Putin sẽ đưa nước Nga về đâu?

Vì sao Tổng thống Putin đột ngột tuyên bố sẽ sửa đổi Hiến pháp? Vì sao Thủ tướng Medvedev và Chính phủ Nga tuyên bố từ chức hàng loạt...?

Tháng 8/1999 Vladimir Vladimirovich Putin được Tổng thống Boris Yeltsin chỉ định làm Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga, 4 tháng sau Yeltsin bất ngờ từ chức, theo Hiến pháp Putin được chỉ định ngồi vào ghế Tổng thống tạm quyền!

Sau nhiều năm bê bối, thay đổi chính sách liên tục khiến dân chúng bất mãn với Yeltsin - vị tổng thống già cả, vụng về và ốm yếu - thì việc Putin thắng cử và lên nhậm chức đã đánh dấu một bước khởi đầu mới cho nước Nga trong giai đoạn lịch sử hậu Xô viết.

Kể từ thời điểm đó đến nay, Putin vẫn chưa rời chính trường dẫu kinh qua bao cuộc đổi thay, các chức vụ Tổng thống và Thủ tướng được luân phiên, Putin đang ở nhiệm kỳ Tổng thống thứ 4.

Trong 8 năm cầm quyền, Putin đã tái thiết một Liên bang rệu rã sau biến cố 1991 thành một nước Nga về cơ bản là ổn định, thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, duy trì đối trọng đáng gờm với Mỹ và phương Tây.

Putin là một trong những chính trị gia lão luyện nhất thế giới

Putin là một trong những chính trị gia lão luyện nhất thế giới

Tiếp nối “truyền thống”, nước Nga đương đại chưa bao giờ là bằng hữu thâm tình với phương Tây, họ mâu thuẫn kinh tế với Mỹ, xung đột quân sự tại Trung Đông và im hơi lặng tiếng trong các diễn biến quan trọng trên chính trường quốc tế trong nhiều năm.

Trong suốt thời gian cầm quyền, Dmitry Medvedev - đương kim Thủ tướng là đồng minh thân cận nhất của Putin, hai người đã có những cuộc đổi vai ngoạn mục, và lần này lại thêm một cú “lobby” kinh điển.

Toàn bộ Chính phủ của ông Medvedev đã đồng loạt từ chức để “tạo điều kiện” cho Tổng thống sửa đổi Hiến pháp. Đây là sự việc chưa từng xảy ra trong lịch sử chính trị thế giới.

Theo đó, Duma quốc gia Nga (Hạ viện) được trao quyền chọn Thủ tướng và nội các Chính phủ. Như vậy quyền hành của Tổng thống coi như bị “xén” bớt một phần rất “nặng”.

“Tất nhiên đây là những thay đổi rất quan trọng đối với hệ thống chính trị… nó có thể tăng vai trò và ý nghĩa của quốc hội… của các đảng, sự độc lập và trách nhiệm của thủ tướng”, Tổng thống Putin nói.

Có chăng, một cuộc chuyển giao quyền lực êm thấm đang diễn ra tại nước Nga? Điều gì khiến Putin tự nguyện “phế bỏ” quyền lực trong tay? Liệu chính trị Nga đã tước bỏ lời nguyền “giành chính quyền trên họng súng”...?

Hiến pháp sửa đổi sẽ tăng quyền của Thủ tướng và Duma

Trong con mắt của phương Tây, Putin mang hơi hướm của một nhà độc tài chính trị, “Chủ nghĩa Putin” là khái niệm mà báo chí Mỹ, châu Âu đã giành cho Tổng thống Nga đương nhiệm.

Không thể không nhắc tới diệu kế “man thiên quá hải” của Putin đối với Ukraina, Crimea đã làm “nhức mắt” NATO và Mỹ; mới đây là liên kết với Bắc Kinh trong lĩnh vực thanh toán quốc tế, chẳng khác nào liên minh chống Trump.

