QL2B đi Tam Đảo thi công ì ạch, mất ATGT

Dự án cải tạo, nâng cấp QL2B đoạn từ cầu Chân Suối đến Khu du lịch Tam Đảo 1 đang gặp nhiều bất cập.

Nhà thầu thi công tuyến QL2B đổ đất đá thải xuống taluy âm gây ảnh hưởng nghiêm trọng hệ sinh thái rừng

Nhà thầu thi công tuyến QL2B đổ đất đá thải xuống taluy âm gây ảnh hưởng nghiêm trọng hệ sinh thái rừng

Thi công ì ạch, mất ATGT

Chiều 25/7, PV Báo Giao thông có mặt tại dự án cải tạo, nâng cấp tuyến QL2B đoạn từ cầu Chân Suối đến Khu du lịch Tam Đảo 1 và ghi nhận tại đây nhà thầu đã thi công toàn bộ chiều dài tuyến với các hạng mục như mở rộng đường, xử lý taluy dương… Tuy nhiên, công tác đảm bảo ATGT không được chú trọng.

Để phục vụ thi công, tại nhiều vị trí trên tuyến, nhà thầu đã cắt bỏ hộ lan, thậm chí nhiều đoạn hộ lan còn bị hư hỏng nặng, biến dạng do bị đất đá sau nổ mìn đè lên nhưng không được khắc phục, trong khi tuyến đường chủ yếu là đèo dốc, nhiều khúc cua gấp nguy hiểm. Một số đoạn, đơn vị thi công đối phó bằng cách đặt các hộ lan gối lên nhau một cách “hờ hững” mà không lắp ngay ngắn, đoạn khác sử dụng cọc tiêu và dây chằng sơ sài không đảm bảo ATGT.

Nhiều đoạn mặt đường cũ bị xuống cấp hư hỏng nặng khi liên tục xuất hiện “ổ gà”, “ổ voi” như Km19 - Km20, hay Km 21+500 - Km25. Đặc biệt, thời gian vừa qua, do ảnh hưởng từ cơn bão số 3, lượng nước từ trên nguồn đổ về chảy qua phần đường được mở rộng đã khiến lớp đá dăm bên trên bị xói mòn tạo thành những rãnh sâu, trơ đất đỏ gây khó khăn cho người tham gia giao thông.

Cùng với đó, dù việc thi công dàn trải trên toàn tuyến đường đèo dốc nguy hiểm, nhưng công tác huy động nhân lực, thiết bị để đẩy nhanh tiến độ thi công còn chưa được nhà thầu chủ động. Tại thời điểm PV Báo Giao thông ghi nhận (khoảng 16h chiều 25/7), trên công trường chỉ gặp vài ba điểm có máy móc thi công lẻ tẻ, tập trung nhiều nhất tại Km20, nơi đang được xử lý taluy dương.

Chị Vũ Thị Ngọc (du khách Hà Nội) chia sẻ, suốt quãng đường từ Vĩnh Yên lên khu du lịch Tam Đảo thi công ngổn ngang, mất ATGT. “Cả tuyến có hơn 10km nhưng đi mất hơn 30 phút. Không biết khi nào tuyến đường mới hoàn thành, đường thế này tôi không muốn trở lại Tam Đảo”, chị Ngọc nói.

Ông Hoàng Văn Bản, Phó chánh TTGT Vĩnh Phúc cho biết, đơn vị từng nhiều lần kiểm tra, phát hiện và xử phạt các nhà thầu thi công dự án cải tạo nâng cấp tuyến QL2B đoạn Km 13 - Km 24 do vi phạm quy định trong công tác đảm bảo ATGT khi thi công trên đường đang khai thác.

Gần đây nhất, khoảng 10h40 ngày 24/7, tại Km 15+200 QL2B, lực lượng TTGT Vĩnh Phúc đã phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Xây dựng Kinh Đô vì thi công trên đường bộ đang khai thác (Km 14+700 và Km 15+200 QL2B) có bố trí biển báo hiệu, cọc tiêu di động, rào chắn nhưng không đầy đủ theo quy định.

