Putin-20 năm quyền lực: Lý thuyết kinh tế-chính trị thế giới mới

Qua các chính sách kinh tế đặc biệt, cựu điệp viên KGB Vladimir Putin đã đặt nền tảng cho nhiều hệ thống lý thuyết kinh tế-chính trị của thế giới...

Hai mươi năm trước, nước Nga mà Putin nhận bàn giao từ ông Yeltsin chỉ là quốc gia rộng về diện tích, nhiều về dân số, nhưng ngập trong thiếu thốn, nợ nước ngoài ngập đầu ngập cổ.

Người dân Nga - lúc ông Putin tiếp nhận quyền lực từ ông Yeltsin- chỉ biết kêu trời vì cuộc sống khó khăn, bế tắc, bởi thất nghiệp gia tăng và giá cả leo thang, theo The Telegraph.

Vậy mà Tổng thống Putin đã đưa nước Nga trở lại vị thế siêu cường của Liên Xô chỉ trong vòng chưa đầy một thập kỷ, ông Putin đã xây dựng một nước Nga siêu cường từ một xuất phát điểm yếu kém và hỗn loạn mà người tiền nhiệm để lại.

Kinh tế của nước Nga dù còn rất nhỏ bé so với Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản thậm chí đứng sau cả Brazil, nhưng Nga đã có vai trò quyết định trong những vấn đề lớn của thế giới mà không liên quan tới sức mạnh của vũ lực.

Kinh tế nước Nga đã khởi phát cho nhiều xu hướng phát triển của kinh tế thế giới

Kinh tế nước Nga đã khởi phát cho nhiều xu hướng phát triển của kinh tế thế giới

Hiện nay, nước Nga đang bị bao vây bởi cấm vận của Mỹ-phương Tây, nhưng các chỉ số kinh tế hàng năm lại cho thấy mọi rào cản với nước Nga dường như chỉ là vô hình và nước Nga đã bắt đầu bước vào giai đoạn phát triển thứ 3 thời hậu Xô Viết.

Để mang lại những thành quả lớn lao đó, chính quyền Tổng thống Putin đã có những quyết sách chuẩn xác và hợp thời. Trong Dấu ấn Putin-20 năm quyền lực, xin phân tích 3 chính sách kinh tế đặc biệt thể hiện tầm nhìn sắc xảo của Tổng thống Putin.

Đó là việc lập Quỹ bình ổn giúp Nga vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, thiết lập Bước đệm tài chính an toàn giúp Nga vượt cấm vận và xây dựng nền kinh tế 6 trong 1 đưa nước Nga vào giai đoạn phát triển thứ 3 thời hậu Xô Viết.

Đặc biệt Quỹ bình ổn

Ngày 25/12/2019, Chủ tịch Kiểm toán nhà nước Nga, cựu Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin đã cho biết, quyết định của Thủ tướng Putin tách Quỹ bình ổn thành thành Quỹ Dự trữ và Quỹ phúc lợi quốc gia 10 năm trước đã cứu nền kinh tế Nga.

Quỹ bình ổn thành lập dựa trên nghị quyết của Chính phủ Nga ngày 1/1/2004, nhằm giảm áp lực lạm phát và bảo vệ kinh tế Nga trước biến động từ thu nhập xuất khẩu dầu khí. Theo quỹ bình ổn, giá sàn dầu thô xuất khẩu được xác lập là 27 USD/thùng.

Tháng 2/2008, khi đang là Thủ tướng Nga, ông Putin đã ủng hộ việc tách Quỹ bình ổn thành Quỹ Dự trữ và Quỹ phúc lợi quốc gia, với quy mô nguồn vốn, phương cách đầu tư và mục đích sử dụng khác nhau.

Quỹ dự trữ chủ yếu đầu tư ra nước ngoài, nhất là vào trái phiếu chính phủ, và được sử dụng khi thu nhập từ dầu khí giảm. Quỹ phúc lợi quốc gia đầu tư vào các lĩnh vực có lợi nhuận cao nhưng rủi ro cũng cao, và bù đắp thâm hụt cho ngân sách liên bang.

Khi thành lập, Quỹ dự trữ có tổng nguồn vốn là 125 tỷ USD và Quỹ phúc lợi quốc gia có tổng nguồn vốn là 32 tỷ USD. Đến năm 2014, Quỹ dự trữ có tổng giá trị lên tới hơn 500 tỷ USD, và Quỹ phúc lợi quốc gia có tổng giá trị hơn 72 tỷ USD.

