Putin - Biden lần đầu điện đàm, nhất trí gia hạn START-3

Hôm 26/1, Nhà Trắng cho biết, các Tổng thống Mỹ-Nga Joe Biden và Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm, sau đó chỉ đạo các nhân viên của họ phải khẩn trương làm việc để kịp gia hạn Hiệp ước START-3 trước ngày 5/2.

RIA trích dẫn thông tin từ Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với tân Tổng thống Mỹ Joe Biden. Đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ kể từ khi ông Biden nhậm chức hôm 20/1 vừa qua.

“Tổng thống Putin khẳng định việc Nga và Mỹ bình thường hóa quan hệ song phương đáp ứng lợi ích của cả hai bên và cộng đồng quốc tế, thể hiện trách nhiệm đặc biệt của cả hai nước đối với việc duy trì an ninh và ổn định trên thế giới”, Điện Kremlin cho biết.

Nga - Mỹ nhất trí gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới. (Ảnh: RIA)

Nga - Mỹ nhất trí gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới. (Ảnh: RIA)

Trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ bày tỏ hài lòng với việc hai bên đã có trao đổi công hàm về việc đạt được nhất trí gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START - phía Nga gọi là START-3).

Theo đó, trong những ngày tới, hai bên sẽ hoàn thiện tất cả các thủ tục cần thiết để đảm bảo hoạt động tốt hơn nữa đối với cơ chế pháp lý quốc tế quan trọng trong việc hạn chế kho vũ khí hạt nhân của mỗi bên.

Bình luận về vấn đề này, chuyên viên cấp cao của Viện nghiên cứu Mỹ và Canada là ông Pavel Koshkin cho rằng, START-3 giữa Mỹ-Nga sẽ được gia hạn ngay lập tức, vì tân Tổng thống Joe Biden sẽ tiếp tục chính sách giải trừ hạt nhân của ông Barack Obama. Đồng thời, Mỹ cũng không muốn quay lại như thời Chiến tranh Lạnh và đối đầu hạt nhân.

Ông Koshkin lưu ý rằng quá trình gia hạn START-3 đã được đẩy nhanh sau cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ, trước đó ông Biden đã tham khảo ý kiến của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các đồng minh châu Âu của Mỹ.

“Nhiều khả năng START-3 sẽ được gia hạn, bởi vì Tổng thống Biden đã bày tỏ quan tâm đến hiệp ước này trước đó. Tổng thống Putin cũng bày tỏ quan tâm đến hiệp ước này. Ông Trump là một trở ngại, nhưng giờ ông ấy đã hết nhiệm kỳ mọi thứ sẽ diễn ra nhanh chóng. Bởi vì thời gian không còn nhiều Hiệp ước sắp hết”, ông Koshkin nhấn mạnh.

Cũng theo ông Koshkin, các chính sách của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ có sự khác biệt rõ rệt.

“Ông Trump đã có một cách hùng biện khác, mạnh mẽ hơn, ông ấy muốn hiện đại hóa tiềm năng hạt nhân, ông ấy không rõ ràng về START-3, vì không có Trung Quốc. Nhưng thực tế, dưới thời ông Biden có những ưu tiên khác, ông ấy vẫn tiếp tục chính sách của ông Obama, người khi còn là tổng thống đã công bố một chương trình giải trừ hạt nhân quy mô lớn dài hạn”, chuyên gia Nga lưu ý.

Ông Koshkin cho biết thêm, giới tinh hoa ở châu Âu và Mỹ không muốn Chiến tranh Lạnh quay trở lại, khi mọi người đều lo sợ rằng các siêu cường sẽ “nhấn nút đỏ” bất cứ lúc nào và thế giới sẽ bị hủy diệt.

“Ông Biden hiểu rằng Nga là cường quốc duy nhất đã đạt đến ngang bằng hạt nhân với Mỹ. Rõ ràng, chính quyền ông Biden đã sẵn sàng để quên đi những khác biệt với Nga để kéo dài thỏa thuận này”, ông Koshkin giải thích.

Trong khi đó, chuyên gia quân sự Igor Korotchenko, chủ bút tạp chí Quốc phòng Nga nhận định, quyết định của Nga và Mỹ gia hạn Hiệp ước START-3 thêm 5 năm là rất quan trọng để đảm bảo sự cân bằng chiến lược quân sự giữa hai cường quốc và an ninh quốc tế nói chung.

“Chúng tôi hy vọng rằng văn kiện này sẽ được phê chuẩn thêm một kỳ hạn nữa mà không có bất kỳ ngoại lệ hoặc thay đổi nào, đây là một quyết định cực kỳ quan trọng, mang tính định mệnh trên phạm vi toàn cầu. Chúng tôi chỉ có thể hoan nghênh tính thực tiễn và cố gắng của Nga và Mỹ trong việc kéo dài sự sống cho văn kiện chủ chốt này”, ông Korotchenko nói.

Đồng thời, ông Korotchenko gọi quyết định của Tổng thống Biden nói lên tính thực tiễn của chính quyền mới của Mỹ và sự đánh giá thỏa đáng về tầm quan trọng của văn kiện này.

Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới được ký kết vào ngày 8/4/2010 tại Prague (Cộng hòa Czech) thay thế các hiệp ước về giảm trừ vũ khí hạt nhân chiến lược đã ký kết trước đó. Hiệp ước có hiệu lực ngày 5/2/2011, dự kiến sau 10 năm (tức đến tháng 2/2021) sẽ hết hiệu lực và có thể kéo dài đến năm 2026 nếu hai bên đồng ý.

Thỏa thuận quy định mỗi bên sẽ giảm kho vũ khí hạt nhân để sau 7 năm kể từ khi ký kết hiệp ước và tiếp sau đó tổng số vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng, cũng như 1.550 đầu đạn, 800 bệ phóng đã triển khai và chưa triển khai.

Thanh Bình (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/nga-my-nhat-tri-gia-han-start-3-275942.html