Phương thuốc trợ lực

Hội nghị quốc tế về hỗ trợ châu Phi phục hồi sau đại dịch, do Pháp chủ trì, thu hút sự tham dự của khoảng 30 nhà lãnh đạo châu Phi, châu Âu và lãnh đạo các tổ chức tài chính quốc tế. Với mục tiêu tăng khoản hỗ trợ lên 100 tỷ USD và cải thiện khả năng tiếp cận vắc-xin ngừa Covid-19 cho châu Phi, cộng đồng quốc tế nỗ lực giúp 'lục địa đen' vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Hội nghị quốc tế về hỗ trợ châu Phi phục hồi sau đại dịch, do Pháp chủ trì, thu hút sự tham dự của khoảng 30 nhà lãnh đạo châu Phi, châu Âu và lãnh đạo các tổ chức tài chính quốc tế. Với mục tiêu tăng khoản hỗ trợ lên 100 tỷ USD và cải thiện khả năng tiếp cận vắc-xin ngừa Covid-19 cho châu Phi, cộng đồng quốc tế nỗ lực giúp "lục địa đen" vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Châu Phi đang gặp nhiều khó khăn, với dự báo thâm hụt ngân sách khổng lồ vào cuối năm 2023, trong khi phải nỗ lực vực dậy nền kinh tế bị tác động nặng nề do đại dịch. Trong bối cảnh ấy, trọng tâm của hội nghị tại Pa-ri là tìm ra "phương thuốc trợ lực" cho các nền kinh tế châu Phi. Hội nghị đã nỗ lực thuyết phục các nước giàu phân bổ lại 650 tỷ USD thuộc quyền rút vốn đặc biệt (SDRs) đối với những khoản dự trữ tiền tệ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong đó có 100 tỷ USD dành cho các nước châu Phi trước tháng 10 tới. Tổng thống Pháp Ê.Ma-crông đề xuất các chính phủ cân nhắc cách thức có thể sử dụng nguồn dự trữ vàng tại IMF để xóa bỏ tâm lý do dự của một số nước trong việc phân bổ lại SDRs cho các nước châu Phi.

Số ca mắc Covid-19 ở châu Phi không nhiều so với các châu lục khác, song nền kinh tế châu lục này lại thiệt hại nặng nề do đại dịch. IMF cảnh báo, châu Phi phải đối mặt khoản thâm hụt lên tới gần 300 tỷ USD vào cuối năm 2023, cản trở nỗ lực hồi phục và phát triển của lục địa. Dự báo, tăng trưởng kinh tế của các nước châu Phi chỉ ở mức 3,2% trong năm nay, thấp hơn nhiều so mức 6% của các nước ở khu vực khác. Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển châu Phi ước tính, có khoảng 39 triệu người dân châu Phi rơi vào đói nghèo trong năm nay. Nhằm giúp châu Phi xử lý "núi nợ", lãnh đạo các nước phát triển đã cam kết giúp châu lục này vượt qua dịch bệnh thông qua "Thỏa thuận mới do châu Phi và vì châu Phi", hướng tới hỗ trợ các nước trong khu vực phục hồi kinh tế, bảo đảm quyền tiếp cận vắc-xin ngừa Covid-19 công bằng, cũng như an toàn y tế.

Trước thực trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vắc-xin tại châu Phi hiện nay, Tổng thống Pháp tuyên bố mục tiêu tham vọng rằng, 40% dân số châu Phi sẽ được tiêm chủng ngừa Covid-19 trước cuối năm nay. Người đứng đầu Ðiện Ê-li-dê nêu rõ, các nước đang yêu cầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Quỹ Sáng chế dược phẩm chung (Medicines Patent Pool - MPP) dỡ bỏ rào cản về quyền sở hữu trí tuệ vốn được xem là yếu tố ảnh hưởng đến việc sản xuất một số loại vắc-xin. Nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện khả năng tiếp cận vắc-xin ngừa Covid-19 của các quốc gia châu Phi, Tổng thống Kê-ni-a U.Kê-ni-át-ta cho rằng, các giải pháp tài chính sáng tạo cần tập trung vào khu vực tư nhân, bao gồm việc đưa ra các công cụ tài chính do lĩnh vực tư nhân hỗ trợ như trái phiếu xanh, hỗ trợ phát hành các công cụ tiền tệ địa phương, cơ cấu các khoản bảo lãnh để giảm chi phí tài chính và phát triển, cũng như tăng cường các cơ hội hợp tác công - tư. Ông đồng thời ca ngợi những nỗ lực của các đối tác trong việc hỗ trợ châu Phi giảm tác động tiêu cực từ đại dịch.

Ðể không bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phục hồi sau đại dịch, châu Phi cần gói tài chính đáng kể để chi cho các biện pháp kích thích kinh tế. Ðiều này đòi hỏi những nỗ lực phối hợp quốc tế. Cảnh báo tốc độ tiêm vắc-xin chậm tại châu Phi sẽ gây ra những hậu quả về kinh tế, Tổng Giám đốc IMF C.Gioóc-giê-va nhấn mạnh, nếu không thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng y tế thì các nước cũng không có lối thoát bền vững cho khủng hoảng kinh tế. IMF đang xem xét một đề xuất kêu gọi thành lập quỹ hỗ trợ thanh khoản trị giá 30 tỷ USD nhằm giúp các nền kinh tế châu Phi phục hồi sau đại dịch. Quỹ này sẽ cung cấp cho nguồn vốn lãi suất thấp để các nước châu Phi thanh toán các khoản vay. IMF cũng xem xét đề xuất thiết lập một quỹ khác, trị giá 100 tỷ USD, nhằm giúp giảm nghèo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; ngoài ra, IMF dự kiến phân bổ 10 tỷ USD cho các chương trình tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 tại châu lục này.

Xuất phát từ mối quan hệ gắn bó lịch sử với châu Phi, Pháp đang thúc đẩy nỗ lực giúp châu lục giải quyết các khó khăn do đại dịch. Một châu Phi ổn định và phát triển sẽ giúp Pháp duy trì được các lợi ích quan trọng và nâng tầm ảnh hưởng ở đây. Tạo điều kiện thuận lợi cho các nước châu Phi kém phát triển hội nhập nền kinh tế khu vực và toàn cầu là một trong những nhân tố quan trọng góp phần vào sự ổn định của châu lục, đồng thời tác động tích cực tới mối quan hệ lợi ích giữa Pháp và châu Phi.

HÀ LÂM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/phuong-thuoc-tro-luc-646840/