Qua cầu Chống Gậy

Cây cầu bắc qua sông Chống Gậy nối 2 xã Hòa Mỹ Tây và Sơn Thành Đông (huyện Tây Hòa) được đặt tên là cầu Chống Gậy.

Trẻ em tắm gần bờ sông Chống Gậy nơi lòng sông cát trắng, có người lớn trông coi. Ảnh: MẠNH HOÀI NAM

Một sáng cuối tuần chúng tôi tìm đến cầu Chống Gậy. Phía bên kia cầu theo hướng xã Sơn Thành Đông đi qua quẹo trái xuống mố chân cầu là rừng tre. Đây là tre lấy măng, chỉ to bằng cây trúc, không có gai. Rừng tre che phủ đan lá thành vòm như lợp mái nhà. Rừng tre này đang là điểm đến rất được ưa thích của du khách bởi không khí trong lành, phong cảnh miền quê thanh bình.

Bếp củi dưới vòm tre xanh

Chị Đặng Thị Nhung đến từ xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa) tấm tắc: Rừng tre rất đẹp. Những ngọn tre đan xen thành mái vòm, tạo bóng mát lý tưởng. Theo chị Nhung, mọi người đến đây mua sẵn thịt heo, gà, cá mang theo. Tại chỗ có bà cô U70 chuẩn bị sẵn từ nồi nhỏ, nồi to, chảo trung đến củi lửa và có cả khuôn đúc bánh xèo. “Cô phục vụ mọi thứ, trước khi về bồi dưỡng cho cô 100.000 hay 200.000 đồng tùy mỗi người”, chị Nhung nói.

Anh Bùi Văn Tuấn ở phường Xuân Đài (TX Sông Cầu) lần đầu đến nơi này chia sẻ: Ban đầu tôi thấy lạ với cái tên Chống Gậy. Đến nơi thì thấy đúng là chống gậy thiệt. Từ bờ sông tôi lội ra, bàn chân dò dẫm dưới đáy sông toàn là đá hòn phủ đầy rong rêu, nếu không có cây gậy để chống thì dễ bị trượt té.

Mấy đứa con, cháu của anh Tuấn đều ở vùng biển đi chơi theo hướng lên rừng nên đứa nào cũng thích. Anh Tuấn ngon trớn nói tiếp câu chuyện: “Lên đây trẻ con nằm võng dưới bóng tre rợp mát, ngắm khoảng trống giữa hai bụi tre như khung cửa sổ của làng quê. Từ sông Chống Gậy, cơn gió tự nhiên mang hơi nước thổi vào mát rượi”.

Gần trưa, một tốp người mang xoong nồi đến, bày ra nào cá, gà, thịt heo…, rồi nổi lửa bắc nồi nấu cơm. Chị Bùi Thị Nga, một người trong nhóm mới đến từ xã Hòa Mỹ Đông (huyện Tây Hòa) chia sẻ: Anh em làm cơ quan nhà nước, cuối tuần rủ nhau đưa con cái đến đây thư giãn cho mát mẻ. Cuộc sống hiện đại, đầy đủ, ai cũng hài lòng với những gì mình có nhưng trẻ con thiếu nồi cơm nấu củi, cảnh quê mùa thân thương nên rất cần đến những nơi như thế này.

Chống gậy khi lội sông

Chúng tôi gặp bà Lê Thị Tuyết - người phục vụ xoong nồi, củi lửa cho các nhóm gia đình. Đang quét lá tre rụng trên lối đi, người phụ nữ 67 tuổi này dừng tay nói: Ngày nào tôi cũng dọn dẹp tro bếp, lá chuối, quét lá tre khô nên lúc nào vườn tre cũng sạch sẽ. Tôi có mỗi đứa con nhưng bị ảnh hưởng chất độc da cam, nên não chậm phát triển. 37 tuổi rồi mà nó còn ngồi một chỗ vì đôi chân teo tóp. Ông chủ trồng tre thấy hoàn cảnh gia đình như vậy nên cho mượn vườn tre này để tôi mang xoong nồi, củi đến phục vụ nấu nướng, họ cho bao nhiêu thì tùy. Sau khi họ vui chơi ra về, tôi quét dọn sạch sẽ.

Bà Tuyết kể, quê bà ở phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa) đi kinh tế mới lên đây đã 48 năm. Sông Chống Gậy bắt nguồn từ ngã hai sông Thầy, trong hóc núi sâu. Khi chảy ra xã Sơn Thành Đông, dưới lòng sông đá cuội tròn lẳn, người dân hái măng và làm rẫy thường phải chống gậy để đi qua nên gọi là sông Chống Gậy. Còn cầu Chống Gậy mới xây sau này, tầm 5-7 năm nay.

Theo ông Huỳnh Như Ngân, nguyên Phó Giám đốc Sở TT&TT, trước năm 1975, ông từng nhiều lần lội qua sông Chống Gậy. Lúc ấy phải chống gậy mới đi được vì nước chảy xiết. Từ sông Chống Gậy lên Suối Phẩn, rồi vào núi Ông - vùng căn cứ cách mạng nằm sâu trong hang đá. “Nước chảy róc rách, cá bơi theo lạch nước, cua bò vào kẽ đá..., lớp lớp cây xanh trườn theo núi đồi xanh biếc! Thời gian trôi qua, hồi tưởng xưa vẫn còn nhớ mãi...”, ông Ngân nhớ lại.

Nhạc sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Cao Hữu Nhạc, nguyên Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển, quê ở huyện Tây Hòa, chia sẻ: Cầu Chống Gậy bắc qua sông Chống Gậy trên con đường nối giữa Hòa Mỹ Tây và Sơn Thành Đông. Ngày xưa kêu sông Chống Gậy, vì hồi đó nước rất hỗn, đi qua sông này, phải chống gậy nếu không sẽ bị trượt chân. Còn ngày nay, nhiều người đến đây, ai cũng thích phong cảnh sông Chống Gậy. Đây là điểm đến rất được ưa thích của du khách.

Theo quan sát của chúng tôi, cầu Chống Gậy nằm ở vị trí kết nối đường bộ quan trọng từ xã Hòa Mỹ Tây lên Sơn Thành Đông và ngược lại, cùng với quốc lộ 29 nối tuyến đường từ miền biển lên. Đây là điểm du lịch thuận lợi để du khách khám phá sự bình lặng, nhẹ nhàng, hấp dẫn của sông Chống Gậy và cầu Chống Gậy.

Thời gian qua, nhiều người chia sẻ hình ảnh bờ tre sông Chống Gậy qua mạng xã hội, lần đầu đến đây tôi xiêu lòng trước vẻ đẹp của vòm lá tre. Cuộc sống hiện đại, đầy đủ, ai cũng hài lòng với những gì mình có nhưng trẻ con thiếu nồi cơm nấu củi, cảnh quê mùa thân thương nên rất cần đến những nơi như thế này.

Chị Bùi Thị Nga ở xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tây Hòa

MNH HOÀI NAM

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/314571/qua-cau-chong-gay.html