Qua miền di sản

Công viên Địa chất Non Nước Cao Bằng đã trở thành công viên địa chất toàn cầu thứ hai ở Việt Nam, sau Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Tin vui này đến với Cao Bằng từ ngày 12/4/2018, khi Hội đồng Chấp hành UNESCO thông qua nghị quyết công nhận Công viên Địa chất Non nước Cao Bằng là Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO tại kỳ họp lần thứ 204 ở Paris. Người Cao Bằng chính thức được trao sứ mệnh gìn giữ và phát huy giá trị của di sản ấy.

Công viên địa chất Non nước Cao Bằng với nhiều giá trị địa chất – địa mạo nổi bật, tầm cỡ quốc tế.

“Lãnh địa” của đá

Tôi đã không khỏi ngạc nhiên khi lần đầu tiên lạc vào “lãnh địa” của những ngôi nhà sàn đá - thôn Khuổi Kỵ, xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Cách thác Bản Giốc chỉ khoảng 2km, Khuổi Kỵ như một chiến lũy được bày binh bố trận bởi những bức tường đá bao bọc các ngôi nhà.

Công viên địa chất Non nước Cao Bằng là Công viên địa chất toàn cầu, ghi nhận danh hiệu thứ 38 mà Việt Nam được UNESCO công nhận.

Đa số những người con của Khuổi Kỵ là dân tộc Tày. Họ có tín ngưỡng thờ đá. Họ coi đá là khởi nguồn của sự sống và là trung tâm của vũ trụ. Họ quan niệm rằng, con người sinh ra từ đá và khi chết sẽ hóa thành đá.
Ở đây, vào một buổi chiểu lảng bảng khói bếp, bản làng trở nên cổ kính, nhuốm màu huyền thoại miền biên viễn, tôi gặp Kim Roy - một thanh niên Hàn Quốc.

Kim Roy “mê mẩn” với vẻ đẹp của Cao Bằng, nhưng nhận thấy người dân địa phương chưa được hưởng lợi nhiều từ sự phát triển du lịch, anh đã tư vấn cho địa phương, đồng thời tài trợ 60 triệu đồng cải tạo, nâng cấp Nhà văn hóa xóm Khuổi Kỵ thành một cơ sở homestay theo mô hình quản lý cộng đồng, cùng anh làm du lịch và chia sẻ lợi nhuận.

Tuy nhiên, Kim Roy bày tỏ lo ngại du lịch Cao Bằng cũng sẽ giống như nhiều địa phương khác, sau mỗi lần được công nhận danh hiệu UNESCO lại sa vào tình trạng phát triển nóng, thiếu chọn lọc.

Theo anh Kim Roy, tài nguyên du lịch Cao Bằng rất lớn, người dân bản địa thân thiện. Điều cần có là ngành du lịch tỉnh phải chú trọng bảo tồn, giữ gìn vẻ đẹp nguyên sơ của tự nhiên cũng như bản sắc dân tộc để phát triển một cách bền vững.

Ứng xử với di sản

Tôi ngẫm về trăn trở của Kim Roy và lượng khách quốc tế đến nước ta đạt mức kỷ lục 15,5 triệu lượt người năm 2018, tăng 19,9% so với năm trước (tăng hơn 2,6 triệu lượt khách).

Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam (bên phải) trao Danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng cho Việt Nam.

Quả thực, lâu nay, du lịch và di sản luôn được nhìn nhận trong mối quan hệ hai chiều: Di sản là tài nguyên vô giá để phát triển du lịch; và ngược lại, phát triển du lịch tạo điều kiện quảng bá, phục hồi, phát huy tốt hơn giá trị di sản. Tuy nhiên, từ thực tế hoạt động du lịch thời gian qua, dễ nhận thấy phần “thua thiệt” thường thuộc về di sản, khi mà sự tăng trưởng du lịch quá nhanh, đã và đang gây nhiều sức ép lên di sản, nhất là tại những nơi du lịch phát triển “nóng”.

Hội An là một điển hình. Từ một khu phố nhỏ nằm phía tả ngạn sông Thu Bồn, nay Hội An đã trở thành điểm đến của bốn triệu lượt du khách mỗi năm, trong khi dân số thành phố là hơn 92 nghìn người, tức mỗi người dân tiếp đón trung bình hơn bốn lượt khách.

Hội An gặp không ít sức ép từ hoạt động du lịch với sự gia tăng nhanh các công trình xây dựng mới trong vùng đệm gần đô thị cổ nhằm đáp ứng nhu cầu của lượng khách đổ về.

Huế cũng tương tự. Việc xây dựng kết cấu hạ tầng, cao ốc hóa khu vực bờ nam sông Hương với nhiều khách sạn, trung tâm thương mại… gây áp lực lớn tới khu đô thị cổ và những lăng tẩm, miếu, đền dọc bờ sông.

Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) cũng đã không dưới một lần, UNESCO phải báo động về sự phát triển ồ ạt của các hạng mục kinh tế, du lịch làm thay đổi cảnh quan, môi trường, ảnh hưởng vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ của các hang động, thay đổi tập tính sinh hoạt của các loài vi sinh vật trên Vịnh, gây nhiều thách thức cho công tác bảo tồn di sản.

Cùng với những tác động về cảnh quan, môi trường tự nhiên, sự phát triển du lịch ồ ạt cũng làm phai mờ những giá trị văn hóa mang tính bản địa bởi nhiều cộng đồng dân cư sống trong di sản tự thay đổi hành vi, tập quán để phù hợp thị hiếu du khách, dẫn đến mất bản sắc. Ðó là thực trạng du lịch Sa Pa (Lào Cai), Ðồng Văn (Hà Giang)… thời gian gần đây, khi mà những nét văn hóa đặc sắc của các tộc người dân tộc thiểu số đang bị pha tạp, lai căng và mai một…

Di sản vốn nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Trong cuộc đua vì mục tiêu tăng trưởng, ở một số nơi, tầm quan trọng của di sản chưa được nhìn nhận đúng mực. Và nếu không có ứng xử thận trọng với di sản, rõ ràng, cả du lịch và di sản đều không thể phát triển bền vững. Như thông điệp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại buổi tiếp một số nhà đầu tư quốc tế ngành du lịch sang Việt Nam dự Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam 2018 vào những ngày đầu của tháng 12/2018: “Phát triển du lịch bền vững để nhà đầu tư, du khách đến Việt Nam không thất vọng về sự phát triển ấy, chứ phát triển bừa bãi, với tốc độ nóng quá, không quản lý tốt, sẽ gây hậu quả xấu”.

Quang Minh

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/qua-mien-di-san-144370.html