Qua rồi thời làm MV cổ trang, sao Việt giờ đua theo mốt viết tắt tên ca khúc

Sau trào lưu làm MV cổ trang, sao Việt hào hứng chạy theo phong cách đặt hashtag tên ca khúc mới gây tò mò cho khán giả.

Ở thời điểm hiện tại, Facebook, Instagram... được xem là công cụ đắc lực để nghệ sĩ có thể quảng bá, đưa sản phẩm nghệ thuật của mình đến gần công chúng hơn. Không chỉ vậy, từ khi chức năng đặt hashtag ra đời, nhiều sao Việt đã sử dụng công cụ này để gây chú ý cho MV hay ca khúc mới của mình.

Người người, nhà nhà viết tắt tên ca khúc

Mở đầu cho trào lưu hashtag viết tắt tên ca khúc có lẽ là Chi Pu với #ESRAXLED - Em sai rồi anh xin lỗi em đi, tiếp nối sau đó là hàng loạt nghệ sĩ khác như Hương Tràm dùng #DML - Duyên mình lỡ, Tóc Tiên với #CATENA - Có ai thương em như anh, #CASKYANE - Cô ấy sẽ không yêu anh như em của Thu Minh, #XLAQP - Xin lỗi anh quá phiền của Đông Nhi... hay gần nhất là Bảo Anh với #NLD.

Không phải tự dưng sao Việt lại chọn hình thức này để quảng bá cho sản phẩm âm nhạc của mình. Cái gì càng bí ẩn, người khác càng tò mò và tên ca khúc mới cũng vậy. Việc không tiết lộ cụ thể tên ca khúc sẽ kích thích trí tò mò của khán giả và họ sẽ liên tục ngồi đoán xem cụm từ viết tắt đó mang ý nghĩa gì.

 Bảo Anh "nhá hàng" ca khúc mới với cụm từ viết tắt.

Bảo Anh "nhá hàng" ca khúc mới với cụm từ viết tắt.

Chẳng hạn như Bảo Anh, chỉ vừa "nhá hàng" hình ảnh đầy bí ẩn của sản phẩm âm nhạc mới cùng tên ca khúc là #NLD nhưng cư dân mạng đã kịp đưa ra một loạt những cái tên không thể hài hước hơn như "Người lái đò", "Người lao động", "Nếu lỡ duyên", "Ngày làm dâu"...

Trước đó, fan của Tóc Tiên cũng từng cười ra nước mắt khi #CATENA lại bị cư dân mạng chế thành "Chán anh thì em né anh", "Cô ấy thay em nuôi anh"...

Thời đại mạng xã hội phát triển, những trào lưu mới nổi luôn mang đến sự tò mò và thu hút khán giả. Nếu chỉ đưa ra tên ca khúc như truyền thống chắc hẳn sẽ không gây chú ý bằng việc rất nhiều người cùng đoán xem ca khúc đó rốt cuộc tên gì chỉ với gợi ý là một dòng chữ viết tắt.

Nhờ vậy, các sản phẩm âm nhạc cũng sẽ được chú ý nhiều hơn và tạo tiền đề cho việc ra mắt chính thức. Bên cạnh đó, việc đặt hashtag cho tên ca khúc cũng giúp nghệ sĩ có thể kiểm tra, đo lường được mức độ quan tâm của khán giả cũng như sự lan tỏa của sản phẩm âm nhạc bởi, khi gõ tìm kiếm trên các trang mạng xã hội, bạn sẽ được trả về những link bài biết, số lượng người sử dụng hashtag...

Nhiều quá hóa nhàm

Bất cứ trào lưu nào cũng sẽ có những mặt trái đi kèm với lợi ích, và hashtag viết tắt tên ca khúc cũng không ngoại lệ. Khó có thể phủ nhận đây là công cụ hiệu quả để nghệ sĩ quảng bá rộng rãi hay tạo sự chú ý cho sản phẩm âm nhạc của mình thế nhưng, cái gì nhiều quá lại gây ra nhàm chán, dần mất đi sự hào hứng, tò mò của khán giả.

Chỉ trong một thời gian ngắn, trào lưu hashtag viết tắt tên ca khúc nở rộ, gần như nghệ sĩ nào ra mắt ca khúc hay MV mới đều sử dụng phương thức này nên khán giả dễ dàng nhìn thấy ở khắp nơi, từ Facebook, Instagram hay cả Youtube...

Trúc Nhân cũng từng sử dụng cách viết tắt tên ca khúc đánh dấu sự trở lại trong âm nhạc của mình.

Cũng chính vì xuất hiện tràn lan như vậy, lâu dần hashtag viết tắt tên ca khúc lại gây sự nhàm chán trong mắt khán giả. Không ai ăn mãi một món ăn mà không thấy ngán, lặp đi lặp lại một hoạt động vẫn giữ được sự hào hứng ban đầu và trào lưu này cũng vậy.

Khi mới xuất hiện, khán giả có thể cực kì thích thú, tò mò suy đoán, "chế" ra những cái tên khác nhau cho cụm từ viết tắt đó nhưng dần dần, mức độ quan tâm cũng giảm dần và không còn tạo được hiệu ứng như trước nữa.

Lạc Phong

Nguồn VTC: https://vtc.vn/qua-roi-thoi-lam-mv-co-trang-sao-viet-gio-dua-theo-mot-viet-tat-ten-ca-khuc-d430602.html