Putin và những điều chưa biết: Chặng đường đưa Putin đến ghế Tổng thống

Năm 1996 là năm khó khăn cho Putin. Có lúc ông đã lâm vào cảnh 'mất hướng'. Nhưng Putin đã có nhiều người bạn Petersburg có tầm ảnh hưởng đang ở Moskva, họ luôn nhớ đến ông.

Trong số đó có ông Pavel Borodin, Giám đốc điều hành các công việc của Tổng thống; ông Aleksei Kudrin, Tổng cục trưởng Tổng cục Thanh tra của Tổng thống; ông Aleksei Bolshakov, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ.

Ông Aleksei Bolshakov nói với ông Pavel Borodin cần giúp đỡ Putin. Và Pavel Borodin đã trao cho Putin ghế phó của mình với nhiệm vụ theo dõi khối tài sản của Nga ở nước ngoài. Trong ngôi thứ chức vụ trong văn phòng Phủ Tổng thống, chức Phó Giám đốc điều hành công việc của tổng thống cao hơn chức Vụ trưởng.

Putin làm việc trong Cục điều hành các công việc của tổng thống chỉ có 8 tháng. Khi Yeltsin đã được phẫu thuật tim thành công, ông trở lại Kremlin và Kudrin chuyển sang làm việc bên Chính phủ. Thế là Kudrin một mực đề nghị Yeltsin đưa Putin vào vị trí cũ của mình là người đứng đầu Tổng cục Thanh tra. Tháng 3 năm 1997, Putin trở thành Tổng cục trưởng Tổng cục Thanh tra.

Đối với Vladimir Putin, judo không chỉ là môn võ thuật, nó còn là triết lý.

Việc bổ nhiệm Putin vào Văn phòng Phủ Tổng thống có nghĩa là: Putin bước vào hành lang Kremlin, đứng trong hàng ngũ lãnh đạo cao nhất, đang được mọi người kính trọng và được lựa chọn làm người đứng đầu Nhà nước.

Tháng 5 năm 1998, Putin được thăng chức - ông trở thành Phó thứ nhất Chủ nhiệm Văn phòng Phủ Tổng thống. Được giao nhiệm vụ theo dõi các mối quan hệ với các khu vực, làm rõ người ta đã sử dụng các khoản vay như thế nào? Tiền các Thống đốc nhận được chi vào việc gì? Nhưng Putin ở cương vị này chỉ có 2 tháng.

Ngày 25 tháng 7 năm 1998, Thủ tướng Kiriyenk đã ký Quyết định bổ nhiệm Putin chức Giám đốc ngành An ninh Liên bang thay cho Đại tướng Nikolai Dmitrievich Kovalev. Ông hiểu nhiệm vụ của FSB (ngành An ninh Liên bang) rất quan trọng và phức tạp, trong đó có nhiệm vụ đảm bảo an ninh kinh tế. Các hoạt động của ông trong Tổng cục Thanh tra Phủ Tổng thống đã giúp ông tích lũy được kiến thức và kinh nghiệm trong cuộc chiến chống tội phạm kinh tế. Ông Putin đã khéo léo từ chối không nhận quân hàm cấp tướng.

Trong một lần trả lời phỏng vấn của phóng viên báo "Sự thật thanh niên", ông đã nói: "Tôi rời đội ngũ KGB với cấp hàm trung tá. Khi lại chuyển về ngành An ninh, tôi có thể nhận được cấp hàm tướng. Nhưng tôi nghĩ rằng điều đó sẽ không đúng đối với tôi. Trong lực lượng vũ trang có một truyền thống: cần phải xứng đáng với ngôi sao kế tiếp... ".

Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân tại Hội nghị APEC, ngày 21-10-2001.

Sau khi đã trở thành Giám đốc FSB, Putin đã điều chuyển một số nhân viên KGB từ St. Peterburg về Moskva nhận những vị trí nổi bật. Ông đã chỉ định ông Viktor Cherkesov, ông Nikolai Patrushev và Sergei Ivanov làm phó cho ông. Putin cho rằng, mới chỉ tăng cường các cơ quan hành pháp sẽ chưa đủ sức mạnh đem lại trật tự cho xã hội như mong muốn, mà cần phải có một xã hội dân sự, có những quan điểm khác nhau...