Xa hơn một chút là cuộc chiến 5 ngày tại Gruzia và Nam Ossetia xảy ra hồi năm 2008. Cho đến nay không ai trả lời được sự tham gia của Nga vào cuộc chiến này nhằm mục đích bảo vệ Gruzia hay gián tiếp đầy lùi NATO tiến về phía Đông?

Đương nhiên, Putin phản bác cái gọi là “dân chủ giả hiệu phương Tây” nhưng những cáo buộc ấy phần nào đã tham gia rất sâu vào đường lối đối ngoại, chiến lược kinh tế, quốc phòng đối với Nga từ Washington và Bruxelles.

Người Nga vốn nhạy cảm và mơ mộng nên không thể không rung động trước thái độ từ Mỹ và châu Âu. Hệ quả là mùa xuân năm 2014, Moscow nhận đòn trừng phạt kinh tế từ phương Tây.

Trên trái đất này Nga là nước duy nhất có thể phát triển bình thường kể cả khi “bế quan tỏa cảng” với bên ngoài nhờ sự phong phú về tài nguyên, khí hậu, địa hình và khí chất vốn có của người Đông Slav.

Tuy nhiên ở vị trí thứ 12 trong danh sách các nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn cho thấy nước Nga chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Dưới thời Putin nước Nga luôn luôn chỉ nổi trội trên mặt trận quân sự.

Thu nhập thực tế của người Nga đã giảm đáng kể trong vòng một thập kỷ qua bởi nền kinh tế trì trệ, giá dầu thế giới giảm. Mùa hè năm 2019 cũng chứng kiến các cuộc biểu tình lớn ở Moscow, cùng với bất ổn gia tăng với đảng “nước Nga Thống nhất” trước thềm bầu cử Quốc hội năm 2021.

Có thể bạn quan tâm

Nói vậy để thấy rằng, nguồn cơn dẫn tới việc sửa đổi Hiến pháp lần này là sức ép từ cá nhân Tổng thống, ông (bị buộc) phải chuyển giao bớt quyền lực cho Duma để gột rửa phần nào cái nhìn không thiện cảm với phương Tây (!?)

Cũng chính Putin là người đề cử lãnh đạo Cơ quan Thuế Liên bang Mikhail Mishustin làm người thay thế ông Medvedev. Duma sẽ bỏ phiếu bầu, song với những gì báo chí Nga dành cho ứng viên này thì coi như chiếc ghế Thủ tướng đã có chủ.

Mikhail Mishustin được Putin giới thiệu cho Duma bầu vào vị trí Thủ tướng

Về mặt chính trị mà nói, Putin đang chuyển từ nền Cộng hòa Tổng thống sang Cộng hòa đại nghị. Về lý thuyết sẽ trao “thượng phương bảo kiếm” cho Quốc hội và Văn phòng Thủ tướng.

Báo chí quốc tế gọi đây là cuộc “chuyển giao quyền lực kịch tính”, nhưng nó không giống với nhiều trường hợp chuyển giao khác khi một Tổng thống đương nhiệm “nghỉ ngang” nhường chổ cho người mới được xem xứng đáng hơn.

Putin đang đi đường vòng? Đúng như vậy! Các nhà quan sát và giới tinh hoa Nga từ lâu đã có nhiều suy đoán xoay quanh kế hoạch tương lai của Putin và cách thức mà ông có thể tiến hành để duy trì quyền lực sau khi nhiệm kỳ khép lại.

Dù tổng thống có tiếng nói lớn trong hệ thống chính trị Nga, điện Kremlin vẫn lo ngại về những tác dụng ngược mà việc cố gắng kéo dài nhiệm kỳ có thể gây ra.

Thông điệp Liên bang ngày 15/1 đã hé mở một hướng đi hoàn toàn khác. Theo đó, ông Putin đề xuất tăng cường vai trò của Hội đồng nhà nước - một cơ quan Chính phủ với thẩm quyền chưa được xác định rõ, mà thông qua đó có thể giúp ông tiếp tục buông rèm nhiếp chính sau năm 2024!

Trương Khắc Trà

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/putin-se-dua-nuoc-nga-ve-dau-165267.html