Phương Tây tích cực đào xúc hút ở châu Phi

Thấy mỏ dầu khổng lồ ở Nam Phi, cuộc chiến giành ảnh hưởng ở lục địa đen càng sâu sắc.

Ngày 7/2, chi nhánh Nam Phi của Tập đoàn dầu khí Pháp Total (Total SA) tuyên bố vừa tìm ra một mỏ dầu và khí gas khổng lồ tại thềm lục địa ngoài khơi quốc gia này.

Vị trí mỏ dầu cực lớn ở ngoài khơi Nam Phi.

Theo số liệu Tập đoàn tư vấn quốc tế Wood Mackenzie, mỏ dầu được đặt tên Brulpadda có trữ lượng khoảng 1 tỷ thùng chưa kể dầu nhẹ.

Mỏ Brulpadda là mỏ dầu dưới nước sâu đầu tiên được tìm thấy tại quốc gia nằm ở cực Nam châu Phi này.

Mỏ Brulpadda nằm cách bờ biển Nam Phi khoảng 175km ở độ sâu tới hơn 3.600m dưới mặt biển.

Đây là một tín hiệu đáng mừng đối với Nam Phi - quốc gia hàng năm phải chi nhiều tỷ USD để nhập khẩu xăng dầu nhằm đáp ứng nhu cầu nội địa.

Bên cạnh đó, việc khai thác khí gas tại mỏ sẽ giúp nước này giảm sự phụ thuộc vào than đá trong quá trình sản xuất điện năng.

Theo Phó Chủ tịch phụ trách khai thác của Total Kevin McLachlan, tập đoàn này đang tiến hành thu thập số liệu địa chấn không gian ba chiều (3D) trước khi chính thức khoan khai thác. Total SA sẽ tiếp tục tìm kiếm các mỏ dầu khác tại khu vực xung quanh.

Giám đốc điều hành Liên minh Dầu khí Nam Phi Niall Kramer cho nêu rõ trước đây việc tìm kiếm các mỏ dầu đều không mang lại kết quả vì thường được thực hiện tại các vùng nước nông.

Ông nhấn mạnh việc tìm ra mỏ Brulpadda ở độ sâu chưa từng thấy là một bước ngoặt lớn cho Nam Phi, sẽ không chỉ giúp quốc gia này giảm sự phụ thuộc vào xăng dầu nhập khẩu, mà còn giúp Nam Phi xuất hiện trên bản đồ những quốc gia sản xuất dầu lửa khắp thế giới.

Nam Phi hiện đang là nơi đầu tư mạnh mẽ của hàng loạt tập đoàn hàng đầu thế giới như Exxon Mobil (Mỹ) hay Eni SpA (Italy). Số liệu từ tập đoàn cung cấp dịch vụ dầu khí Baker Huges của Mỹ cho thấy, châu Phi đang trở thành một trong những trung tâm sản xuất dầu quan trọng trên toàn cầu.

Phương Tây tìm năng lượng ở châu Phi.

Lục địa đen những năm gần đây trở thành địa bàn cho những cuộc tranh giành miếng bánh của phương Tây, Trung Quốc và Nga.

Giữa tháng 12/2018, Mỹ đã công bố chiến lược mới, quyết "giành lại" châu Phi từ tay Nga - Trung.

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton gọi sự đầu tư của Nga và Trung Quốc ở khu vực là "cướp bóc", đồng thời nhấn mạnh nước Mỹ sẽ đặt các lợi ích tại châu Phi lên hàng đầu và chấm dứt các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc "kém hiệu quả và thiếu trách nhiệm".

Theo sáng kiến mới mang tên “Prosper Africa” (Châu Phi Thịnh vượng), ông Bolton cho biết, “chúng tôi sẽ khuyến khích các nhà lãnh đạo châu Phi lựa chọn các dự án đầu tư nước ngoài chất lượng cao, minh bạch, toàn diện và bền vững, trong đó có các dự án từ Mỹ”. Ông khẳng định, Washington sẽ lựa chọn các đối tác châu Phi của mình một cách cẩn thận hơn.

Ông Bolton cáo buộc Trung Quốc sử dụng “các khoản hối lộ, những thỏa thuận mập mờ và sử dụng chiến lược nợ để khiến các quốc gia châu Phi bị giam cầm theo mong muốn và yêu cầu của Bắc Kinh”.

Trong khi đó, Nga thì đang “tìm cách tăng cường ảnh hưởng trong khu vực thông qua các thỏa thuận kinh tế mang tính chất tham nhũng”, gọi Nga "thúc đẩy các quan hệ kinh tế và chính trị.. mà ít coi trọng tới luật pháp hay sự điều hành minh bạch và trách nhiệm".

Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ cho rằng, các hành xử kiểu "cướp bóc" của Nga và Trung Quốc đã "làm còi cọc tăng trưởng kinh tế ở châu Phi và đe dọa độc lập kinh tế của các quốc gia".

Trung Quốc và chiến lược đưa dân Trung Quốc ra khắp thế giới

Mỹ đã từng hiện diện quân sự ở châu Phi nhưng đã từ bỏ chiến lược này và sau khi Trung Quốc tập trung chiến lược ở châu Phi thì Washington quay lại chỉ trích kiểu đầu tư của Bắc Kinh.

Trung Quốc đã âm thầm phát triển quan hệ với châu Phi và từ hợp tác kinh tế, Trung Quốc đã có căn cứ quân sự hậu cần đầu tiên ở nước ngoài và được đặt tại Lục địa đen. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của Châu Phi trong chiến lược phát triển kinh tế và quân sự của Trung Quốc đến thế nào.

Bắc Kinh đã tổ chức thường xuyên các Diễn đàn kinh tế Trung Quốc - Châu Phi, cam kết hỗ trợ 60 tỷ USD trong vòng 3 năm kể từ năm 2018.

Hợp tác của Trung Quốc được thực hiện thông qua việc Trung Quốc dành viện trợ, vốn vay phát triển cơ sở hạ tầng thông qua các ngân hàng, quỹ tín dụng nhà nước và một số định chế tài chính mà TQ là thành viên và thường do các doanh nghiệp nhà nước, nhân công của Trung Quốc thực hiện.

Đổi lại, Trung Quốc giành được nhiều hợp đồng mua, khai thác năng lượng, khoáng sản của các nước châu Phi nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển trong nước (thường được gọi là mô hình đổi hạ tầng lấy tài nguyên).

Hiện Trung Quốc trở thành đối tác thương mại, đầu tư lớn của châu Phi, đồng thời là chủ nợ lớn nhất của châu lục (chiếm khoảng 14% tổng nợ của châu lục). Đáng nói, lượng người Trung Quốc làm việc trong các dự án ở châu Phi đã ngày càng tăng lên và chiến lược thực sự của Bắc Kinh vẫn là đưa người Trung Quốc ra khắp nơi trên thế giới.

Sự đầu tư của Trung Quốc tại châu Phi trước mắt vẫn là hướng đến việc khai thác tài nguyên thiên nhiên ở Châu Phi. Với nhu cầu khổng lồ của thị trường tỷ dân, khai thác dầu mỏ ở châu Phi sẽ giúp Trung Quốc có lợi thế cực lớn.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/phuong-tay-tich-cuc-dao-xuc-hut-o-chau-phi-3374249/