Phút sinh tử đối mặt cướp biển, cá mập của 'thánh phượt' người Việt duy nhất vượt Thái Bình Dương bằng bè tre

Trong hành trình sử dụng bè tre vượt hơn 5.500 hải lý (tương đương gần 11.000km) từ Hồng Kông (Trung Quốc) tới Mỹ, đoàn thám hiểm Quốc tế đã gặp 4 trận bão, 2 lần bị cướp biển tấn công, nhiều lần bị cá mập 'bủa vây'… Bằng kiến thức, kinh nghiệm của các thành viên đoàn cùng với chút may mắn, chiếc bè đã đưa 7 nhà thám hiểm tới Mỹ an toàn, hoàn thành cuộc hành trình vượt Thái Bình Dương đi vào lịch sử thám hiểm thế giới.

Khát vọng từ tên bè “Từ Phúc”

Trong cuộc trò chuyện, khi chúng tôi thắc mắc vì sao chiếc bè tre Sầm Sơn đưa 7 nhà thám hiểm vượt Thái Bình Dương lại mang tên “Từ Phúc”, ông Lợi giải đáp là do ông Tim Severin – Bè trưởng tự đặt. Cái tên “Từ Phúc” được ông Tim Severin đặt cho chiếc bè là lấy cảm hứng từ điển tích Từ Phúc nhận lệnh Tần Thủy Hoàng (Trung Quốc) lái thuyền đi tìm Bồng Lai Đảo.

Ngày 16/3/1993, sau hơn 4 tháng gấp rút thi công, chiếc bè tre mang tên “Từ Phúc” được đoàn thám hiểm và chính quyền địa phương làm lễ hạ thủy tại đền Độc Cước, (TP.Sầm Sơn ngày nay) trước sự chứng kiến của đông đảo người dân địa phương.

Sau khi làm lễ hạ thủy, chiếc bè tre được một con tàu khác kéo ra tỉnh Quảng Ninh để lắp buồm. Cột buồm được làm từ những cây gỗ quý, cứng và chịu được nước mặn, còn cánh buồm được làm từ vải xô khâu bằng tay. Chiếc bè tre “Từ Phúc” được điều khiển bằng 3 cánh buồm, 1 cánh phía trước mũi, 2 cánh phía sau.

Từ Quảng Ninh, tháng 4/1993, bè tre được đưa lên tàu chở sang Hồng Kông. Đến tháng 5/1993, chiếc bè tre được treo hai quốc kỳ của Việt Nam và Iceland đã đưa các nhà thám hiểm Quốc tế bắt đầu khởi hành từ Hồng Kông vượt Thái Bình Dương tới Mỹ. Trong chuyến đi này, ông Lợi được giao nhiệm vụ lái chính và phụ trách kỹ thuật, đảm bảo an toàn cho bè. Đoàn thám hiểm có 7 người tham gia gồm: Tim Severin, Joe Beynon, Rex Warner và Trondur Patursson (người Anh), ông Lương Viết Lợi, bà Nina Kojima người Nhật Bản và anh Mark Reynolds người Hồng Kông. Ông Tim Severin là bè trưởng, ông Lương Viết Lợi là bè phó kiêm lái chính, những người còn lại được phân công nhiệm vụ hỗ trợ bè trưởng và bè phó trong công tác lái bè, hậu cần, ghi chép... Nhưng đến Nhật Bản, vì lý do sức khỏe, chị Nina và anh Mark phải ở lại.

Theo ông Lợi, trước khi xuất phát, ông Tim Severin và các thành viên đoàn đã chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men... đầy đủ cho chuyển hành trình. Ngoài ra, để hỗ trợ gia đình, ông Tim Severin đã ứng trước số tiền 1.200 USD cho vợ ông Lợi lo cuộc sống để “phượt thủ” yên tâm giúp mình lái bè tre vượt Thái Bình Dương.

Trong quá trình kể chuyện, thỉnh thoảng ông Lợi lại tạm dừng rồi nhấp ngụm nước chè xanh và chỉ tay lên bức tường nhà. Ở đó có một tấm bản đồ in trên vải màu trắng, trong đó tái hiện lại hành trình từ Hồng Kông – Mỹ của đoàn thám hiểm trên chiếc bè tre Sầm Sơn. Tấm bản đồ được ông Lợi treo vào chỗ trang trọng nhất trong căn nhà và coi như đó là bảo vật của gia đình.

Trong cuốn sách “Bè tre Việt Nam du ký” của Tim Severin do Nguyễn Thái Bình và Vũ Diệu Linh dịch với nội dung: "Tôi đã chú ý đến anh ta (ông Lương Viết Lợi- PV) ngay ngày đầu tiên đến Sầm Sơn vì anh ta trông giống như mafia từ trong phim Ý bước ra... Anh ta là một người thợ tuyệt vời, một mình cũng đủ để làm việc nhịp nhàng theo kịp với đội buộc mảng... Giờ đây, qua việc anh tham gia chạy mảng thí nghiệm, tôi còn nhận ra rằng anh là một người thủy thủ rất có năng lực, rất linh hoạt và rất nhiệt tình trong công việc. Nhìn Lợi di chuyển thoăn thoắt trên mảng thí nghiệm, điều chỉnh những cánh buồm, thắt dây thừng và dùng vồ gỗ cùng những cây đục siết chặt các mối ghép, tôi tin rằng mình đã tìm được đúng thành viên người Việt cho thủy thủ đoàn".

