Pò Hèn - Bản hùng ca bất khuất

Tháng hai ra biên ải, sương mù đặc quấn quýt quanh đỉnh núi Pò Hèn như một vành khăn trắng. 40 năm qua, từ ngày 32 chiến sĩ biên phòng Đồn 209 Pò Hèn hy sinh trong trận chiến bảo vệ biên giới sáng ngày 27-2-1979, mùi nhang thơm tưởng nhớ đồng đội trở thành quá quen thuộc ở nơi này. 40 năm, cũng là thời điểm để Bộ Tư lệnh BĐBP cùng với tỉnh Quảng Ninh tu sửa, chỉnh trang lại di tích trên đồi Quế năm xưa, để bản anh hùng ca được trọn vẹn, sống mãi trong tưởng niệm.

Cụm tượng đài “Vòng tay đồng đội” trong Khu di tích lịch sử Pò Hèn. Ảnh: TTH

Khu di tích lịch sử Pò Hèn nằm trên đồi Quế, vị trí trước đây là doanh trại Đồn 209 Công an nhân dân vũ trang (nay là Đồn Biên phòng Pò Hèn) gần sát đường biên giới. Xã Pò Hèn lúc đó là xã biên giới chỉ độ hơn 1 ngàn người dân cư trú, thêm một lâm trường, vài cửa hàng thương nghiệp. Và con đường từ Móng Cái đi dọc sông Ka Long lên Pò Hèn là con đường huyết mạch. Lịch sử tỉnh Quảng Ninh ghi lại, Đồn 209 Pò Hèn vào những năm 1977 - 1979 là đơn vị dẫn đầu thành tích lao động sản xuất lương thực, thực phẩm, mỗi vụ thu hoạch hàng tấn thóc, rau xanh.

Năm 1978, tình hình biên giới bắt đầu căng thẳng. Có lần đoàn xe chở lương thực thực phẩm từ tỉnh Quảng Ninh ra Pò Hèn bị phục kích ở đoạn đường gần đồi Quế. Đại đội cơ động và chiến sĩ Đồn Pò Hèn triển khai đội hình hỏa lực mạnh, bắn thẳng vào đội hình địch, nhiều lần mở thông lại tuyến đường huyết mạch này.

Toàn tuyến biên giới Quảng Ninh có 6 đồn biên phòng, 5 trạm cửa khẩu và 5 trạm lẻ đã phải bố trí thêm nhiều chốt, cụm chiến đấu kèm với phương án phòng thủ riêng. Đại đội 6 cơ động được thành lập vào tháng 3-1978 đóng tại đây trong khi các đơn vị được lệnh sẵn sàng chiến đấu, vừa huấn luyện vừa phòng thủ nghiêm ngặt. Trước đó, đơn vị triển khai phương án huấn luyện cấp Bộ tư lệnh.

Như vậy có thể khẳng định, Đồn 209 Pò Hèn vào thời điểm lịch sử là đội quân tinh nhuệ, trang bị đủ vũ khí phòng vệ, được huấn luyện và kiên định một ý chí. Đầu tháng 2-1979, đối phương triển khai lực lượng và vũ khí tập kết sát biên giới hướng thẳng vị trí Đồn Pò Hèn của ta.

Ngày 13-2-1979, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang ra lệnh báo động cấp một, đồng thời cử cán bộ tham mưu tới Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang Quảng Ninh và các tỉnh trên toàn tuyến biên giới Việt - Trung truyền đạt mệnh lệnh sẵn sàng chiến đấu. Pò Hèn cùng với toàn bộ các đồn biên phòng từ Móng Cái tới Điện Biên là những chốt chặn biên cương, không bất ngờ bị tấn công mà trên thực tế đã kiên cường bám trụ vị trí, sẵn sàng đáp trả hỏa lực mạnh của địch, một tấc không lui, một ly không rời.

