“Quả đắng” du học Nhật để… kiếm tiền

Vỡ mộng kiếm tiền bằng con đường du học, nhiều gia đình ở miền biển Bình Minh (Thăng Bình, Quảng Nam) phải gánh khoản nợ lên đến hàng trăm triệu đồng, con cái thất nghiệp, trắng tay.

Thời gian gần đây, ở các xã miền biển thuộc huyện Thăng Bình nổi lên phong trào đi du học nước ngoài để làm thêm kiếm tiền. Nhiều gia đình đã vay mượn, bỏ ra hàng trăm triệu đồng cho con đi du học ở Nhật với mong muốn có thể làm thêm kiếm 20-30 triệu đồng/tháng.

Mất cả chì lẫn chài

Giữa năm 2012, Trần Văn Thiên (thôn Bình Tân, Bình Minh) được Trần Nhân Vũ, tự xưng là giám đốc của Công ty CP Du học Quốc tế PS - Chi nhánh Đà Nẵng, đến tư vấn du học Nhật. Theo người này, khi đi du học có thể kết hợp làm thêm với mức thu nhập 25-40 triệu đồng/tháng. Phía công ty sẽ lo nơi ăn ở, tìm kiếm công việc thích hợp… Tin lời Vũ, gia đình Thiên xoay xở số tiền gần 300 triệu đồng để cho con đi du học.

Mặc dù không biết tiếng Nhật nhưng Thiên vẫn được cấp chứng chỉ tiếng Nhật (loại N5) và visa du học. Sau khi hoàn thành các khoản chi phí, ngày 28-12-2012, Thiên được đưa sang Nhật cùng với nhiều người khác. Tuy nhiên, trái ngược với những gì Vũ cam kết, Thiên bị bỏ rơi, không có việc làm, lâm vào cảnh khó khăn. Không có kinh phí để trang trải sinh hoạt, nhiều người gọi điện thoại về nhà xin tiền, số còn lại thì phải đi “làm chui”. “Tụi em phải sang tận TP Chi Ba (kế bên Tokyo) để làm các công việc như làm vườn, trồng rau, vác gỗ…”. Đến tháng 9-2013, do không có tiền đóng học phí nên Thiên phải về nước. “Đi cùng đợt với em có gần 30 người, trong đó có 10 người ở xã Bình Minh. Nhưng khi qua bên đó thì mỗi người một nơi nên không rõ tình hình” - Thiên cho hay.

Cùng chung tình cảnh, Võ Thanh Trung (thôn Bình Tân, Bình Minh) cũng nhờ gia đình đứng ra bảo lãnh vay gần 250 triệu đồng để đi Nhật “vừa học vừa làm”. Được bốn tháng thì Trung phải nhờ người nhà gửi tiền qua để lo các chi phí ăn uống, sinh hoạt. “Tụi em không thể kiếm được việc làm thêm, trong khi các chi phí hằng ngày rất đắt đỏ. Về phía nhà trường thì luôn phàn nàn về khả năng tiếng Nhật kém cỏi của học sinh” - Trung cho biết. Đến cuối năm 2013, do gia đình không còn đủ kinh phí để đóng học phí, Trung phải bỏ ngang giữa chừng để về nước.

Gia đình bà Đặng Thị Hợp (mẹ Thiên) phải gánh khoản nợ hơn 200 triệu đồng vay cho con đi du học Nhật. Ảnh: TT

Gia đình ôm nợ

Ông Trần Minh Hùng, cha của Thiên, cho hay để lo một khoản tiền lớn cho con đi du học Nhật, gia đình phải vay ngân hàng gần 90 triệu đồng và bốn cây vàng của người thân. “Nghe nói khi đi du học Nhật thì ba năm đầu vừa học vừa làm. Sau đó được ở lại thêm bảy năm để làm việc. Họ nói thu nhập gần 40 triệu đồng/tháng nên tôi nghĩ sẽ đủ tiền trả nợ, số dư dành vốn làm ăn. Ai ngờ…” - ông Hùng ngao ngán.

Bà Trịnh Thị Nguyệt (mẹ Trung) cũng buồn rầu: “Sau khi về nước, Trung đã ra Đà Nẵng tìm việc làm để kiếm tiền trả nợ. Khoản nợ quá lớn, gia đình tôi không biết lấy gì để trả”.

Những ngày này, nhiều người dân ở xã Bình Minh lo lắng không yên trước thông tin sinh viên bị lừa qua Nhật du học. Hiện tại, người dân địa phương cũng không thể liên lạc được với Trần Nhân Vũ, người của Công ty PS.

