước nhận thức rõ về điều này.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/phuong-tay-hoi-tiec-ve-toi-ac-tai-libya-3347955/