Putin tiết lộ sốc: Triều Tiên có bom A từ năm 2001

Một sự thật giờ mới được Tổng thống Nga Putin xác thực là ngay từ năm 2001, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đã có bom nguyên tử.

Năm 2001, Triều Tiên đã có bom A

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiết lộ một thông tin gây sốc là ngay từ năm 2001, nhà lãnh đạo Triều Tiên lúc bấy giờ là cố Chủ tịch Kim Jong-il nói cho ông biết về việc Bình Nhưỡng đã sở hữu bom nguyên tử.

Tổng thống Nga cho biết, trên đường tới Nhật Bản vào năm 2001, ông đã gặp Kim Jong-il và nghe ông ấy nói rằng, Bình Nhưỡng đã hoàn toàn làm chủ một cách thành thục công nghệ sản xuất bom nguyên tử.

"Năm 2001, trên đường đến Nhật Bản, tôi đã ở Triều Tiên và gặp thân phụ của nhà lãnh đạo hiện nay. Khi ấy ông Kim nói với tôi rằng, nước ông có bom nguyên tử. Hơn nữa, ông còn nói rằng, với sự hỗ trợ của hệ thống pháo đơn giản có thể đưa bom đến Seoul dễ dàng” - ông Putin nói.

Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh rằng, hiện nay đã là năm 2017, vài chục năm qua Triều Tiên liên tục sống trong tình trạng trừng phạt nhưng Bình Nhưỡng đã phát triển công nghệ hạt nhân từ cấp độ bom nguyên tử (bom A) lên tới bom hydro (tức bom nhiệt hạch, bom H),

Ngoài ra, thay vì những hệ thống pháo đơn giản để làm bệ phóng vũ khí nguyên tử cấp chiến thuật thì giờ Triều Tiên đã có tên lửa tầm trung và tầm xa để mang đầu đạn hạt nhân chiến lược.

Vị Tổng thống Nga nhấn mạnh rằng, những biện pháp trừng phạt, những đe dọa tấn công phủ đầu của Mỹ và Hàn Quốc đã làm thay đổi những gì? Nó có ngăn được Triều Tiên sở hữu tên lửa hạt nhân hay không? Đó không phải là phương thức giải quyết vấn đề này.

Nhà lãnh đạo Nga cũng cho rằng những lời hùng biện chiến tranh xung quanh vấn đề Triều Tiên là không thể chấp nhận được, bởi vì nó không thể mang lại hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên mà chỉ khiến cho tính hình diễn biến xấu theo chiểu ngược lại - ông Putin nhận xét.

Giới phân tích cũng đồng quan điểm khi cho rằng, những lời nói và hành động dọa dẫm của Mỹ-Nhật-Hàn đã diễn ra nhiều năm rồi mà thử nghiệm hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên vẫn cứ diễn ra.

Mỹ không muốn Triều Tiên sở hữu tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân thì Triều Tiên đều đã có rồi; Hàn Quốc không muốn an ninh của mình bị đe dọa nhưng hiện nguy cơ chiến tranh đang ngày càng lớn, Triều Tiên tuy thử thành công vũ khí hạt nhân nhưng quốc gia vẫn nghèo đói và ngày càng bị cô lập.

Chiến tranh có thể bùng phát trên bán đảo Triều Tiên bất cứ lúc nào

Cả Mỹ-Hàn và Triều Tiên đều đừng cố “lên gân”

Trên thực tế, chiến tranh chưa chấm dứt trên bán đảo Triều Tiên bởi Seoul và Bình Nhưỡng mới chỉ ký kết hiệp định tạm thời đình chiến tháng 7/1953 chứ không phải là hiệp định hòa bình. Điều này có nghĩa là chiến tranh có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Các chuyên gia quân sự cho biết, trong tình huống xấu nhất, nếu chiến tranh bùng nổ trên bán đảo Triều Tiên, cả Bình Nhưỡng lẫn Washington cùng với Seoul đều là những kẻ thất bại.

Trong chiến tranh hiện đại, kể các bên mạnh hơn cũng không thể chủ quan rằng chiến thắng là đương nhiên, bởi chỉ cần sơ sẩy một chút, thắng lợi của họ cũng phải trả giá rất đắt. Vì vậy hiện cả Triều Tiên lẫn Mỹ-Nhật-Hàn không ai muốn chiến tranh và không ai muốn mình là người khai chiến. Thế nhưng, họ cũng không thể tỏ ra là kẻ yếu.

Sự “lên gân” của cả 2 phía đều là những trường hợp bất đắc dĩ, thế nhưng, nếu hai bên không ai chịu xuống thang trước mà vẫn cứ tung ra các hành động gây gia tăng căng thẳng, một sai lầm hay một sự cố hoặc một va chạm vô ý đều có thể làm bùng phát chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.

Với những vũ khí tiên tiến, đặc biệt là vũ khí hạt nhân có độ hủy diệt ghê gớm, không ai có thể lường trước điều gì có thể xẩy ra khi mật độ dân cư và các trọng điểm kinh tế của các bên đều tập trung vào những khu vực trong tầm nhìn thấy (Seoul nằm cách giới tuyến là vĩ độ 38 chưa đầy 50km, nằm trong tầm pháo của Triều Tiên).

Do đó, cách tốt nhất là Washington và Seoul nên ngừng các tuyên bố đe dọa và chấm dứt các cuộc tập trận gây gia tăng căng thằng để ngồi vào bàn đàm phán với Bình Nhưỡng, nhằm tìm ra cách hóa giải nguy cơ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Về phần mình, Bình Nhưỡng cũng phải nhìn thấy một thực tế không chối cãi là sự kiềm chế của Seoul từ trước đến nay đã thể hiện hiệu quả nhất định, giúp cho các vụ xung đột giữa 2 bên không leo thang thành chiến tranh toàn diện. Nó còn giúp ích cho sự phát triển kinh tế của cả đôi bên.

Trong điều kiện bình yên tương đối, Hàn Quốc đã thực hiện được điều thần kỳ kinh tế, vượt lên bỏ lại Triều Tiên ở xa phía sau. Sự kiềm chế không chỉ mang lại hòa bình cho bán đảo, mà còn là bàn đạp thành công cho lợi ích của quốc gia của mỗi nước, trong đó có cả Bình Nhưỡng.

Huy Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/putin-tiet-lo-soc-trieu-tien-co-bom-a-tu-nam-2001-3344458/