Sau khi xảy ra tình trạng trên, UBND xã Bình Minh đã cảnh báo người dân về việc cân nhắc, lựa chọn doanh nghiệp đưa sinh viên đi du học. Ông Trần Văn Tám, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Minh, cho biết mặc dù địa phương không có chủ trương đưa con em đi du học để làm thêm kiếm tiền nhưng nhiều người vẫn đi. “Trong quá trình tư vấn, tuyển chọn sinh viên đi du học Nhật, chỉ có Công ty Tư vấn Du học Quốc tế DayStar (trụ sở tại Đà Nẵng) đến làm việc, trình các giấy tờ liên quan với UBND xã, còn lại thì không có. Số người đi du học ở xã còn nhiều hơn thống kê sơ bộ (hơn 20 người) nhưng xã không thể quản lý hết. Chúng tôi chỉ có chức năng ký xác nhận, còn không quản lý được số du học sinh này” - ông Tám cho biết.

TẤN TÀI

Nói “vống” để lấy tiền “cò”

Để hoàn thành một bộ hồ sơ du học ở Nhật cũng yêu cầu khắt khe như du học tại Mỹ, Úc, Anh… Cụ thể người tham gia chương trình du học phải thể hiện trong hồ sơ sự liên tục trong quá trình học tập. Còn những trường hợp đã gián đoạn thời gian học tập nay lại có nguyện vọng du học thì phải chứng minh cho được trình độ chuyên môn, chuyên ngành dự kiến sẽ học tiếp một cách lôgic. Yêu cầu ngặt nghèo kế tiếp là phải chứng minh rõ ràng bốn yêu cầu chung, gồm: Thu nhập hằng năm, đóng thuế thu nhập, tài sản (sổ đỏ nhà, đất), sổ tiết kiệm tại ngân hàng khoảng 20.000 USD.

Hằng năm tại Nhật có hai đợt nhập học (vào tháng 4 và tháng 10). Tùy các trường ĐH, CĐ mà có yêu cầu sinh viên phải đóng trước học phí từ sáu tháng đến 1,5 năm với mức học phí dao động 250-300 triệu đồng. Về thời gian học, hai năm đầu các trường yêu cầu du học sinh phải học tiếng Nhật liên tục, hai năm còn lại mới học chuyên môn. Riêng thời gian làm thêm đối với du học sinh, nửa năm đầu, các trường đánh giá trình độ tiếng Nhật giỏi mới được đi làm thêm. Thời gian làm thêm chỉ giới hạn bốn giờ/tuần. Tại Nhật chi phí rất đắt đỏ nên số tiền làm thêm vừa đủ trang trải ăn ở chứ không thể dư dả để gửi về gia đình.

Thực ra những du học sinh giỏi tiếng Nhật, giỏi chuyên môn sau khi hoàn tất chương trình học rất dễ xin việc tại Nhật với thu nhập cao, công việc lâu dài, ổn định. Lợi dụng số ít này các công ty đem ra minh họa để “dụ” các gia đình nghèo chạy vạy đưa con đi cho bằng được. Còn “cò” tại Việt Nam thì tranh thủ một số trường ĐH, CĐ tại Nhật thiếu chỉ tiêu tuyển sinh đặt hàng tuyển dụng để hưởng hoa hồng nên đã vẽ lên vô số viễn cảnh tươi đẹp để làm mồi.

Bà DƯƠNG THỊ THU CÚC, chuyên gia nhiều năm đưa lao động sang Nhật làm thực tập sinh

PHONG ĐIỀN ghi

Trao đổi qua điện thoại, đại diện Công ty CP Tư vấn Du học PS thừa nhận hai trường hợp Thiên và Trung là do đơn vị này đưa sang Nhật du học. Tuy nhiên, ông này phủ nhận việc công ty cam kết hay hứa hẹn tìm việc làm thêm cho Trung và Thiên với mức lương 20-30 triệu đồng/tháng. “Ông Trần Nhân Vũ là nhân viên của công ty và cũng là người nhận số tiền của Thiên và Trung. Hiện nay ông Vũ đã nghỉ việc và bỏ trốn. Việc bỏ trốn của ông Vũ không liên quan gì đến hoạt động tư vấn du học của công ty mà do chuyện cá nhân của riêng ông Vũ” - ông này nói.

Nguồn PLO: http://plo.vn/giao-duc/qua-dang-du-hoc-nhat-de-kiem-tien-452175.html