"Việc thành lập các quỹ có tầm quan trọng trong việc tiết kiệm cho nền kinh tế và chi tiêu xã hội... Tiền lương không giảm, thậm chí lương hưu còn tăng gấp đôi trong thời kỳ khủng hoảng. Đây là điều cực kỳ đặc biệt của nước Nga", ông Kudrin lý giải.

Theo ông Kudrin, quyết định của Thủ tướng Putin tách Quỹ bình ổn thành Quỹ Dự trữ và Quỹ phúc lợi quốc gia là cơ sở quan trọng nhất giúp nước Nga vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 một cách ngoạn mục nhất.

Nước Nga thoát khủng hoảng tài chính toàn cầu nhờ chính sách kinh tế đặc biệt của chính phủ Putin

Cho đến nay, khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 đã trôi qua hơn 1 thập kỷ và hậu quả của nó với kinh tế toàn cầu cũng dần được khắc phục, nhưng giới chuyên gia vẫn chưa hết ấn tượng về cách nước Nga thoát khỏi cuộc khủng hoảng.

Bởi gần như tất cả các nền kinh tế - nhất là những nền kinh tế phát triển như Mỹ và EU - đều rơi vào suy thoái, hoạt động sản xuất kinh doanh và hợp tác đầu tư đình trệ, cuộc sống và chất lượng sống bị sụt giảm nghiêm trọng.

Vậy nhưng nước Nga lại lội ngược dòng khi "tiền lương không giảm, thậm chí lương hưu còn tăng gấp đôi trong thời kỳ khủng hoảng". Chính nhờ điều này mà từ nước Nga đã khởi phát cho một xu hướng tăng trưởng mới trong nền kinh tế toàn cầu.

Độc đáo Bước đệm tài chính an toàn

Reuters ngày 31/10/2019 bình luận rằng việc Nga thiết lập một Bước đệm tài chính với "độ dày" lên đến 200 tỷ USD nhằm đảm bảo khả năng chống lại cấm vận-trừng phạt của Mỹ-phương Tây là một giải pháp kinh tế - tài chính tuyệt vời.

Xin nhắc lại, từ quý III/2017, theo yêu cầu của Tổng thống Putin, chính phủ Nga đã thiết lập một Bước đệm tài chính từ toàn bộ lợi nhuận có được từ phần dầu thô xuất khẩu với giá từ trên 40 USD/thùng.

"Theo quy tắc tài chính, mọi khoản doanh lợi từ giá dầu cao hơn 40 USD/thùng đều được đưa vào Bước đệm tài chính. Đây là khoản dự trữ bên cạnh Quỹ dự trữ ngoại hối và vàng do Ngân hàng Trung ương nắm giữ", Reuters luận giải.

Theo nhận định của Bộ Tài chính Nga, trong bối cảnh khi giá dầu ở điểm cực thịnh như hiện nay, Bước đệm tài chính sẽ có độ dày lên tới 14,2 nghìn tỷ ruble - khoảng 216,1 tỷ USD - tương đương 12% GDP vào năm 2021.

Bước đệm tài chính sẽ giúp nước Nga có độ miễn nhiễm cao nhất với mọi biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây, tránh cho nước Nga phải rơi vào thế bị kẹp bởi hai gọng kìm nguy hại : Cấm vận-Giá dầu.

Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Duma Quốc gia Nga Andrei Makarov cho biết: "Bước đệm tài chính cùng với Quỹ dự trữ quốc gia sẽ giúp chính phủ Nga đủ khả năng "bảo vệ nền kinh tế trước biến động của giá dầu và mức độ trừng phạt đối với nước Nga".

Bởi hiện nay "tổng dự trữ quốc gia của Nga đủ trang trải tất cả các khoản nợ của cả chính phủ và các doanh nghiệp trong nước", theo như giải trình của Tổng thống Putin trước Hội đồng Liên bang.

Bước đệm tài chính an toàn giúp cho nước Nga có đủ nguồn lực phát triển ngay trong thời cấm vận

Theo người đứng đầu Điện Kremlin, "nợ nước quốc gia của Nga là 453,7 tỷ USD, trong khi dự trữ quốc gia của Nga đã đạt mức 475 tỷ USD vào ngày 8/2/2019, nên Moscow có thể hoàn tất nghĩa vụ trả nợ quốc gia bất kỳ lúc nào", RT dẫn thuật.

