Pierre Pasquier và góc nhìn khác lạ về An Nam thời xưa

Có không ít tác phẩm của các Toàn quyền Đông Dương viết về An Nam, nhưng 'An Nam thời xưa' của Pierre Pasquier vẫn là một trong những ghi chép đáng nhớ, không chỉ vì thứ văn xuôi nên thơ, mà còn là bởi quan điểm coi trọng vùng đất vốn bị đánh giá là mông muội này.

Những nghiên cứu toàn diện

12 chủ điểm trong cuốn sách, ra mắt vào năm 1929 này, là 12 diễn thuyết mà viên Toàn quyền đã từng trình bày ở Phòng Thương mại Marseille và Hội Địa lý nhân Triển lãm thuộc địa 1906. Trong đó tác giả đã chắt lọc lại để tái hiện cấu trúc bộ máy nhà nước, từ nhỏ nhất là gia đình, cho đến làng, xã, huyện, phủ, tỉnh và cả đất nước. Từ đó ông đã thâm nhập vào một dân tộc có văn minh riêng, có những quan niệm đặc thù cũng như rất nhiều vấn đề vẫn luôn tồn tại trong mỗi tập hợp con người. Vì vậy có thể coi đây là bản phác thảo chung nhất về vương quốc An Nam trong giai đoạn không có người Pháp.

Như Pasquier trần tình: “Cuốn sách này được tạo ra không gì khác hơn là làm cho công chúng hiểu biết về thể chế của xứ An Nam xa xôi, và cố gắng vén lên góc màn che giấu một phần tâm thức tinh tế của dân tộc An Nam vốn khác biệt biết bao so với chúng ta”. Thường trực ở đó là một giọng kể trung dung, đơn tính, không mang quá nhiều sắc thái nhưng lại chứa đựng rất nhiều quan sát tỉ mỉ, những chuyện mắt thấy tai nghe cũng như truyền thống truyền miệng.

P. Pasquier chụp với Hoàng đế Bảo Đại tại Hà Nội. Ảnh bìa Illustration số 4740, ngày 6.1.1934.

Phân nửa thời lượng của cuốn sách này là nói về bộ máy hành chính. Ngay từ rất sớm, tác giả đã thấy được gia đình là nền tảng cấu trúc xã hội, nơi tôn giáo trở thành yếu tố cấu thành gia đình, và những người cha có được vai trò quan trọng, khi mang theo mình một tư cách kép: vừa là chủ lễ lại cũng đồng thời là chủ gia đình. Từ đó Pasquier mở rộng khám phá tục lệ thờ cúng tổ tiên, vai trò của người phụ nữ, phong tục tang ma, cưới hỏi, ly hôn… cũng như rất nhiều điều khác xoay quanh gia đình, chế độ phụ hệ.

Phát triển lên từ gia đình là làng, xã - bộ phận vốn được sinh ra từ sáng kiến tự do, mang tính tự phát của một cá nhân, và rồi trở thành một phần đất nước. Cũng như gia đình, Pasquier thấy được yếu tố tôn giáo đóng một vai trò quan trọng trong việc kết nối cư dân, khi người chung làng cũng thờ cúng chung các bậc tiền nhân lập làng. Sau đó ông đi sâu vào người dân của làng, gồm người nội tịch cũng như ngoại tịch, cách các cư dân giao tiếp với triều đình và ngược lại, thông qua những vị hương chức, lý trưởng và cai tổng đã được bầu chọn.

Điều này rồi cũng áp dụng với các vị vua, khi Pasquier nhận thấy những vị hoàng đế dù là lên ngôi hay bị phế truất thì cũng đều theo chỉ một con đường, là quyền tối thượng thuộc về dân chúng. Tại đây ông cũng bàn về văn ban, võ ban, và bất ngờ trước cách mà các nhà làm luật đã cẩn thận xác định quyền hạn của các vị tướng quân sự, khi luôn đặt họ trong vòng quyền lực của các quan văn.

