Quá tiếc nuối lớp khu trục hạm chống ngầm cỡ lớn của Hải quân Mỹ

Spruance là lớp khu trục hạm chống ngầm cỡ lớn của Hải quân Mỹ được đóng trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, chúng có số phận khá hẩm hiu khi so sánh với những 'người chị em' khác.

 Spruance là lớp khu trục hạm của Hải quân Mỹ ra đời đầu thập niên 1970, đã có tổng cộng 31 tàu được đóng mới trong giai đoạn 1972 - 1983 và chúng đã phục vụ tròn 3 thập kỷ (từ 1975 đến 2005). Thiết kế nguyên bản của Spruance chuyên về tác chiến chống ngầm và phòng không điểm, nó thường đảm trách nhiệm vụ tham gia hộ tống biên đội tàu sân bay.

Spruance là lớp khu trục hạm của Hải quân Mỹ ra đời đầu thập niên 1970, đã có tổng cộng 31 tàu được đóng mới trong giai đoạn 1972 - 1983 và chúng đã phục vụ tròn 3 thập kỷ (từ 1975 đến 2005). Thiết kế nguyên bản của Spruance chuyên về tác chiến chống ngầm và phòng không điểm, nó thường đảm trách nhiệm vụ tham gia hộ tống biên đội tàu sân bay.

Khu trục hạm lớp Spruance có chiều dài 172 m; chiều rộng 16,8 m; mớn nước 8,8 m; lượng giãn nước đầy tải 8.040 tấn; thủy thủ đoàn 334 người (trong đó có 19 sĩ quan).

Nhờ 2 động cơ turbine khí LM2500 công suất 80.000 mã lực (60 MW) mà con tàu có thể chạy với tốc độ tối đa 32,5 hải lý/h (60 km/h); tầm hoạt động 6.000 hải lý (11.000 km) khi chạy ở vận tốc kinh tế 20 hải lý/h (37 km/h), hoặc 3.300 hải lý (6.100 km) nếu duy trì tốc độ 30 hải lý/h (56 km/h).

Hệ thống điện tử của Spruance gồm radar trinh sát đường không AN/SPS-40, radar tìm kiếm bề mặt AN/SPS-55, radar kiểm soát hỏa lực tên lửa AN/SPG-65, radar kiểm soát hỏa lực pháo AN/SPQ-9, hệ thống tác chiến điện tử AN/SQL-32.

Do là một khu trục hạm chống ngầm nên Spruance được trang bị cả sonar gắn liền thân chủ động AN/SQS-53 lẫn sonar kéo thụ động AN/SQR-19 TACTAS, đi kèm thiết bị đối phó ngư lôi AN/SLQ-25 Nixie và hệ thống phóng mồi bẫy Mk 36 SRBOC. Tàu có khả năng mang theo 2 trực thăng SH-60 Seahawk trong các chuyến hải trình dài.

Mặc dù có kích cỡ khá lớn so với các tàu khu trục cùng thời nhưng vũ khí của Spruance bị đánh giá là tương đối yếu, bao gồm 2 pháo hạm Mk 45 cỡ 127 mm, 8 tên lửa chống ngầm ASROC, 8 tên lửa phòng không RIM-7 Sea Sparrow, 2 hệ thống CIWS Phalanx, 8 tên lửa hành trình chống hạm RGM-84 Harpoon và 6 ngư lôi hạng nhẹ Mk 32 cỡ 324 mm.

Đứng trước yêu cầu mới, sang thập niên 1990, 24 tàu đã được nâng cấp bằng việc tích hợp bệ phóng thẳng đứng Mk 41 với 61 ống phóng tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk, một số tàu còn tiến hành thay thế 8 tên lửa RIM-7 Sparrow bằng 21 quả RIM-116 Rolling Airframe.

Mặc dù đã trải qua quá trình nâng cấp nhưng các khu trục hạm lớp Spruance vẫn bị đánh giá là không phù hợp với học thuyết tác chiến của Hải quân Hoa Kỳ, đặc biệt khi nó không có năng lực tạo lập lá chắn phòng không hạm đội. Trong ảnh là một chiếc Spruance sau khi được hiện đại hóa.

Ngoại trừ chiếc USS Spruance (DD-963) phục vụ đủ 30 năm, những tàu còn lại đều bị cho "nhận sổ hưu" sớm (giai đoạn cuối 1990, đầu 2000), bất chấp việc chúng mới chỉ hoạt động trong khoảng thời gian từ 18 đến 22 năm và còn đủ khả năng làm việc thêm 20 năm nữa.

Trong khi nhiều khinh hạm lớp Oliver Hazard Perry 30 năm tuổi vẫn được các đồng minh của Mỹ mua lại thì Spruance không có may mắn như vậy, ngoại trừ chiếc USS Paul F. Foster (DD-964) được sửa đổi, vận hành bằng hệ thống điều khiển từ xa cho vai trò tàu thử nghiệm thì toàn bộ 30 chiếc thuộc lớp đã bị đánh chìm hoặc tháo dỡ.

Đây quả là một cái kết vô cùng đáng tiếc cho lớp khu trục hạm cỡ lớn này, đặc biệt khi so sánh với cách làm của nhiều lực lượng hải quân hiện nay đó là chuyển giao tàu chiến loại ngũ sang biên chế lực lượng bảo vệ bờ biển. Cách "chơi sang" như trên của Hải quân Mỹ chắc hẳn sẽ làm cho nhiều người phải cảm thấy vô cùng tiếc nuối.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/qua-tiec-nuoi-lop-khu-truc-ham-chong-ngam-co-lon-cua-hai-quan-my/759077.antd