Ngoài việc thực hiện tốt chức năng: Thu thập thông tin về các mối đe dọa an ninh đối với đất nước và báo cáo lên Tổng thống và Chính phủ; hỗ trợ Chính phủ trong việc thực hiện các chương trình kinh tế trong nước và quốc tế; đối phó với các ngành đặc vụ nước ngoài đang có âm mưu thu thập những bí mật trong lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là trong khu liên hiệp công nghiệp quân sự; FSB đã giải quyết nhiều vụ án hình sự, trong đó có vụ án ở trong nội bộ Kremlin, đó là vụ "Hóa chất Polonium và cái chết của Litvinenko", vụ "Băng casset video và Tổng Công tố viên Nga Yuriy Ilich Skuratov".

Quá trình giải quyết 2 vụ án này, những người trong Kremlin càng thấy rõ Putin là người rất bình tĩnh, luôn tự chủ, ôn hòa trong giao tiếp, không cho phép để xảy ra sơ suất và kiên quyết khi thấy đúng hướng.

Tháng 9 năm 1998, Putin được Yeltsin bổ nhiệm làm Thư ký Hội đồng An ninh và tháng 12 được đưa vào vị trí Chủ nhiệm Văn phòng Phủ Tổng thống thay ông Yumashev. Sự tập trung quyền lực như vậy chưa có trong bất kỳ nhà quản lý nào trong điện Kremlin.

Người nước ngoài coi Hội đồng An ninh Nga là một Bộ Chính trị mới, đứng trên chính phủ và bí mật đưa ra những quyết định quan trọng. Hoặc họ đơn giản gọi Hội đồng An ninh là một chính phủ bí mật.

Trên thực tế, có 2 Hội đồng An ninh: Một là, một tổ chức nằm trong Phủ Tổng thống. Hai là, chỉ đơn giản là một cuộc họp của các quan chức cao nhất của Nhà nước. Tên cuộc họp sẽ được quyết định phù hợp với tính chất bí mật nội dung. Khi Boris Yeltsin thấy cần phải thảo luận một sự vụ nào đó phức tạp và nguy hiểm, (chẳng hạn, vấn đề Chechnya), ông triệu tập các Bộ trưởng chủ chốt - thì cuộc họp này được gọi là cuộc họp Hội đồng An ninh. Những cuộc họp bí mật như thế không có liên quan gì đến hoạt động của chính Hội đồng An ninh.

Chức vụ mới đã đưa Putin đến gần với tổng thống và các thành viên xung quanh tổng thống.

Những tháng cuối năm 1998 và đầu năm 1999 là thời điểm tuyệt vọng và lo lắng thường ngày của những người trong điện Kremlin - Tổng thống Yeltsin đang bị bệnh nặng đến mức không biết ông sẽ kéo dài được bao lâu.

Ai là người kế nhiệm ông và người đó sẽ không rời bỏ Yeltsin hoặc những người bạn thân nhất của Yeltsin. Tại thời điểm này, cũng có những người có quan điểm mạnh mẽ dám nói rằng, cần phải xử Yeltsin về tội ông làm sụp đổ đất nước. Và một số chính trị gia đều nói những lời, nghe có vẻ đe dọa.

Vào một thời điểm nào đó, Yeltsin thậm chí đã sẵn sàng chuyển giao Nhà nước cho Thủ tướng Primakov, người được phần lớn nhân dân trong cả nước ủng hộ. Nhưng Primakov đã khôn ngoan từ chối.

Bức chân dung sơ khai của người kế nhiệm tổng thống rất dễ phác họa: một người trẻ tuổi, tràn đầy năng lượng, dễ có cảm tình, nên từ quân đội, từ những người gần đây mới làm chính trị và phải có tính trung thực và độ tin cậy cao.

Phạm vi tìm người kế nhiệm của Yeltsin thu hẹp lại. Yeltsin đã dự định chọn những người sau đây: sĩ quan Bordyuzha, sĩ quan Stepashin, sĩ quan Putin. Thời gian trôi đi nhanh như mũi tên bay, và sự lựa chọn cuối cùng vẫn chưa được thực hiện.

