Prudence Cup 2009 - Bệ phóng cho những tài năng trẻ

Quần vợt đã ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam. Nhưng cơ hội để các tài năng trẻ vươn lên trở thành tay vợt chuyên nghiệp thì không có nhiều. Chính vì thế, việc duy trì Giải quần vợt Thanh thiếu niên toàn quốc (Prudence Cup) định kỳ hàng năm của Quỹ Prudence quả là một nỗ lực đáng trân trọng.

Giải năm 2009 vừa mới được tổ chức tại Huế mới đây đã là năm thứ 7 liên tiếp, Quỹ Prudence (thuộc Tập đoàn Prudential) đồng hành với Liên đoàn quần vợt Việt Nam. Việc hợp tác này không chỉ nhằm phát hiện, bồi dưỡng các tài năng trẻ qua hệ thống giải đấu dành cho nhiều lứa tuổi (từ 10 đến 18), mà còn lập ra những chương trình đào tạo chuyên sâu, tạo cơ hội để những gương mặt có triển vọng có cơ hội cọ xát tại những giải đấu quốc tế, và xa hơn nữa là đi đào tạo tại những nước có phong trào quần vợt phát triển. Mới đây nhất, vào tháng 6-2008, Hội đồng tuyển chọn Liên đoàn quần vợt Việt Nam đã lựa chọn được 2 gương mặt là Trần Nam Sơn (Hà Nội) và Nguyễn Ngọc Minh (TP HCM) đi tập huấn chuyên sâu tại Trung tâm Quần vợt danh tiếng Cornella của Tây Ban Nha. Tới đây, Liên đoàn tennis Việt Nam sẽ phối hợp với Trung tâm đào tạo quần vợt Tây Ban Nha đánh giá khả năng phát triển quần vợt của 2 VĐV này sau khi kết thúc 1 năm tập luyện. Quỹ Prudence và Liên đoàn sẽ căn cứ vào kết quả đánh giá tổng quan để đưa ra định hướng đào tạo cho các em trong thời gian tiếp theo. Trước đó nữa, phải kể đến VĐV Lê Nguyễn Thùy Trang của Dak Lak, người đã được phát hiện từ giải Thanh thiếu niên toàn quốc trước đây, để rồi từ đó được tham dự tập huấn và thi đấu nước ngoài trong chương trình đào tạo của Quỹ. Sau một số thành công tại các giải quốc tế, mà đáng kể nhất là chiếc HCĐ nội dung đơn nữ tại giải vô địch Sinh viên châu Á tổ chức ở Quảng Châu (Trung Quốc) tháng 11-2006, đến đầu năm 2007, Trang đã được tuyển chọn vào khóa đào tạo quần vợt chuyên nghiệp 2 năm tại Trường Barton Countruy (bang Kansas, Mỹ). Sau 2 năm, Trang đã trở thành hạt giống số 1 của trường, xếp thứ 7 đơn tại giải Hiệp hội quần vợt sinh viên toàn Mỹ (ITA). Năm 2008, Trang đã được bình chọn là 1 trong 3 VĐV tiêu biểu của ITA. Nếu tiếp tục thi đấu thành công như những thành tích vừa đạt được, Trang sẽ được chuyển lên nhóm I – Nữ của Hiệp hội NCAA và sớm trở thành VĐV chuyên nghiệp của Hiệp hội quần vợt nhà nghề. Có thể nói, thành công của Trang đã mở ra một cánh cửa rộng lớn để các tài nằng trẻ thế hệ kế tiếp nuôi dưỡng giấc mơ “bơi ra biển lớn”. Trong giải đấu vừa kết thúc tại Huế, theo đánh giá của giới chuyên môn, những gương mặt trẻ nổi lên ở giải năm nay đều đã tiếp cận được với lối đánh hiện đại, với kỹ năng cơ bản tốt hơn nhiều so với lứa đi trước. Điều đó ghi nhận bước tiến vượt bậc của giải đấu. Ở giải nam, người ta có thể kể tới những gương mặt như Đắc Tiến, Minh Thịnh (U10); Lý Hoàng Nam (U12); Hồ Huỳnh Đan Mạch (U14). Còn ở giải nữ, đó là Tiffani Nguyễn, Lâm Phan Phương Khanh (U10), Phạm Thủy Thương (U12); Sĩ Bội Ngọc, Từ Kim Ngân (U14) (ảnh). Theo kế hoạch của các nhà tổ chức, những gương mặt triển vọng này sẽ được tham gia các khóa tập huấn ở nước ngoài, đi theo con đường của Nam Sơn, Ngọc Minh hay Thùy Trang. Thực tế, ngay cả ở nước ngoài, nhiều tay vợt thành danh đều có xuất phát điểm là được gia đình cho đi học bằng tiền túi (chẳng hạn, năm lên 7 tuổi, kiều nữ tài danh người Nga Maria Sharapova được bố đưa tới Mỹ gia nhập học viện Nick Bollettieri ở Florida). Dĩ nhiên, hiếm có gia đình nào ở Việt Nam đủ sức đeo đuổi con đường như thế. Bởi vậy, hệ thống giải Prudence Cup có thể được coi như là bệ phóng gần như là duy nhất để quần vợt Việt Nam có thể vượt khỏi “ao làng”. Ngày đó liệu có còn xa? Tuệ Minh

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/kinhtedoisong/2009/8/200197/