Ông cũng thấy được đặc điểm trung ương tập quyền, và so sánh nó với những tỉnh cũ của Pháp dưới triều Louis XIV. Như vậy dù cho nhà vua nắm quyền cao nhất, thế nhưng bằng sự tự do làng xã và quyền tối thượng thuộc về dân chủ, mà tuy mang tiếng quân chủ chuyên chế nhưng xứ An Nam lại rất tự do.

Phần còn lại bàn sâu hơn về luật lệ, trình tự tố tụng và các thứ thuế - thuế thân, thuế điền và các thuế khác. Tại đây tác giả đã rất tâm huyết chuyển ngữ bài mở đầu của vua Gia Long viết cho Hoàng Việt luật lệ. Ông cũng nhận thấy những điểm chủ chốt, chẳng hạn như dẫu tôn vinh hay là trừng phạt, thì luật An Nam đều hướng về sự phát triển nông nghiệp. Ví như hình phạt khá cao là lưu đày, xét cho đến cùng cũng là đày ải ai đó đến vùng đất khác, từ đó có sự trao đổi văn hóa, lập các làng mới. Pasquier cũng nhận ra luật An Nam mang tính hình sự, bởi những tranh chấp dân sự đã được giải quyết thường bằng hòa giải mà không cần đến pháp luật.

Phần cuối sẽ nói sâu hơn về các công trình giao thông, kiến trúc cũng như văn thơ. Pasquier đã không ngần ngại so sánh người dân An Nam như người Hà Lan nổi tiếng với các công trình thủy lợi, dù trong trạng thái thiếu vắng công nghệ và các thiết bị hiện đại. Không chỉ Hà Lan, ông cũng cho rằng nếu người An Nam vì một nguyên nhân nào đó mà bị tuyệt diệt, thì những khai quật với đê, đường, cầu, cống… sẽ không kém cạnh La Mã cổ đại. Còn về văn chương, Pasquier cũng đã nhắc đến những áng văn lớn, từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du cho đến vua Minh Mạng… Đó cũng là kho tàng ca dao tục ngữ phong phú, và so sánh họ với các tác giả - triết gia Tây phương nổi tiếng, như Homer, Zenon và còn nhiều nữa.

Pierre Pasquier và phái đoàn Pháp đến viếng tang lễ vua Khải Định tại điện Càn Thành. Nguồn: manhhaiflickr

Góc nhìn tôn trọng

Khác nhiều tác phẩm mang theo góc nhìn trịch thượng, bề trên, trong An Nam thời xưa, đã không ít lần Pasquier dành cái nhìn ấn tượng đối với những gì người An Nam làm được. Có thể vì đã trù tính được điều này, mà trong phần mở đầu sách ông đã rào trước: “Tuy nhiên, nếu qua những trang sách này, người ta ra sức buộc tội tôi ‘bênh vực cho người An Nam’, thì tôi sẽ phải bào chữa bằng câu nói của ngài Montesquieu: Khi tôi du hành đến những xứ sở xa lạ, tôi gắn bó với nơi ấy như với quê nhà tôi, tôi là một phần trong vận mệnh của họ, và tôi cầu mong rằng họ đạt đến cảnh giới thịnh vượng”. Ông cũng không quên nhắc đến câu thành ngữ “nhập giang tùy khúc, nhập gia tùy tục”.

Sở dĩ nói trước điều đó vì ông đã không ngần ngại chỉ ra cái hay của xứ sở này, cũng như những sự hạn chế của quê hương mình. Chẳng hạn ông đã cho rằng người An Nam không đi theo hướng phân chia quyền lực. Quan chức An Nam hiếm khi lên chức là một điều tốt, vì nó không khiến công việc bị chậm trễ, thậm chí thụt lùi vì sự thay đổi nhân sự một cách liên tục. Và như đã nói, dù là đi theo mô hình tập quyền, nhưng sự tự do vẫn luôn hiện diện ngay trong xã hội. Sự phân chia này cũng được ông thấy ưu điểm rồi so sánh nó với hệ thống điện báo của đất nước mình, khi chỉ bằng cách tổ chức bộ máy hành chính hợp lý, những người đưa thư có ở khắp nơi có thể truyền tin trong thời gian ngắn, hơn cả công nghệ tiên tiến mà nơi mẫu quốc vốn luôn tự hào.