Sau Bordyuzha, Thủ tướng chính phủ Primakov cũng bị miễn nhiệm. Yeltsin không thể quyết định ai là người thay ông. Ông thích vị tướng Nikolai Aksenenko, Bộ trưởng Bộ Giao thông Đường sắt. Nhưng vào phút cuối cùng, giáo sư Chubais, người thầy giáo cũ của Putin đã bí mật đến gặp Yeltsin và thuyết phục ông hướng vào Stepashin: trẻ trung, trung thành và đáng tin cậy. Tuy nhiên, chức Thủ tướng của Stepashin đã không được kéo dài.

Sáng sớm ngày 5 tháng 8 năm 1999, Yeltsin triệu tập Putin và quyết định giao cho Putin vị trí thủ tướng. Yeltsin còn nói với Putin: "Anh hãy suy ngẫm xem tại sao tôi phải miễn nhiệm người tiền nhiệm của anh. Tôi biết Stepashin là bạn, cũng là người đồng hương của anh, nhưng bây giờ anh cần phải suy nghĩ khác. Vị thế của anh phải vững chắc".

Yeltsin tìm thấy một người mà ông đã tìm từ rất lâu. Nhiều người mơ ước trở thành tổng thống nhưng tay trắng hoàn tay trắng. Lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ Nga là một người không hề mong đợi điều này.

Ba ngày trước khi ông được bổ nhiệm làm Thủ tướng Chính phủ, Putin về chịu tang cha. Cả cha và mẹ Putin đều phải vào nằm viện cùng lúc. Nhưng bà Maria Ivanovna đã về cõi vĩnh hằng vào ngày 6 tháng 7 năm 1998. Cha Putin bị ung thư và nằm trong bệnh viện gần 2 năm. Ông vừa mới có thể đi lại. Putin mỗi tuần đều bay về thăm cha. Nhưng cha ông đã không kịp chúc mừng con trai...

Mặc dù cha đã qua đời, Putin vẫn bình tĩnh trong ngày đầu tiên ở cương vị Thủ tướng Chính phủ. Phát biểu trên truyền hình nhân dịp Putin được bổ nhiệm làm Thủ tướng, ông Yeltsin nói:

"Đúng tròn 1 năm kể từ ngày lựa chọn người vào vị trí tổng thống. Và bây giờ tôi đã quyết định giới thiệu một người, theo ý kiến của tôi, người đó có khả năng củng cố xã hội khi biết dựa vào các lực lượng chính trị rộng rãi để đảm bảo việc tiếp tục công cuộc cải tổ ở Nga. Người này có thể tập hợp xung quanh mình những người, mà những người đó trong thế kỷ XXI, sẽ phải đổi mới nước Nga vĩ đại. Người đó chính là Thư ký Hội đồng An ninh, Giám đốc ngành An ninh Liên bang, ông Vladimir Putin...".

Những lời phát biểu trên truyền hình của Yeltsin không được mọi người lắng nghe một cách nghiêm túc. Các phương tiện truyền thông cũng đón nhận với vẻ hoài nghi.

Trong hòm phiếu ở Duma Quốc gia ngày 16 tháng 8 năm 1999, Putin chỉ giành được 233 phiếu - ít hơn tất cả những người tiền nhiệm của ông. Đó là một con số quá nhỏ.

Và rồi, việc gì cần đến nó đã đến. Boris Yeltsin đã "tự hào" về việc chọn Putin làm Thủ tướng. Mùa hè năm 1999, đã liên tiếp xảy ra các vụ nổ ở Moskva và một số thành phố khác làm cho người dân sợ hãi. Vào thời điểm đó, Putin đã xuất hiện và hứa sẽ trừng phạt bọn tội phạm và ông bắt đầu hành động một cách kiên quyết và thẳng tay trừng trị những kẻ phá hoại.

