Quá tải trường học: Vẫn khó tìm lời giải

Ở Hà Nội, chung cư thì mọc lên như nấm nhưng trường học thì lại thiếu thốn khiến nhiều trường quá tải, tới 60 học sinh trong một lớp. Một số ý kiến cho rằng, với tốc độ đô thị hóa như hiện tại, quỹ đất nhiều khu vực thiếu thốn, sẽ không bao giờ đáp ứng được hết nhu cầu. Vì vậy, cần tính đến phương án tăng thêm biên chế cho giáo viên/lớp.

Ảnh minh họa.

Trước tình trạng chung cư mọc như nấm nhưng lại vắng bóng trường học, lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội từng đề xuất cần có chế tài mạnh hơn để yêu cầu nhà đầu tư xây dựng đầy đủ nhà trẻ, trường học. Tuy nhiên, bài toán quá tải trường lớp vẫn tiếp diễn năm này qua năm khác mà chưa có lời giải triệt để.

“Bài ca” thiếu trường

Tại khu vực Thanh Trì (Hà Nội), khu đô thị Tứ Hiệp hiện đã có 4 tòa nhà chung cư đi vào hoạt động và chuẩn bị 2-3 tòa bàn giao trong năm nay, kéo theo đó là lượng dân cư về ở sẽ tăng lên. Đồng thời với đó là việc xây dựng trường Tiểu học Ngô Sĩ Kiện hiện đang gấp rút hoàn thiện để bàn giao trước năm học mới. Cụ thể, theo kế hoạch là 31/8, trường sẽ nhận bàn giao cơ sở vật chất. Còn hiện nay, các hoạt động như học hè, tập trung nhận lớp của các khối lớp vẫn mượn địa điểm của trường THCS Chu Văn An ngay bên cạnh.

Tuy nhiên, không phải khu chung cư nào cũng có may mắn như vậy khi trường được xây song song với nhà. Đơn cử như tại KĐT Linh Đàm, quận Hoàng Mai, những năm gần đây luôn là điểm nóng về tuyển sinh các cấp mầm non, tiểu học… khi điều tra nhu cầu học thực tế rất cao nhưng chỉ tiêu nhà trường đáp ứng lại hạn chế.

Chị Thanh Nga, ở tòa CT2B, KĐT Linh Đàm cho biết con chị năm nay mới vào lớp 1 nhưng chị đã nghiên cứu trường cho con từ cách đây 2 năm. Đắn đo mãi về việc học trường công hay trường tư? Tuy nhiên khi tham khảo sĩ số của lớp luôn ở mức xấp xỉ 60 cháu một lớp, gia đình chị quyết định sẽ cho con theo học trường tư với học phí gần 6 triệu đồng/tháng.

Mới đi vào hoạt động được 1 năm nhưng trường Tiểu học Cao Bá Quát, xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm (Hà Nội) cũng rơi vào tình trạng quá tải do di dân cơ học quá nhiều. Năm học này nhà trường được giao chỉ tiêu tuyển sinh 500 em nhưng số lượng học sinh đăng ký lên tới gần 600 học sinh. Thiếu phòng học, trường xếp tạm vào cả phòng chức năng và sắp tới, việc chia ca để học như năm ngoái chắc chắn vẫn là không tránh khỏi khi cơ sở vật chất không thể đáp ứng đủ số lượng học sinh.

Đây cũng là bài toán khó chung của ngành Giáo dục thủ đô nói riêng nhiều năm nay chưa được giải quyết triệt để. Như năm nay, mặc dù đã rất cố gắng xây thêm trường lớp, cụ thể là Hà Nội vừa rồi bỏ ra 1.900 tỉ, xây dựng được khoảng 2. 200 phòng học nhưng cũng chỉ đáp ứng nhu cầu của 11.000 học sinh. Do số lượng học sinh năm nay tăng đến 30.000 em so với năm ngoái nên nhiều trường học áp lực về sĩ số.

Tăng biên chế giáo viên?

Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm học 2018 - 2019 cấp tiểu học vừa qua do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức, Phó Giám đốc Sở Phạm Xuân Tiến cho biết trong năm học này thực hiện rà soát quy hoạch mạng lưới trường lớp, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục tiểu học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT.

Về vấn đề sĩ số học sinh ở một số trường trong khu dân cư mới lên tới 60 hoặc trên 60 học sinh/lớp, ông Tiến đề nghị các phòng GD-ĐT căn cứ vào số lượng để điều chỉnh phân bố học sinh. Phải làm sao để tránh trường hợp trong cùng khu vực, trường thì có sĩ số học sinh đông quá, trường lại ít quá. Việc phân tuyến khu vực tuyển sinh phải được tuyên truyền tốt để phụ huynh học sinh hiểu, tránh trường hợp đơn thư khiếu nại.

Về giải pháp cho các trường đông, sĩ số lớp tăng cao, ông Tiến cũng đề nghị, trước mắt các trường cố gắng tận dụng toàn bộ cơ sở vật chất chia lớp để giảm xuống đến mức thấp nhất có thể.

Về kế hoạch lâu dài, các phòng GD-ĐT cần tham mưu quyết liệt cho lãnh đạo địa phương để có quỹ đất xây trường nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh. Phải rà soát mọi chỗ, mọi nơi.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia giáo dục, với tốc độ đô thị hóa như hiện tại, quỹ đất nhiều khu vực thiếu thốn, sẽ không bao giờ đáp ứng được hết nhu cầu. Vì vậy, cần tính đến phương án tăng thêm biên chế cho giáo viên/lớp? Mỗi lớp có thể có một giáo viên trợ giảng, một giáo viên chính. Điều này vừa giải quyết công ăn việc làm cho giáo viên và học sinh sẽ là người được lợi nhiều nhất khi học theo chương trình sách giáo khoa mới và việc chia nhóm nhỏ để học.

Thu Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/qua-tai-truong-hoc-van-kho-tim-loi-giai-tintuc413503