Quà quê bánh đa chợ Cát

Chợ Cát nằm ở xã Khánh Trung (huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình). Chợ họp một tuần ba phiên vào thứ ba, thứ năm và chủ nhật. Đến hẹn lại lên, bà con theo lịch đó mang nông sản đến bày bán.

Chợ giữa vùng quê nên vẫn giữ được vẻ bình dị mộc mạc. Hàng quán đơn sơ. Người bán bày đồ trên thúng, mẹt, sạp gỗ. Người mua đủng đỉnh xách túi, xách làn. Tiếng nói cười, hỏi han cứ thế râm ran trong từng ngóc ngách. Đến chợ Cát ắt hẳn phải thưởng thức quà quê. Nhiều lắm, bánh khoái, bánh nếp, xôi, chè… đủ loại. Có một thứ quà đi vào câu ca, để rồi mọi người rỉ rả nhắn nhủ: “Dù có đi đâu về đâu/ Bánh đa chợ Cát nhắc nhau làm quà”. Có lẽ vì thế mà bà bảo cháu, mẹ dặn con hễ đi chợ Cát mua gì thì mua cũng nhớ phải có cặp bánh đa mang về.

Bánh đa nướng than hồng tại chợ Cát.

Bánh đa chợ Cát nức tiếng trong vùng có từ khi nào chưa rõ. Chỉ biết rằng cái vị giòn tan béo bùi, cái mùi lửa than nồng ấm đã lẩn quất trong tâm tưởng người dân quê nơi đây. Nhất là trẻ thơ chờ trông mẹ đi chợ về để được cái bánh đa chia nhau ăn giòn rôm rốp. Ngồi trong lều quán đơn sơ, bà Nguyễn Thị Ngoan tuổi xấp xỉ lục tuần nhanh tay quạt những chiếc bánh đa trên than hồng. Bụi than lẫn với khói mảnh bay lên vương vào quần áo. Mấy chục năm làm nghề cứ nhìn đôi tay chai sần ám muội than nứt nẻ của bà đủ thấy sự tảo tần, vất vả. Đôi bàn tay ấy đã làm ra bao nhiêu chiếc bánh đa bà Ngoan chẳng thể nhớ nổi. Chỉ biết rằng nhờ cái nghề này bà đã nuôi 4 con ăn học và trưởng thành. Khi hỏi có ai theo nghề, bà tủm tỉm bảo: “Nghề ráo mồ hôi hết tiền trẻ nó chẳng theo. Chúng đi làm ăn xa hết chỉ có bà già là bền bỉ theo nghề thôi”.

Để có bánh bán quanh năm, gia đình bà Ngoan phải đong vài tấn gạo loại khang dân. Đó là loại gạo không dẻo, chẳng nát, khi tráng bánh mịn như nhung. Gạo sát bong hết trấu cám đem ngâm nước cho bở rồi xay thành bột. Bánh đa vừng thì cứ để nguyên bột mà tráng. Còn bánh đa gấc phải trộn gấc tươi với gạo rồi mới đem xay. Khi ấy bột có màu hồng nhạt, vị ngọt dịu. Bột chỉ là nguyên liệu ban đầu, tráng bánh mới thực kỳ công. Bánh đa để thái sợi nấu với nước dùng thì tráng mỏng một lượt, còn để quạt than thì phải làm hai lần cho dày dặn. Sau đó, bánh được đem phơi cho đượm nắng gió. Để có được mẻ bánh, người làm phải hì hụi mất cả đêm. Thế nên cái nghề nhọc nhằn ấy trẻ giờ không theo là vậy. Ở Khánh Trung, hiện còn những hộ gia đình vẫn làm bánh đa hẳn phải là những người yêu nghề truyền thống này lắm.

Buổi sớm, chợ chưa đông thì người bán bánh đa đã hồng bếp than hoa. Những viên than rừng rực trong chiếc chậu nhỏ. Bàn tay người cứ thế lật qua đảo lại cho chiếc bánh phồng rộp cong cớn. Than phải nóng giãy thì bánh mới chín giòn. Nướng bánh cũng phải khéo lắm để không bị cháy, bị cứng, bị sượng. Vì thế một tay phải lật cho nhanh, một tay thì quạt thật đều. Mà phải là quạt giấy chứ quạt điện than bốc nhanh bánh chưa kịp chín đã cháy đen, khét lẹt.

Bánh quạt xong được bán ngay tại chợ. Như hàng của bà Ngoan thì từ lúc rạng sáng đến khi nắng lên đỉnh đầu cũng bán được vài trăm cái. Cứ thế bánh theo chân người đi chợ tỏa về khắp nẻo đường quê, mang niềm vui về cho người ở nhà chờ mong. Chiếc bánh đa giản dị nhưng ẩn chứa bên trong là hương vị đồng quê, để rồi mỗi khi đi xa lòng người lại thao thức nhớ về món quà quê hương.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/qua-que-banh-da-cho-cat-726956

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/van-hoa/579597-qua-que-banh-da-cho-cat.html