Ở cương vị Thủ tướng - một cương vị tầng lớp trên, song tất cả mọi công việc Putin đều thống nhất với Tổng thống và những người xung quanh ông. Ông không cho phép mình để bất kỳ lời nói nào, bất kỳ một cử chỉ nào làm cho những người xung quanh Tổng thống bị nhầm lẫn.

Ngày 14 tháng 12 năm 1999, trước khi có cuộc bầu cử vào Duma Quốc gia, Yeltsin nói với Thủ tướng Putin ông đã quyết định rời bỏ nhiệm sở trước thời hạn, Putin trở thành Quyền Tổng thống và với tư cách là quyền Tổng thống, Putin sẽ tham gia vào cuộc bầu cử. Cuộc bầu cử được tiến hành sớm sẽ tạo cho Putin có cơ hội chiến thắng, các đối thủ của ông không có thời gian chuẩn bị.

Tuy thế, Putin vẫn đề nghị Yelsin không rời nhiệm sở, vì Putin cần ở lại cương vị Thủ tướng cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ để tiếp thu kinh nghiệm và cũng dễ dàng hơn khi được ở bên cạnh Tổng thống. Song Yeltsin vẫn không thay đổi quyết định.

Trong thời gian các tổ bầu cử đua nhau vận động cử tri ủng hộ cho ứng viên của mình, Putin đã không thể thực hiện các yêu cầu của Ban Tham mưu tổ bầu cử. Ông chỉ làm những gì ông coi là cần thiết. Người ta nói rằng, vị Quyền Tổng thống đã xuất hiện trên màn hình truyền hình như thế là đủ. Mỗi ngày mới, công chúng lại có thêm ấn tượng tốt đẹp mới về Putin.

Ông đã trao quân hàm mới cho các quân nhân, trao tặng huân chương cho các phi hành gia, trao các giải thưởng cấp Nhà nước cho các nhà hoạt động văn hóa, ông hứa sẽ tăng lương hưu cho những cán bộ hưu trí, nâng lương cho các nhân viên nhà nước, giảm thuế cho các công nhân dầu mỏ và công nhân khí đốt.

Đây là một chiến thuật tự nhiên của cuộc bầu cử. Cử tri được nghe ông trực tiếp phát biểu không theo bài chuẩn bị trước, xem ông phản ứng lại những câu hỏi bất ngờ như thế nào. Có thể giải thích rằng, tất cả những phát ngôn đó mới chính là tư duy và lập luận của ông.

Ngày 29 tháng 12 năm 1999, đã công bố cương lĩnh "Nước Nga vào đầu thiên niên kỷ" của Quyền Tổng thống Nga Putin. Trong cương lĩnh ít nói về dân chủ, nhân quyền, Nhà nước pháp quyền và các nền tảng khác của nước Nga mới, mà lại nói nhiều về ý tưởng dân tộc, về những giá trị nguyên thủy và truyền thống. Cử tri như được giới thiệu những điều hầu như đã bị lãng quên. Trong cương lĩnh cũng nêu rõ Nga là một cường quốc và cần phải giành lại vị thế cũ của nó.

Cuộc bầu cử tổng thống Nga sớm niên hạn đã được tổng kết vào đêm 26 tháng 3 năm 2000 với 11 ứng cử viên tham gia và ông Putin giành chiến thắng chung cuộc với tỷ lệ 52,92% cư tri ủng hộ. Lễ nhậm chức của ông diễn ra vào ngày 7-5-2000 tại điện Kremlin.

Ngày 6-12-2017, tại lễ kỷ niệm 85 năm thành lập Nhà máy sản xuất ôtô GAZ ở thành phố Nizhny Novgorod (Liên bang Nga), Tổng thống Vladimir Putin chính thức tuyên bố sẽ tham gia tranh cử Tổng thống Nga nhiệm kỳ 2018-2022. Hội đồng bầu cử Liên Bang Nga quyết định bầu cử vào ngày 18-3-2018. Nếu Putin trúng cử, đây sẽ là nhiệm kỳ tổng thống thứ 4 của ông.

Ninh Công Khoát (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/tu-lieu-antg/putin-va-nhung-dieu-chua-biet-chang-duong-dua-putin-den-ghe-tong-thong-481057/