Bìa sách An Nam thời xưa. Ảnh: Minh Anh

Ông cũng nhìn thấy được tận gốc rễ của tinh thần Việt, trong cả quân sự cũng như giáo dục. Chẳng hạn ông đã nói rằng không nên coi thường quân sự An Nam, vì dù Khổng giáo và sự lệ thuộc vào Trung Hoa, Phật giáo tạo ra tâm lý tránh sự tranh đấu, nhưng dân tộc này vẫn luôn hiểu quy luật quân sự vĩ đại chi phối tất cả, đó là chiến thắng thuộc về phe nào sở hữu khí thế, tinh thần mạnh nhất. Về mặt phẩm chất, Pasquier cũng ca ngợi người An Nam kiên trì, linh hoạt, chủ động, dễ bảo và hơn hết là có một lòng yêu nước vô cùng nồng nàn.

Vì vậy ông đã nhìn nhận hành động chiếm được Bắc Kỳ của Francis Garnier khi xưa không chỉ đơn thuần vì sức mạnh quân sự, mà còn may mắn bởi nhiều yếu tố góp phần chi phối. Ông cũng dự đoán cho một thất bại sau này của quân xâm lăng từ đầu thế kỷ 19: “Một ngày nào đó, xứ Đông Dương sẽ bảo đảm sự tự bảo vệ bằng những cách riêng, và khi xem nhân lực quân đội bản địa của chúng ta, ta thậm chí có thể dự đoán rằng thời hạn này sẽ không còn quá xa. Tất cả điều này đều tốt, tất cả điều này đều không thể tránh khỏi. Vì vậy hãy cho phép tôi được hối tiếc về những bộ đồng phục đẹp bằng lụa gấm, những đóa hoa ‘mộc xích’ tinh tế và những đóa cúc viền quanh cổ áo cận vệ triều đình, những vị quan khâm sai tỏa sáng và tuyệt vời, cũng như tất cả những trang trí cổ đang rơi ra từng mảnh để ta mơ mộng và ngạc nhiên.”

Trong những trang viết, ông cũng đã không ít lần ca ngợi trí thức và giới Nho sĩ, từ đó cho rằng chỉ có thể áp đặt dân tộc này bằng trí tuệ, tài năng và tính ngay thẳng. Cỗ máy vũ lực, sự phô trương các lực lượng quân nhân sẽ không tạo được tác động, mà chỉ còn đó là sự nhạo báng mà họ nhận lại. Bên cạnh suy tư cũng như trần thuật, Pasquier cũng cho thấy văn phong bay bổng, đậm tính cá nhân, khi ông kể lại trải nghiệm của mình ở nhiều vùng đất khác nhau, tại nhiều công trình khác nhau, khi được gặp gỡ và tiếp xúc với những yếu nhân của một thời đoạn.

Từ đó có thể nói rằng An Nam thời xưa là một tác phẩm giúp ta du hành ngược về thời gian của đầu thế kỷ 20, nhìn lại An Nam trước khi Pháp quốc tiến hành bành trướng. Ở đó tất cả ưu việt của một bộ máy dù truyền thống nhưng đầy dân chủ đã được hiện lên, qua ngòi bút thâm trầm, cẩn trọng của Pasquier. Để qua đó, chân dung một vị Toàn quyền mong muốn thúc đẩy bình quyền, giao lưu tri thức, hạn chế vũ lực đã được đưa ra phía trước ánh sáng. Đây là tác phẩm cho thấy một góc nhìn khác từ phía bên kia quan điểm, của những người Pháp vốn luôn đề cao giá trị tự do, bình đẳng, bác ái.

Minh Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/pierre-pasquier-va-goc-nhin-khac-la-ve-an-nam-thoi-xua-41419.html