Hai lần bị cướp biển tấn công

Ông Lợi chia sẻ, dù là bè tre, nhưng lại được thiết kế rất khoa học, trên bè, có đầy đủ phòng ngủ, phòng ăn, ca bin, phòng làm việc. 500 cây luồng được xếp thành 3 lớp, dù bão trên cấp 12 vẫn chịu được vì khác với thuyền, bè được kết bằng những cây luồng khi sóng đánh nó thoát nước nên không bị chìm. Ngoài ra, những cánh buồm của chiếc bè có thể xếp lại khi gặp bão nên không bị rách trong suốt hành trình.

Dù Tim Severin và các thành viên đoàn đã chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nhưng trong quá trình di chuyển, ông Lợi cũng sử dụng các dụng cụ tự chế như lao (cây tre đầu vót nhọn), cung tên để săn bắt cá phục vụ cho các thành viên đoàn. Có lần, ông Lợi còn đánh được những con cá ngừ đại dương gần 10kg. Họ cùng nhau chế biến, ăn uống trên bè giữa trời trăng sáng. Đó là kỷ niệm đẹp với những người bạn khác quốc gia, ngôn ngữ trong cuộc đời mà “phượt thủ” Lợi không bao giờ quên. Để đảm bảo sức khỏe cho chuyến hành trình dài hơn nửa năm, ông Tim Severin đã lên lịch sinh hoạt, trực bè rất khoa học với các thành viên đoàn. Vào ban đêm, mỗi người được ngủ 2 tiếng đồng hồ, mỗi ca ngủ thường 2 người. Những người thức có nhiệm vụ lái bè, chú ý quan sát thời tiết và trên mặt biển để tránh bè va chạm với tàu thuyền di chuyển qua.

Dù sắp xếp rất khoa học, nhưng theo ông Lợi, trong suốt hành trình, ít nhất 2 lần chiếc bè tre suýt đâm phải tàu vận tải nước ngoài. Có lần, ông Lợi đang nằm ngủ, được ông Tim Severin gọi dậy, bẻ lái buồm tránh khỏi đâm vào tàu khác trong gang tấc.

Vào ngày đẹp trời, lặng gió, đoàn thám hiểm thu buồm thả cho bè tre trôi tự nhiên trên mặt biển để tán chuyện và tận hưởng cảnh trời lúc bình minh. Bỗng có đàn cá mập (khoảng 10 con) từ đâu kéo tới vây quanh chiếc bè với mục đích tấn công “vật thể lạ”. Với kinh nghiệm và sự dày dạn của trưởng đoàn thám hiểm Tim Severin và ngư dân Lương Viết Lợi, họ đã xua đuổi đàn cá rời xa chiếc bè.

Ông Lợi nhớ lại, trong suốt hành trình vượt Thái Bình Dương, đoàn thám hiểm 2 lần bị cướp biển tấn công. Khi chiếc bè rời biển Nhật Bản tới hải phận Quốc tế, lúc đó thời tiết khá đẹp, lặng gió, bỗng có một chiếc tàu bằng gỗ đuổi theo, áp sát mạn bè. Khi bè giảm tốc độ thì có hàng chục tên cướp biển không rõ quốc tịch nhảy lên, gí súng vào đầu một số thành viên đoàn để cướp tài sản. Khi nghe Trưởng đoàn Tim Severin và các thành viên trình bày họ đang dùng bè tre vượt Thái Bình Dương thám hiểm để phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học nên không có tài sản, sau một hồi kiểm tra, lục lọi không tìm được tài sản có giá trị nên bọn chúng đành bỏ đi. Sau khi toán cướp rút đi khoảng 1 giờ đồng hồ, đoàn chưa kịp hoàn hồn thì toán cướp thứ hai lại xuất hiện. Cũng giống như lần trước, chúng dùng vũ khí đe dọa, nhưng kiểm tra mọi người và trên bè không có tài sản đáng giá nên chúng cũng rời đi.

Hành trình từ Hồng Kông tới Mỹ kéo dài hơn 6 tháng, đoàn cũng đã gặp 4 trận bão lớn. Trong đó, một trận bão lớn nhất khiến 1 chiếc cột buồm bị gãy, đập vào người ông Tim Severin khiến vị bè trưởng gãy 2 chiếc xương sườn. Chiếc bè cũng bị hư hỏng do bão khi bung 3 cây tre bên mạn trái. Nhưng với kinh nghiệm của ông Lợi, sự cố trên đã được khắc phục nhanh chóng để đoàn tiếp tục hành trình. Cuối năm 1993, khi đoàn cách đất liền của Mỹ khoảng 1.000 hải lý thì đoàn gặp tàu tuần tra của nước này. Qua trao đổi với cơ quan khí tượng, đoàn được biết tại khu vực bè dự kiến đi qua sẽ có một trận siêu bão. Sau khi bàn bạc, cả đoàn quyết định bỏ bè tre, lên tàu hàng của Mỹ đưa vào bờ, kết thúc hành trình dài hơn 5.500 hải lý vượt Thái Bình Dương.

Còn tiếp…

Xuân Chinh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/phut-sinh-tu-doi-mat-cuop-bien-ca-map-cua-thanh-phuot-nguoi-viet-duy-nhat-vuot-thai-binh-duong-bang-be-tre-a428842.html