Quá tải đường dây nóng ngăn tự sát ở Nhật Bản

Tình hình dịch Covid-19 đang có dấu hiệu khả quan song chính phủ Nhật Bản lo ngại làn sóng người tự sát do chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế sau dịch sẽ bùng phát.

Điện thoại đường dây nóng tư vấn, ngăn chặn người có ý định tự sát tại Tokyo (Nhật Bản) rung lên liên hồi ngay khi bắt đầu các ca làm việc đêm. Hàng trăm người đang đợi được nói chuyện cùng các tình nguyện viên.

Do dịch Covid-19, ngày làm việc và số tình nguyện viên được cắt giảm nhưng vẫn còn đó những người đang tuyệt vọng và muốn được nói chuyện với ai đó.

"Thực tế là chúng tôi không thể trả lời tất cả cuộc gọi", Machiko Nakayama, giám đốc trung tâm Tokyo Befrienders nói với Reuters.

Các nhân viên y tế lo ngại sự ảnh hưởng của đại dịch lên nền kinh tế sẽ đưa Nhật Bản trở lại 14 năm đen tối, từ năm 1998, khi có hơn 30.000 người tự kết liễu cuộc đời mỗi năm. Đến năm ngoái, nhờ áp dụng những thay đổi trong pháp lý và các doanh nghiệp, con số này giảm còn 20.000.

Lo rằng cuộc khủng hoảng hiện tại sẽ làm những nỗ lực đó đổ sông đổ bể, nhiều ngành chức năng kêu gọi chính phủ tăng cường các gói viện trợ tài chính và hoạt động hỗ trợ thiết thực cho người dân.

Các tình nguyện viên liên tục nhận cuộc gọi nhờ tư vấn từ người dân.

"Chúng tôi cần thực hiện những biện pháp hỗ trợ nhanh chóng, trước khi số người tự tử gia tăng trở lại", ông Hisao Sato, người đứng đầu một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ tư vấn kinh tế ở Akita, nói.

So với năm ngoái, số vụ tự tử trên toàn quốc đã giảm 20% tính đến tháng 4, thời điểm nước này bắt đầu lệnh phong tỏa. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại con số sẽ tăng trở lại sau khi dịch bệnh kết thúc.

"Đó là sự bình yên trước cơn bão", ông Sato nhận định.

Năm 1998, chính sách tăng thuế doanh thu và cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á đã dẫn đến làn sóng 30.000 người tự sát mỗi năm, thậm chí lên đỉnh điểm 34.500 người vào năm 2003.

Theo dữ liệu của cảnh sát Nhật Bản năm 2019, tình hình kinh tế khó khăn là lý do đứng thứ 2 dẫn đến các vụ tự tử, chỉ sau nguyên nhân sức khỏe.

Cuộc khủng hoảng hiện nay được dự báo sẽ khiến nền kinh tế Nhật Bản sụt giảm tới 22,2% trong quý này, đặc biệt nguy hiểm đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn thiếu tiền mặt và chưa kịp nhận trợ cấp từ chính phủ.

"Thực sự khó khăn. Rất nhiều người đang lo lắng", ông Shinnosuke Hirose, giám đốc điều hành của một công ty nhân sự nhỏ đã ngừng gần 90% hoạt động kinh doanh nói.

Nhật Bản ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 giảm thời gian gần đây.

Một quan chức của Bộ Y tế phụ trách các vấn đề liên quan đến tự tử nói rằng bộ phận của ông đã lên kế hoạch xin thêm tiền từ gói kích thích trị giá 1,1 nghìn tỷ USD của chính phủ để tài trợ cho các biện pháp ngăn ngừa, ví dụ như hỗ trợ mở thêm đường dây nóng.

Đơn vị Nghiên cứu Khả năng phục hồi (RRU) tại Đại học Kyoto đự doán cứ mỗi khi tỷ lệ thất nghiệp tăng 1% sẽ có khoảng 2.400 người tự tử.

"Tất nhiên hỗ trợ xã hội rất quan trọng nhưng cũng không thể khắc phục ngay lập tức. Trong khi đó, việc ngăn chặn phá sản sẽ giúp được ngay", giám đốc RRU, ông Satoshi Fujii, nói.

Tại tổng đài Tokyo Befrienders, điện thoại vẫn đổ chuông liên tục. Các ca đêm trước đây chỉ mở vào thứ 3, với chỉ một tình nguyện viên xử lý cuộc gọi thay vì 4 người. Trung tâm có kế hoạch mở lại thêm một ca vào tháng 6 tới.

"Mọi người đã cố hết sức để vượt qua giai đoạn phong tỏa nhưng hiện giờ nhiều người có suy nghĩ: 'Tại sao mình lại làm vậy, mình còn hy vọng gì?'. Lúc đó, tôi nghĩ nhiều người sẽ chọn tìm tới cái chết", Giám đốc Tokyo Befrienders, Nakayama, nhận định.

Mai An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/qua-tai-duong-day-nong-ngan-tu-sat-o-nhat-ban-post1090087.html