Phương Tây run sợ bị Nga cắt đứt huyết mạch

Anh sẽ triển khai thêm nhiều tàu chiến và máy bay tới phía Bắc Đại Tây Dương do lo ngại hải quân Nga có thể đe dọa hệ thống cáp biển.

Anh hốt hoảng vì tàu chiến Nga

Hãng tin Reuters cho biết hôm 22/8, Hải quân Hoàng gia Anh đã điều tàu chiến giám sát một tàu chiến của Nga tại eo biển Manche. Đây là tàu thứ 4 của Anh được triển khai theo dõi các hoạt động của Nga xung quanh nước Anh trong vòng 2 tháng qua.

Cụ thể, tàu dò mìn HMS Hurworth đóng tại thành phố Portsmouth nhận nhiệm vụ theo dõi khi tàu khu trục Đô đốc Makarov của Nga đi qua eo biển Manche vào ngày 22/8, nằm trong khuôn khổ hoạt động giám sát thường kéo dài khoảng 48 giờ.

Bộ Quốc phòng Anh từ chối bình luận con số chính xác tàu Nga đi qua Anh, song cho hay trong vòng 2 tháng qua, tàu tuần tra HMS Mersey, tàu khu trục HMS Diamond và khinh hạm Montrose đã tham gia vào các hoạt động giám sát tương tự.

Tàu Đô đốc Makarov của Nga

Trong một bài phát biểu hồi tháng 5, người đứng đầu Hải quân Hoàng gia Anh, Đô đốc Philip Jones tuyên bố, Anh đang đối mặt với "hoạt động tăng cường đáng kể của Hải quân Nga, điều đang tiếp tục thử thách quyết tâm của chúng ta".

Còn hồi đầu tháng 7 vừa qua, lãnh đạo lực lượng Hải quân Hoàng gia Anh, Đô đốc Philip Jones cho biết hải quân nước này sẽ triển khai thêm nhiều tàu chiến và máy bay tới khu vực phía Bắc Đại Tây Dương, nhằm đối phó với những mối đe dọa mà hải quân Nga có thể gây ra đối với hệ thống dây cáp liên lạc dưới biển.

Trả lời phỏng vấn kênh Sky News, Đô đốc Jones cho biết Hải quân Anh sẽ thiết lập một khu vực tác chiến chung (JAO) tại phía Bắc Đại Tây Dương, trong bối cảnh Nga ngày càng tăng cường năng lực hải quân của nước này.

Theo ông Jones, hải quân Nga có khả năng phát hiện các dây cáp trong những điều kiện khắc nghiệt. Chính vì vậy, Anh cần phải theo dõi và đánh giá khả năng Nga phá hoại các hệ thống liên lạc sử dụng những tuyến dây cáp này.

Cũng theo báo chí phương Tây, hiện có khoảng 99% trao đổi thông tin toàn cầu và hơn 10.000 tỉ USD giao dịch trên thế giới được thông qua các đường cáp quang biển. Trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và phương Tây gia tăng căng thẳng như hiện nay, giới quan sát lo ngại con đường trao đổi thông tin thiết yếu này có nguy cơ trở thành mục tiêu dễ bị tấn công.

Tàu rải cáp ngầm hoạt động ngoài khơi bờ biển Cornwall của Anh

Trong thế giới số hóa, yếu tố vật chất thường ít được coi trọng, nhất là khi các vụ tin tặc ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, chính vật chất, trong đó có các cơ sở hạ tầng và đặc biệt các tuyến cáp ngầm dưới biển rất dễ bị tổn thương.

Hồi cuối năm 2017, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Anh, Đại tướng Stuart Peach, cũng đã nêu ra quan ngại này tại cuộc họp với những người đồng cấp đến từ các nước thành viên NATO.

Lời cảnh báo của ông được đưa ra vài ngày sau khi cơ quan tham vấn của Anh nổi tiếng là bảo thủ Policy Exchange báo động các điểm yếu của mạng lưới cáp quang biển. Báo cáo của cơ quan này còn trích dẫn nguồn tin tình báo Mỹ nghi ngờ phía Nga có mưu toan cắt các đường cáp thông tin chạy ngầm dưới đáy biển Đại Tây Dương, nối liền châu Âu với Mỹ. Tiết lộ này đã khiến phương Tây lo ngại, nghi ngờ Nga tiến hành một cuộc chiến tranh lạnh không quy ước.

Tử huyệt dễ bị tổn thương

Chuyên gia quân sự Camille Morel giải thích tầm quan trọng của các đường cáp quang biển hiện nay đối với thế giới. Theo đó, "hệ thống cáp quang của toàn thế giới hiện nay bao gồm khoảng 300 cáp đặt dưới đáy biển. Hệ thống này rất lớn bởi trái với những gì người ta nghĩ về hệ thống vệ tinh, hệ thống cáp quang dưới đáy biển chuyển tải hơn 95% các thông tin viễn thông toàn cầu".

Theo chuyên gia này thông tin viễn thông bao gồm các cuộc gọi điện thoại, video, dữ liệu Internet… Và các dữ liệu này đều do mọi người tạo ra, mọi người truy cập Internet, đọc thư điện tử, khai thuế, mua hàng hạ giá trên mạng… Bên cạnh đó còn có các hoạt động của doanh nghiệp, hệ thống liên lạc giữa các bộ phận trong quy trình sản xuất.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/phuong-tay-run-so-bi-nga-cat-dut-huyet-mach-3364332/