Phương thức PPP 'đang bị ế', chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư

Đây là nhận định của bà Vũ Quỳnh Lê, đại diện Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Theo đó, phương thức hợp tác công-tư là một hình thức đầu tư khó, cần sự tổng hòa giữa các bên liên quan, vì vậy chưa thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia.

Tại Tọa đàm “Tìm kiếm phương thức hợp tác công-tư (PPP) hiệu quả trong các dự án xây dựng và vận hành đường cao tốc theo mô hình BOT tại Việt Nam” tổ chức ngày 21/6, các chuyên gia đã chỉ ra những vướng mắc trong Luật đầu tư theo phương thức đối tác công-tư ( Luật PPP) chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư, mặc dù tiềm năng việc thu hút nguồn tài chính tư trong xây dựng cải thiện cơ sở hạ tầng là rất lớn.

Mở đầu Tọa đàm, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VIAC, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: “Theo các Báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á, hợp tác công tư theo mô hình BOT trong lĩnh vực hạ tầng giao thông hiện là mô hình được dùng nhiều nhất tại Châu Á, chiếm gần 46% trong số hợp đồng đối tác công – tư. BOT trong xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông mang tiềm năng lớn trong việc thu hút nguồn tài chính từ việc xây dựng cải thiện cơ sở hạ tầng”.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VIAC, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VIAC, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Trong khi đó, đánh giá về hiệu quả của phương thức hợp tác công tư trong các dự án xây dựng và vận hành đường cao tốc theo mô hình BOT tại Việt Nam, PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho biết: "Việc áp dụng mô hình hình đầu tư PPP với việc nhiều công trình được đầu tư theo phương thức này đã khắc phục được 3 “căn bệnh nan y” của đầu tư công là: chậm tiến độ, đội vốn và chất lượng công trình".

Bên cạnh đó, PGS.TS Trần Chủng cũng chỉ ra nghịch lý rằng mặc dù phương thức đầu tư PPP đã thực sự mang lại hiệu quả nhưng từ 2016 tới nay, rất ít hợp đồng dự án theo phương thức này được ký kết.

Ông cho rằng, một số trở ngại khiến cho hình thức hợp tác công-tư vẫn chưa phổ biến đó là: Thiếu đi bình đẳng giữa Nhà nước và nhà đầu tư trong hợp đồng PPP; bài toán ngân sách; giải phóng mặt bằng; đa dạng hóa các hình thức hợp đồng PPP; áp dụng tiến bộ khoa học hướng tới phát triển bền vững.

PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI). Ảnh: BTC.

Phân tích thêm về vấn đề này, PGS. TS Dương Đăng Huệ, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế Bộ Tư pháp cho rằng, do vẫn còn những vướng mắc, chồng chéo trong Luật đầu tư theo phương thức đối tác công-tư nên đã gây ra không ít khó khăn cho các nhà đầu tư.

PGS. TS Dương Đăng Huệ chỉ ra 4 hạn chế trong Luật gồm: Tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong quy định của Luật PPP và các văn bản hướng dẫn thi hành; Cơ quan ký hợp đồng lạm dụng vị thế, quyền lực của mình để ép nhà đầu tư chấp nhận yêu cầu của mình; Luật PPP và các văn bản hướng dẫn thi hành còn nhiều quy định không cụ thể, đầy đủ, rõ ràng; Một số quy định trong pháp luật PPP không đảm bảo sự bình đẳng giữa các bên, gây bất lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.

Nhìn từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Dũng, Phó Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Đèo Cả chỉ ra một số điểm chưa rõ ràng trong Luật PPP như: Khoản 1 Điều 44 Luật PPP chỉ cho phép doanh nghiệp dự án thực hiện duy nhất hoạt động đầu tư dự án là chưa phù hợp; hay chưa quy định mức độ nghiêm trọng trong vi phạm hợp đồng khi một trong các bên liên quan chấm dứt hợp đồng. Chính vì những quy định chưa rõ ràng của Luật dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau và gây ra những vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Tiếp thu các ý kiến đóng góp của chuyên gia và doanh nghiệp, bà Vũ Quỳnh Lê, đại diện Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ: "Hợp tác công-tư là khu vực công chỉ làm những gì pháp luật cho phép, khác hẳn với khu vực tư là được làm tất cả những gì pháp luật không cấm, tuy nhiên chúng ta phải có những hành lang đảm bảo tính giải trình".

"PPP phải là một hệ sinh thái thì mới có được những thỏa thuận đầu tư mà tất cả các bên trong mối quan hệ đó cùng cười. Đây là một nội dung rất khó và không phải nước nào trên thế giới cũng thành công chính vì vậy phương thức hợp tác công tư này đang bị ế", bà Vũ Quỳnh Lê đánh giá.

"Con đường hợp tác công-tư này là đúng đắn chỉ có điều nếu các bên liên quan hiểu nhau hơn thì sẽ đi được đến đích".

Vũ Quỳnh Lê, Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Bà cũng đưa ra một số dẫn chứng trong việc hình thức PPP đang dần "thoát ế" như việc áp dụng phương thức PPP trong các dự án Cảng hàng không Sa Pa, Cảng hàng không Phan Thiết hay Cảng hàng không Quảng Trị. Về đường bộ, dự án Vành đai 4 cũng được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư theo hình thức PPP.

Trong chương trình tọa đàm, chia sẻ từ phía các doanh nghiệp nước ngoài, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Châu Âu (Eurocham) cho biết: "2 năm gần đây các doanh nghiệp Châu Âu đã tiến hành đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở Việt Nam nhưng không đạt kết quả, do vậy, các doanh nghiệp này mong muốn Chính phủ sẽ đẩy mạnh hơn nữa hình thức đầu tư PPP cũng như có những chính sách pháp lý rõ ràng để nhà đầu tư nước ngoài được tham gia vào việc đầu tư cơ sở hạ tầng tại Việt Nam".

Thảo Ngân

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/phuong-thuc-ppp-dang-bi-e-chua-thu-hut-duoc-nhieu-nha-dau-tu-post7732.html