Nhiều chuyên gia kinh tế từng cho rằng việc thiết lập Bước đệm tài chính an toàn là chính sách tài chính cực kỳ thận trọng của Moscow, và qua đây cho thấy Tổng thống Putin ưu tiên cho ổn định hơn là phát triển.

Vì thiết lập Bước đệm tài chính sẽ khiến Nga thiếu nguồn lực cho các chương trình kinh tế lớn. Tuy nhiên, cuối năm 2019, chính phủ Nga phải hối thúc các bộ ngành tập trung giải quyết ngân tồn đọng cho các chương trình kinh tế trong điểm.

Điều đó cho thấy, quan điểm của Tổng thống Putin là ổn định cho phát triển, và thiết lập bước đệm tài chính là hiện thực hóa quan điểm này. Hiện nay, Nga là nước duy nhất trong G-20 có thể trả hết nợ quốc gia mà vẫn còn đủ nguồn lực cho phát triển.

Nền kinh tế 6 trong 1 - nền tảng định hình Chủ nghĩa Putin

Trong Thông điệp Liên bang năm 2018 - cũng được xem là Cương lĩnh tranh cử của ứng viên Vladimir Putin - nhà lãnh đạo đương thời của nước Nga đã xác định nâng cao chất lượng sống cho người dân là mục đích chương trình hành động của mình.

Người đứng đầu Điện Kremlin đã nêu cách thức hiện thực hóa mục đích đó bằng việc phát triển 1 nền kinh tế phục vụ, trong đó nhà nước phải xây dựng chính sách hướng tới hoàn thành 6 tiêu chí quan trọng.

(1) Đảm bảo sự kế thừa, biến giá trị của lịch sử thành động lực, nguồn lực cho đất nước, (2) Đảm bảo sự ổn định xã hội làm nền tảng cho phát triển kinh tế, (3) Hoàn thiện thể chế để đảm bảo bình đẳng giữa các giai tầng trong xã hội.

(4) Gia tăng phúc lợi xã hội để thực hiện tốt nhất quá trình tái phân phối thu nhập xã hội, (5) Tạo điều kiện để phát triển đồng đều giữa các vùng miền, (6) Hỗ trợ công cụ giúp người dân tự biến vận hội đất nước thành lợi ích cá nhân.

Với nền kinh tế 6 trong 1, nhà lãnh đạo Nga đương thời đã quyết xây dựng một xã hội ưu việt tại xứ sở bạch dương, tập trung khai thác nguồn lực trong nước kết hợp với tranh thủ nguồn lực có được từ nước ngoài để hiện thực hóa ước vọng đó.

Có thể thấy, nền kinh tế phục vụ 6 trong 1 là tựu trung-tập trung tất cả nền tảng và nguồn lực của Liên Xô trong quá khứ, của nước Nga hiện tại để định hình cho một nước Nga ưu việt trong tương lai.

Chủ nghĩa Putin đã có nền tảng và được định hình?

Tất cả các chính sách và chương trình hành động của Điện Kremlin và chính phủ Nga đều hướng tới việc xây dựng và thúc đẩy phát triển nền kinh tế phục vụ 6 trong 1, mà ở đó đặc biệt là cân bằng thu nhập và nâng cao tái phân phối thu nhập.

Tổng thống Putin không chủ trương xây dựng lý thuyết về kinh tế hay chính trị, nhưng qua các chính sách kinh tế đặc biệt, có thể thấy cựu điệp viên KGB này đã đặt nền tảng cho nhiều hệ thống lý thuyết về kinh tế-chính trị trong thế giới đương đại.

Đặc biệt, nền kinh tế 6 trong 1 là một mô hình kinh tế chưa hề xuất hiện trong bất kỳ giai đoạn nào của lịch sử thế giới, cũng chưa được giới thiệu trong bất cứ hệ thống lý thuyết kinh tế nào. Vì vậy, đây được xem nền tảng định hình cho Chủ nghĩa Putin.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/putin-20-nam-quyen-luc-ly-thuyet-kinh-te-chinh-tri-the-gioi-moi-3394455/