Polyp đại tràng: Nỗi ám ảnh của bệnh nhân không may mang 'sát thủ ung thư'

Theo các chuyên gia về ung bướu thì những người bị polyp đại tràng dạng tuyến có yếu tố gia đình 100% sẽ bị ung thư sau tuổi 40. Điều này khiến không ít người bị polyp đại trực tràng cảm thấy hoang mang.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Mang theo túi phân di động

Là bệnh nhân bị polyp đại tràng đã cắt cách đây 5 năm, anh Hoàng Văn Ninh trú tại Đông Hưng, Thái Bình tâm sự, em trai của anh cũng bị ung thư đại tràng và mất hơn chục năm trước.

Đến lượt anh phát hiện đi đại tiện ra máu, đau bụng. Đi kiểm tra bác sĩ cho biết bị polyp đại trực tràng, cả đoạn trực tràng có đến trăm khối u đủ loại. Anh đã được nội soi cắt bỏ đi các khối u to nhưng dường như các polyp càng ngày càng phát triển.

Tiền sử của người bị ung thư nên bác sĩ khuyên anh nên cắt bỏ đại trực tràng để triệt căn nguy cơ ung thư. Anh Ninh đồng ý làm phẫu thuật.

Ca phẫu thuật được thực hiện ở Bệnh viện K Trung ương, sau đó các bác sĩ đi làm xét nghiệm mô bệnh phẩm các khối u cắt ra. Rất may cho anh Ninh là chưa có tế bào ác tính. Tuy nhiên, từ sau ca mổ 5 năm nay, lúc nào anh Ninh cũng mang theo túi phân ở cạnh sườn. Từ một người làm ăn buôn bán, anh khép lại tất cả và trở nên tự ti, không ra khỏi nhà.

Có lần, anh tìm đến bác sĩ nhờ bác sĩ có thể tạo thành một đoạn đại tràng nào đó để giúp anh không phải mang túi phân bên cạnh sườn. Tuy nhiên, bác sĩ đã lắc đầu và trả lời là “không”.

Nói về polyp tuyến, bác sĩ Đặng Thế Căn – Nguyên Phó giám đốc Bệnh viện K Trung ương cho biết, bệnh polyp đại tràng tuyến hiếm gặp nhưng khi mắc nó thì bệnh có nguy cơ ác tính rất cao, nhất là ở những polyp to.

Bác sĩ Căn nhiều năm làm giải phẫu bệnh, ông gặp rất nhiều cảnh tượng làm tế bào học trên cả mét đại tràng chi chít polyp như chùm sung để truy tìm tế bào ác tính.

Theo PGS Hoàng Công Đắc- Nguyên PGĐ Bệnh viện E trung ương, Polyp tuyến đại tràng được xem là căn bệnh “sát thủ” tiềm ẩn gây ung thư. Chính vì thế, khi mắc bệnh này các bác sĩ khuyên bệnh nhân nên làm phẫu thuật cắt bỏ đại trực tràng càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, điều mà các bác sĩ luôn trăn trở đó là cuộc sống của bệnh nhân sau khi cắt bỏ đại trực tràng nó sẽ rất khó khăn và bất tiện vì họ phải mang hậu môn nhân tạo đến suốt đời.

PGS Đắc tâm sự, ông đã gặp nhiều bệnh nhân mắc bệnh này, đi đâu họ cũng phải đeo theo túi phân ở bên cạnh và bệnh nhân có chất lượng sống vô cùng thấp kém. Có những người than thở rằng họ không biết làm gì từ khi cắt đai phần đại trực tràng để phòng bệnh ung thư. Đây thực sự là điều mà các bác sĩ ám ảnh sau mỗi ca mổ.

Hạn chế ăn thịt đỏ

Dấu hiệu của polyp đại tràng rất nghèo nàn, đa số người bệnh đi khám khi có triệu chứng đi ngoài ra máu. Đây được xem là một trong những triệu chứng thường gặp nhất, có giá trị gợi ý chẩn đoán polyp đại trực tràng.

Biểu hiện rõ nét nhất là thấy máu tươi thành vệt hay loang ra trên khuôn phân; hoặc phân lẫn nhày máu màu nâu, đen hoặc lờ lờ máu cá. Triệu chứng càng có giá trị khi phân mềm hoặc nhão mà có máu kèm theo. Chảy máu có thể ở nhiều mức độ khác nhau nhưng thường nhẹ và vừa, tuy vậy cũng có trường hợp chảy máu nặng gây mất máu nghiêm trọng.

Các bác sĩ đều khuyến cáo nếu gia đình có anh em, có bố mẹ tiền sử bị polyp và ung thư đại tràng thì người đó cần phải theo dõi và tầm soát các khối polyp để ngừa ung thư hóa từ nó.

Khi bị đa polyp bệnh có thể tái phát cai. Theo nghiên cứu, sau 3 năm kể từ ngày cắt polyp đại tràng lần đầu, khả năng tái phát polyp là 25 đến 30%.

Một số polyp có thể đã hiện diện trong lần nội soi trước nhưng bị bỏ sót vì quá nhỏ. Một số khác mới vừa hình thành sau này. Do đó sau khi cắt polyp nên nội soi đại tràng kiểm tra sau 3 đến 5 năm.

Nguyên nhân gây polyp chưa được xác định chính xác nhưng có thể kể đến các yếu tố có nguy cơ như: chế độ ăn nhiều chất béo, ăn nhiều thịt đỏ, ăn ít chất xơ, hút thuốc lá, béo phì, dùng aspirin…

P.Thúy

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/polyp-dai-trang-noi-am-anh-cua-benh-nhan-khong-may-mang-sat-thu-ung-thu-post216966.info