Quả ngọt trên hành trình giúp người nghiện tái hòa nhập cộng đồng

Sau nhiều năm tham gia CLB B93 phường Mai Dịch, Hà Nội, bà Đinh Thị Lan, SN 1942, đã giúp đỡ 11 người nghiện tái hòa nhập cộng đồng thành công.

Hội viên trong CLB là những người mong muốn đoạn tuyệt với ma túy, còn tình nguyện viên như bà luôn đồng hành, cùng nhau chia sẻ, giúp đỡ - như điểm tựa của họ. Bà Lan kể, có trường hợp, khi bà vào đến nhà, người mẹ hỏi bà: “Chị ơi nay chị vào nhà em có việc gì thế?”. Tôi trả lời rằng, chị em ta cùng sinh hoạt ở chi hội phụ nữ phường, cùng biết nhau chả nhẽ chị lại không vào nhà em chơi được hay sao. Thế mà đứa con trai đang tắm trong nhà thò mặt ra bảo: “Con biết rồi, bác là tình nguyện viên”. Bà nói, công việc giúp đỡ người nghiện sau cai của bà thường bắt đầu bằng những tình huống như vậy. Bà Lan rất tập trung vào công việc giúp đỡ người cai nghiện giống như bà đã từng tận hiến với công việc của một người lái đò đưa bao lớp học trò của trường nghệ thuật bay cao, bay xa đến bến bờ ước mơ của mỗi người.

Trong câu chuyện của mình bà nhắc đến trường hợp của anh Nguyễn Huy Hoàng, mẹ là Nguyễn Thị Biên. Anh Hoàng tham gia sinh hoạt với CLB B93, được bà tích cực hỗ trợ, thuyết phục nên một thời gian ngắn đã được ra khỏi danh sách người nghiện trên địa bàn. Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, mẹ con bà Biên lại sang tận nhà thăm bà Lan để cảm tạ tấm lòng của bà đối với quá trình khó khăn nhất của gia đình đã được bà giúp đỡ.

Nhờ sự giúp đỡ của bà Lan mà thành viên CLB B93 phường Mai Dịch đã đoạn tuyệt ma túy, ổn định cuộc sống bằng nghề cắt tóc.

Hay như anh Đỗ Trọng Quỳnh, sau khi được bà Lan vận động đã tự tin lập gia đình, mở nhà hàng ăn. Bổ sung vào danh sách "thoát" CLB B93 còn có trường hợp của anh Nguyễn Văn Chung. Nhờ sự động viên, khích lệ của bà đã mở một quán cắt tóc, phát triển kinh tế tốt. Hay như anh Đỗ Ngọc Quý, cai nghiện xong đã tham gia hội chữ thập đỏ làm công việc nhân đạo cùng với bà Lan. Thực tế, khi phụ trách các thành viên đã ra khỏi danh sách nhưng bà Lan không lấy đó làm kết quả cuối cùng vẫn thường xuyên đến tận nhà thăm hỏi, để xem họ phát triển kinh tế thế nào, cuộc sống gia đình có ổn định không.

Sự nhiệt tình, năng nổ của bà Lan đã được đền đáp xứng đáng, bà Lan thấy vui và tự hào về điều đó. Công việc của bà Lan thường xuyên phải phối hợp, gắn bó với lực lượng công an phường để dõi theo từng đối tượng, quản lý chặt chẽ và biết được họ đang trong tình trạng nghiện ở mức độ nào, ra khỏi danh sách rồi thì có tái nghiện nữa hay không. Bởi thế, mỗi đối tượng được phân công “kèm cặp”, bà Lan nắm rất rõ. “Tôi đã từng đi tập huấn nhiều lần và biết rằng, công việc cai nghiện không hề dễ dàng. Có những gia đình ở Hà Tây cả 4 người con cùng nghiện, sáng ra mẹ cứ đội nón ra ngoài vì con ở nhà nghiện hút”, bà Lan kể.

Theo bà Lan, điều khó khăn nhất khi làm công việc tình nguyện viên vận động những người nghiện cai nghiện thành công ấy là việc tiếp cận và tạo niềm tin với không chỉ người sau cai nghiện mà còn cả với người thân của họ. Để công việc đạt hiệu quả, trước tiên, bà gặp gỡ cán bộ tổ dân phố trước để tìm hiểu thông tin cụ thể về đối tượng rồi tìm cách tiếp cận đối tượng và gia đình. Bà luôn lấy phương châm "lạt mềm buộc chặt" để thể hiện sự quan tâm với những người từng lầm lỡ.

Với cách thức tiếp cận mềm mỏng, khéo léo cùng sự quan tâm thật tâm, bà Lan đã thuyết phục, cảm hóa được nhiều đối tượng mà Công an phường gọi là “nhân vật cứng đầu”. Khi cảm nhận được mình không bị bỏ rơi, còn được những người xung quanh xóa bỏ kỳ thị, họ sẽ chủ động tham gia vào CLB B93. Với những việc làm hiệu quả, bà Lan được ghi nhận đã đóng góp tích cực, đưa CLB B93 của phường Mai Dịch trở thành điểm sáng của Hà Nội.

(Tên nhân vật đã được thay đổi)

Văn Biên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/qua-ngot-tren-hanh-trinh-giup-nguoi-nghien-tai-hoa-nhap-cong-dong-165254.html