PVN thành lập Chi nhánh Phát điện Dầu khí

Chiều 24/5, tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã công bố thành lập Chi nhánh Phát điện Dầu khí - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVPGB).

Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng phát biểu tại lễ công bố thành lập PVPGB. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng phát biểu tại lễ công bố thành lập PVPGB. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng cho biết, lĩnh vực công nghiệp điện là một trong 5 lĩnh vực hoạt động cốt lõi của PVN. Đến nay, tổng công suất đặt nguồn điện của Công ty mẹ (PVN) và Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) đã đạt 6.605 MW, chiếm khoảng 8,5% tổng công suất toàn hệ thống, với tổng sản lượng điện đạt trên 250 nghìn tỷ kWh, chiếm khoảng 10% sản lượng quốc gia, đóng góp quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Hiện nay, hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh điện của PVN được tổ chức tại Công ty mẹ và thông qua PV Power. Theo đó, PVPGB được thành lập để thực hiện chức năng quản lý, khai thác, tổ chức vận hành, bảo dưỡng, sản xuất, kinh doanh cho các nhà máy điện do Công ty mẹ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư, trước mắt là nhà máy điện Sông Hậu 1 và nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2.

Với quy mô đầu tư của Công ty mẹ tại hai nhà máy điện lên tới xấp xỉ 85.000 tỷ đồng, dự kiến doanh thu của PVPGB đạt khoảng 25.000 tỷ đồng, đội ngũ nhân lực với trên 1.000 lao động kỹ thuật cao và công nhân kỹ thuật, PVPGB là một trong những đơn vị có vai trò quan trọng trong Tập đoàn.

"Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, PVPGB cần khẩn trương triển khai các mô hình quản trị của Chi nhánh và các nhà máy gắn với kiện toàn nhân sự chủ chốt. Đồng thời, sớm ban hành quy định quản trị, hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật để làm cơ sở giám sát các hoạt động; phối hợp với các Ban của PVN triển khai chuyển đổi số, nhất là xây dựng cơ sở dữ liệu cho các nhà máy điện để tích hợp vào hệ thống dữ liệu của PVN.

Toàn cảnh lễ công bố thành lập Chi nhánh Phát điện Dầu khí. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Bên cạnh đó, PVPGB khẩn trương phối hợp với các Ban Quản lý dự án Thái Bình 2 và Sông Hậu 1 tiếp nhận tài sản và con người, bố trí hợp lý nhân sự ở các nhà máy và Chi nhánh. Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với các bên tiếp nhận các hợp đồng thương mại của các nhà máy, không để xảy ra tình trạng gián đoạn trong chuyển giao, nhất là trong thời điểm hiện nay. Ngoài ra, triển khai xây dựng đội ngũ chuẩn bị cho việc tham gia vào thị trường điện cạnh tranh", Tổng Giám đốc PVN nhấn mạnh.

Đánh giá vai trò quan trọng của PVN trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đề nghị PVN chỉ đạo sát sao, đảm bảo cho PVPGB hoạt động hiệu quả.

ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Về phía PVPGB, khẩn trương hoàn thiện cơ cấu tổ chức, tập trung toàn bộ nhân lực, vật lực đảm bảo vận hành an toàn, ổn định, hiệu quả các nhà máy điện Thái Bình 2 và Sông Hậu 1, góp phần cung ứng điện đầy đủ cho nền kinh tế.

Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo, Giám đốc PVPGB Hồ Công Kỳ cam kết sớm kiện toàn, ổn định tổ chức bộ máy Chi nhánh, thực hiện tiếp nhận tài sản, tổ chức thực hiện vận hành và bảo dưỡng sửa chữa các nhà máy điện của Tập đoàn (trước mắt là nhà máy điện Sông Hậu 1, Thái Bình 2, Long Phú 1) đảm bảo an toàn, ổn định, liên tục và hiệu quả trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật về hoạt động điện lực, thị trường điện và pháp luật liên quan.

Giám đốc PVPGB Hồ Công Kỳ phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

PVPGB cũng ưu tiên mọi nguồn lực, nâng cao năng lực quản lý kỹ thuật, vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa nhà máy điện; xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật trình độ chuyên môn cao để nhanh chóng làm chủ công nghệ và kỹ thuật, quy trình vận hành nhà máy điện và bảo dưỡng sửa chữa; thực hiện thí nghiệm hiệu chỉnh, tối ưu các chế độ vận hành, nâng cao hiệu suất, đảm bảo các nhà máy điện khả dụng cao nhất và đáp ứng các định mức kinh tế kỹ thuật.

Cùng đó, tập trung nghiên cứu, phát triển công nghệ mới trong lĩnh vực vận hành và bảo dưỡng sửa chữa, với định hướng kết hợp bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ theo số giờ vận hành EOH và xu thế bảo trì dự phòng, bảo trì tiên đoán (PM) thông qua việc theo dõi, giám sát online tình trạng thiết bị, các thông số vận hành để giảm thời gian bão dưỡng, sửa chữa, nâng cao độ khả dụng các nhà máy điện. Ngoài ra, xây dựng cơ chế quản trị chuyên nghiệp, từ nguồn lực, chi phí, vật tư, hàng tồn kho đến thương mại, chào giá và tham gia thị trường điện để tối ưu chi phí, tăng doanh thu, nâng cao hiệu quản sản xuất kinh doanh.

Theo quyết định thành lập, PVPGB là đơn vị trực thuộc, hạch toán phụ thuộc của PVN có Quy chế tổ chức và hoạt động, Quy chế tài chính do PVN phê duyệt và ban hành; có con dấu riêng để giao dịch; được mở tài khoản tiền Việt Nam và ngoại tệ tại hệ thống ngân hàng thương mại trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật./.

Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/pvn-thanh-lap-chi-nhanh-phat-dien-dau-khi/292321.html