Putin cứ khơi gợi vấn đề Kosovo để Mỹ-phương Tây hoảng sợ!

Washington lý giải không tổ chức trưng cầu dân ý tại Donbass vì khu vực này không đặt dưới sự kiểm soát của Kiev, sẽ tạo hiệu ứng rất nguy hiểm...

Việc Mỹ từ chối đề xuất của Tổng thống Putin tổ chức trưng cầu dân ý về quy chế của Donbass là không có gì ngạc nhiên, bởi Washington khi can thiệp vào các cuộc xung đột vũ trang vẫn theo phương châm "lấy chiến tranh nuôi dưỡng hòa bình".

Tuy nhiên, Washington vội vã đưa ra phản ứng trong vòng chưa đầy 100 giờ đồng hồ sau khi Tổng thống Trump rời Helsinki, đã khiến dư luận có nhiều nghi ngại trước động thái này.

Ngày 20/7, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Garrett Marquis lý giải việc Washington bác bỏ đề xuất tổ chức trưng cầu dân ý về quy chế cho vùng Donbass, càng khiến dư luận thêm hoài nghi.

Tổng thống Putin đề xuất trưng cầu dân ý về Donbass nhưng thực ra là khơi gợi vấn đề Kosovo

"Chính quyền Mỹ hiện không cân nhắc việc ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý tại miền Đông Ukraine. Việc tổ chức cái gọi là trưng cầu dân ý tại một khu vực của Ukraine, vốn không đặt dưới sự kiểm soát của chính phủ, sẽ là bất hợp pháp".

Rõ ràng, lý giả của Washington rất gượng gạo, thậm chí rất không kín kẽ nên có thể khiến nước Mỹ phải trả giá bởi lập trường quan điểm ấy, song điều dư luận quan tâm tại sao Washington vội vàng đến thế, khi Moscow không hề hối thúc việc này.

Theo giới phân tích, sự vội vã của Washington đối với đề xuất của nhà lãnh đạo Nga về hợp pháp hóa quy chế cho Donbass, là muốn nhanh chóng đưa sự việc này vào quên lãng, cùng với đó là chôn thật chặt tiền lệ pháp nguy hại mang tên Kosovo.

Có thể thấy vấn đề ly khai tại Donbass và vấn đề độc lập của Kosovo là giống hệt nhau, song lối hành xử của Mỹ-phương Tây trong hai vấn đề này lại hoàn toàn trái ngược nhau. Và hệ lụy của Kosovo với Donbass là rất nguy hiểm với phương Tây.

Xin ngược đôi dòng lịch sử. Cuộc xung đột sắc tộc kéo dài giữa người Albania và người Serbia khiến cho lãnh thổ tỉnh tự trị Kosovo của Liên bang Nam Tư bị phân chia theo sắc tộc.

Thực tế nguy hại ấy dẫn đến xung đột bạo lực giữa người Albania với chính quyền Serbia và đỉnh điểm là xảy ra cuộc Chiến tranh Kosovo 1998 - 1999, trong đó có việc NATO ném bom Nam Tư.

Sau khi chiến tranh kết thúc, ngày 10/6/1999, HĐBA thông qua Nghị quyết 1244, đặt Kosovo dưới sự kiểm soát của Phái bộ Quản lý Lâm thời LHQ (UNMIK) và ủy quyền cho KFOR, một lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO.

Theo Nghị quyết 1244, Kosovo có quyền tự trị trong Cộng hòa Liên bang Nam Tư và sự toàn vẹn lãnh thổ của Cộng hòa Serbia - thực thể kế thừa hợp pháp Nam Tư -được bảo đảm. Tuy nhiên, ngày 17/2/2008, Nghị viện Kosovo ra tuyên bố độc lập.