Trước đó, ngày 17/7, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã có văn bản yêu cầu Sở Xây dựng, chủ đầu tư dự án nâng cấp, cải tạo tuyến QL2B và nhà thầu phối hợp làm việc với Sở GTVT để khắc phục các tồn tại khi thi công công trình. Tuy nhiên, đơn vị thi công tuyến đường vẫn liên tục vi phạm.

Hệ thống sinh thái ảnh hưởng nghiêm trọng vì đất thải

Chiều 25/7, PV Báo Giao thông ghi nhận, tại nhiều vị trí trên tuyến QL2B, đất đá sau nổ mìn được đơn vị thi

công xả trực tiếp vào taluy âm, có những đoạn đường kéo dài hàng chục mét, sâu đến gần trăm mét, trắng đất đá thải gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống sinh thái Rừng quốc gia Tam Đảo, như tại Km14, Km 16+200, Km 16+500 - Km17, Km 20+400 - Km 20+700… Bên cạnh đó, nhiều đoạn đất thải còn đổ trực tiếp trên mặt đường cũ, ngay cạnh đơn vị thi công đang làm việc như tại Km20.

Dự án cải tạo, nâng cấp QL2B từ cầu Chân Suối đến khu du lịch Tam Đảo 1 được triển khai nhằm cải thiện hạ tầng du lịch - dịch vụ thuộc khu du lịch này. Công trình được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi, trong đó tuyến chính và 2 tuyến nhánh với tổng chiều dài 12,31km. Đơn vị thi công công trình là liên danh nhà thầu Công ty TNHH MTV Xây dựng 472 và Công ty CP Xây dựng Tone Thăng Long.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Việt Hải, Tư vấn trưởng Dự án nâng cấp, cải tạo tuyến QL2B thừa nhận, tại nhiều vị trí trên tuyến còn tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Tuy nhiên, do thời tiết mưa kéo dài khiến công tác khắc phục gặp khó khăn. “Ngay khi thời tiết tạnh ráo, chúng tôi sẽ xử lý, khắc phục”, ông Hải nói.

Về việc đổ đất đá thải xuống taluy âm, ông Hải xác nhận PV phản ánh là đúng nhưng lý giải: “Đấy là do đơn vị thi công tiến hành cạp lề theo đúng hồ sơ thiết kế đã được thẩm định, phần khác, do người dân lợi dụng lúc đơn vị thi công nghỉ ăn trưa đã đổ trộm xuống tuyến đường”.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, trong hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công - Dự toán dự án cải tạo, nâng cấp tuyến QL2B đã được Sở GTVT thẩm định tháng 11/2016, có quy định về việc vận chuyển, tập kết đất đá thừa khỏi dự án sau khi đã tận dụng.

Tuyến đường QL2B thi công ì ạch, ngày nắng bụi mù, ngày mưa lầy lội, mất ATGT

Theo đó, đất đá không sử dụng phải vận chuyển khỏi dự án tạm tính về khu vực mỏ đá Bảo Quân; còn đối với đất tận dụng đắp được, chủ đầu tư cần nghiên cứu, đề xuất điều tiết sang các dự án khác đang triển khai gần khu vực dự án để tận dụng tối đa lượng đất đắp, giảm kinh phí đầu tư xây dựng.

Về vấn đề này, ông Phùng Ngọc Tuân, Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình giao thông, Sở GTVT Vĩnh Phúc khẳng định: “Theo quy định, phần đất đá thải buộc phải di chuyển ra khỏi khu vực thi công, không được sử dụng ngay kể cả để cạp lề. Hơn nữa, không có việc hồ sơ thiết kế phê duyệt cho đơn vị thi công tiến hành cạp lề ở những vị trí có độ sâu 80-100m bởi điều này là… bất khả thi”.

Anh Đức - Yến Chi

Nguồn ATGT: http://www.atgt.vn/ql2b-di-tam-dao-thi-cong-i-ach-mat-atgt-d266372.html