Vì vậy trên đỉnh đồi Quế, cuộc chiến phòng vệ của Đồn Pò Hèn và 3 điểm chốt chống đỡ lớp lớp quân đối phương ào lên đã trở thành khúc bi tráng. Các chiến sĩ biên phòng bình tĩnh, quyết đoán, chờ quân địch tiến sát hàng rào dây thép gai của đồn mới nổ súng. 4 lần địch dàn hàng ngay xông lên, 4 lần đều bị đánh hất xuống. Một toán địch cùng với chó chiến đấu mở đường máu xông vào cổng đồn thì quân ta đánh bọc sườn. Binh nhì Nguyễn Mạnh Hà, xạ thủ đại liên, 3 lần địch ồ ạt xông lên chốt đều bị anh kìm lại bằng hỏa lực, tiêu diệt hơn 40 tên. Khi bị địch dùng B41 bắn văng khẩu đại liên, Hà nhảy lên khỏi mặt hào, kéo khẩu đại liên trở lại vị trí cũ và tiếp tục chiến đấu cho đến khi hy sinh cùng nhiều đồng đội khác...

Trong một canh giờ, một ngày của mùa xuân đất trời, linh hồn các chiến sĩ ta mãi mãi nằm lại ở Pò Hèn. Họ mãi được bên nhau trong khí xuân biên ải. Trận địa năm ấy bây giờ trở thành Di tích lịch sử Pò Hèn gồm có cụm tượng đài “Vòng tay đồng đội” xây dựng trên nền của Đồn 209. Nơi này trở thành bản anh hùng ca của lực lượng BĐBP. Cô gái thương nghiệp Hoàng Thị Hồng Chiêm, người yêu của một chiến sĩ biên phòng Đồn 209 khoác súng trường trên trận địa Pò Hèn năm ấy cũng trở thành biểu tượng anh hùng. Nhân dân biên giới luôn nhớ thương họ, thắp nhang thơm hàng ngày trên đài tưởng niệm.Trong khuôn viên của Khu tưởng niệm, lãnh đạo Đảng, Nhà nước trồng nhiều cây xanh lưu niệm, những mong anh linh các liệt sĩ luôn được ngụ trong bóng mát, trong sự tưởng nhớ và niềm tin của những người đương đại.

Kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống BĐBP, 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân, Di tích lịch sử Pò Hèn chính thức được chỉnh trang xứng tầm với một trụ cột tâm linh nơi biên giới. Ước nguyện của cán bộ, chiến sĩ BĐBP đều muốn tri ân đồng đội đã hy sinh, muốn trồng thêm cây, thêm hoa, che bớt sương muối, gió thổi ở biên thùy...

Đồng chí Vũ Ngọc Mai, nguyên là Đồn trưởng Đồn Pò Hèn cách đây hơn 20 năm mới có điều kiện về thăm lại đơn vị cũ, lên thắp hương trên đài tưởng niệm. Ông mặc bộ quân phục bạc màu, nước mắt chảy dài trên má, rung run thắp nhang mãi mà nhang không cháy. Ông khấn gọi tên đồng đội, vì đường xa, vì điều kiện gia đình, không tới thăm viếng thường xuyên được, nhưng mối dây gắn bó một thời không sao quên được. Lúc đó, nhang thắp mới cháy bùng lên làm cay mắt xúc động cả đoàn cựu chiến binh lúc đó.

Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh BĐBP dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn. Ảnh: Trần Đức

Một trong những nhân chứng của trận chiến năm 1979 là ông Hoàng Như Lý, lúc đó là chiến sĩ của Đồn 209. Ông vẫn thường xuyên lên thắp hương cho đồng đội mỗi khi trái gió trở trời, khi đau ốm cũng cố sức lên thắp một nén nhang. Hồi có họp mặt cựu chiến binh BĐBP Quảng Ninh, Đại tá Nguyễn Quang Vinh, nguyên Phó Chỉ huy Chính trị BĐBP Quảng Ninh có mang tặng Hoàng Như Lý một ít giống củ gừng. Ông Lý mang gừng về sau nhà trồng, những củ gừng tươi tốt và đẻ nhánh ra mãi. Ông bảo: “Chỉ là chúng tôi nhắc nhở nhau rằng gừng cay, muối măn xin đừng quên nhau, người còn sống không thể quên người đã khuất”.

17-2 hằng năm, Đồn Biên phòng Pò Hèn làm lễ giỗ chung các liệt sĩ. Nhưng đến ngày giỗ theo âm lịch, theo phong tục của người Việt Nam như người một nhà, đơn vị vẫn tổ chức lễ giỗ nội bộ, đầm ấm. Trên mảnh đất biên cương này, đóa hoa đỏ Pò Hèn mãi mãi cháy sáng làm điểm tựa cho nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP.

Trương Thúy Hằng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/po-hen-ban-hung-ca-bat-khuat/