Cộng hòa Serbia đã phản đối tuyên bố độc lập của Kosovo và khiếu nại lên LHQ. Vì vậy, ngày 8/10/2008, Đại hội đồng LHQ đã yêu cầu Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đưa ra quan điểm về tính hợp pháp trong tuyên bố độc lập của Kosovo.

Cuộc xung đột tại Kosovo

Ngày 22/7/2010, ICJ ra phán quyết, cho rằng tuyên bố độc lập của Kosovo không vi phạm các nguyên tắc chung cũng như luật pháp quốc tế, mà vốn không cấm đơn phương tuyên bố độc lập.

Theo ICJ, tuyên bố của Kosovo cũng không vi phạm Nghị quyết 1244, vốn không xác định tình trạng cuối cùng của Kosovo. Từ đó Kosovo nhanh chóng được công nhận về mặt ngoại giao, mà đi đầu là Mỹ và các đồng minh phương Tây.

Như vậy, nhờ bom đạn của NATO ném xuống Nam Tư, nhờ Nghị quyết 1244 của LHQ và nhờ phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế, nền độc lập của Kosovo đã được công nhận.

Trong khi đó tại khu vực Donbass - nơi có nhiều người dân nói tiếng Nga sinh sống - cuộc xung đột chỉ bắt đầu khi chính quyền Ukraine thời hậu Yanukovych thực hiện chính sách bài Nga cực đoan.

Cho đến giờ phút này, không thể phủ nhận cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine là một cuộc xung đột sắc tộc giữa chính quyền tại Kiev với các thực thể đại diện của người dân nói tiếng Nga tại khu vực này.

Mỹ và phương Tây cho rằng người Albania bị chính quyền Serbia đàn áp, thực hiện thanh lọc sắc tộc, nên NATO phải ném bom cứu cộng đồng này, nhưng khi cộng đồng người nói tiếng Nga tại Donbass chính quyền Kiev tấn công thì họ im lặng.

Còn khi Moscow được cho là có những hành động hỗ trợ, bảo vệ người Ukraine gốc Nga tại Donbass thì bị trừng phạt. Chính lối hành xử "nhất bên trọng, nhất bên kinh" này mà Washington không xuất đầu lộ diện trong giải quyết vấn đề Donbass.

Thậm chí Washington còn giúp Kiev thực hiện luật hóa tái hòa nhập Donbass để nhằm hợp pháp hóa hành động quân sự của Kiev cũng như sự xuất hiện của quân đội Mỹ và đồng minh tại Ukraine, giúp NATO sớm cắm cờ trên biên giới nước Nga.

Tuy nhiên, Tổng thống Putin đã không để yên cho Kiev và "những người anh em xa" thực hiện mưu đồ, khi đề xuất trưng cầu dân ý về quy chế của Donbass. Đây được cho là một nước cờ hiểm của Putin.

Và cuộc xung đột tại Donbass, không khác nhau về bản chất, nhưng Mỹ và phương Tây hành xử trái ngược nhau

Bởi dù đề xuất của người đứng đầu Điện Kremlin có được chấp thuận hay không thì nó vẫn khiến đối phương "mất ăn mất ngủ". Bởi nó đã tạo ra một rào cản với Mỹ và phương Tây lợi dụng xung đột tại Donbass làm hại Nga.

Quan trọng hơn là nó đã khơi gợi lại vấn đề Kosovo - một tiền lệ pháp nguy hiểm bởi ở đó các quyết định chính trị đã được đưa ra bất chấp ý nguyện của người dân - trong khi đây lại là giá trị cốt lõi của nguyên tắc dân chủ mà phương Tây luôn tự hào.

Không những vậy, khi người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Marquis lý giải "việc tổ chức cái gọi là trưng cầu dân ý tại một khu vực của Ukraine - không đặt dưới sự kiểm soát của chính phủ - là bất hợp pháp", sẽ tạo hiệu ứng nguy hiểm.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/putin-cu-khoi-goi-van-de-kosovo-de-my-phuong-tay-hoang-so-3362300/