Quá trình phát triển của tác chiến điện tử qua các cuộc xung đột

Tác chiến điện tử là một chiến lược trong chiến tranh và xuất hiện được hơn 100 năm. Trải qua thời gian, cùng với sự phát triển vũ bão của công nghệ, tác chiến điện tử cũng đã thay đổi mạnh mẽ.

Chiến tranh Nga-Nhật Bản năm 1904: Khai sinh của tình báo tín hiệu

Binh sĩ Nhật Bản trong cuộc chiến tranh năm 1904. Ảnh: britannica.com

Tháng 1/1904, tàu tuần dương bảo vệ lớp Eclipse HMS Diana của Hải quân Hoàng gia Anh, khi đó neo tại kênh đào Suez, đã thực hiện vụ đánh chặn mạng không dây đầu tiên trong lịch sử, đồng thời mở ra kỷ nguyên của tình báo tín hiệu.

Khi Nga chuẩn bị cho giao tranh với Nhật Bản, một đồng minh của Anh vào thời điểm đó, tàu HMS Diana đã đánh chặn tín hiệu không dây Hải quân Nga gửi đi để điều động hạm đội nước này. Khi cuộc xung đột tiến diễn, năng lực của Nhật Bản trong ngăn chặn và phân tích các đường truyền tín hiệu của hải quân Nga đã đóng vai trò quan trọng trong chiến thắng cuối cùng. Vụ việc này cho thấy tầm quan trọng của liên lạc an toàn.

Mối đe dọa từ tàu U-boat 1917

Tàu ngầm U-boat. Ảnh: britannica.com

Tàu ngầm U-boat đầy nguy hiểm của Đức đã khiến ông Norman Wilkinson thuộc Hải quân Hoàng gia Anh tìm cách vũ khí hóa ánh sáng. Nhận thấy rằng không thể ngụy trang tàu khỏi tầm quan sát của U-boat, ông Norman Wilkinson đề xuất sơn chúng bằng những khối màu tương phản đậm.

Điều này khiến các con tàu trở nên “lộ liễu hơn”, nhưng lại che giấu được hình dạng thực tế của chúng và nếu chỉ huy U-boat không thể phân biệt mũi tàu với đuôi tàu, họ cũng không thể phân biệt được hướng đi của con tàu, khiến việc tấn công nó trở nên khó khăn hơn.

Ý tưởng này đã đạt được thành công cho đến khi công nghệ tìm kiếm tầm xa phát triển khiến nó không còn hiệu quả.

Không chiến tại Anh Quốc năm 1940: Radar thay đổi cục diện

Vào giữa những năm 1930, lo sợ về sức mạnh không quân của Đức khiến Anh quyết định triển khai nghiên cứu bí mật phát triển một hệ thống cảnh báo sớm hiệu quả. Anh đã bố trí máy phát sóng vô tuyến và máy dò ở các độ cao và góc khác nhau để thu sóng vô tuyến phản xạ từ máy bay địch. Áp dụng đột phá mới này giúp chiến đấu cơ của Không quân Hoàng gia Anh có thể nhanh chóng điều động để đánh chặn.

Máy bay Đức băng qua eo biển và không thể ngờ rằng các chiến đấu cơ của Anh đã chờ để “gặp gỡ”.

Trận Latakia 1973: Tác chiến điện tử vươn ra biển

Một tàu tên lửa trong chiến tranh Yom Kippur năm 1973. Ảnh: Times of Israel

Trận đấu diễn ra trong chiến tranh Yom Kippur vào tháng 10/1973 giữa Israel và Syria đã đánh dấu hai cột mốc quan trọng trong lịch sử hàng hải, vừa là trận giao tranh hải quân đầu tiên giữa các tàu tên lửa vừa là trận đầu tiên có tác chiến điện tử.

Vào ngày thứ hai của chiến tranh Yom Kippur, khi 5 tàu của Israel tiếp cận cảng Latakia của Syria, chúng đã bị tấn công bởi 3 tàu tên lửa Syria. Các chiến hạm Syria phóng tên lửa P-15 Termit (Styx) do Nga sản xuất. Khi tiếp cận mục tiêu, các tàu Israel đã sử dụng thành công biện pháp đối phó điện tử mới được phát triển để gây nhiễu hệ thống dẫn đường. Chiến hạm Israel bắn trả bằng tên lửa Gabriel, họ đánh chìm hai tàu của Syria và làm hư hại chiếc thứ ba.

Mỹ xâm lược Panama năm 1989: Máy bay tàng hình

Binh sĩ Mỹ trên đường phố Panama năm 1989. Ảnh: AP

Ý tưởng về máy bay không thể bị phát hiện đã có từ lâu. Mặc dù những ý tưởng ban đầu không thực tế nhưng vào thời Chiến tranh Lạnh, các thiết kế như máy bay trinh sát A-12 của Lockheed Martin đã bắt đầu hiện thực hóa khả năng tàng hình.

Vào năm 1989, công nghệ vượt mặt radar đã đạt cột mốc đặc biệt quan trọng với lần đầu tiên sử dụng máy bay tàng hình. Theo đó, Mỹ đã triển khai hai chiếc F-117 Nighthawks để tránh bị phát hiện và ném bom sân bay Rio Hato. Nighthawks đã được sử dụng một lần nữa trong Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất cũng như tại Kosovo, Afghanistan, Iraq và Libya.

Chiến tranh Vùng Vịnh 1991: GPS ra trận

Quân nhân Mỹ tại Kuwait tháng 3/1991. Ảnh: AP

Chiến tranh Vùng Vịnh ghi nhận lần đầu tiên hệ thống định vị toàn cầu (GPS) còn non trẻ được sử dụng rộng rãi trong chiến đấu. Mặc dù hệ thống này phải mất bốn năm nữa mới đi vào hoạt động toàn phần, nhưng nó đã được sử dụng trong cuộc xung đột năm 1991 để tạo điều kiện cho lực lượng liên quân điều hướng và phối hợp hoạt động ở địa hình xa lạ tại Kuwait và Iraq.

Tuy GPS đã thể hiện được năng lực, đặc biệt là trong theo dõi mục tiêu và dẫn đường tên lửa thông minh nhưng Chiến tranh vùng Vịnh cũng làm bộc lộ đặc tính dễ bị gây nhiễu của GPS. Ngày nay, GPS vẫn dễ bị gây nhiễu và giả mạo.

Mã độc Stuxnet, 2005: Vũ khí hóa không gian mạng

Kaspersky Lab (Nga) là đơn vị đầu tiên phát hiện Stuxnet vào năm 2010, nhưng người ta cho rằng nó đã có tuổi đời ít nhất 5 năm. Stuxnet là một loại sâu máy tính độc gây ra thiệt hại đáng kể cho chương trình hạt nhân của Iran. Nó được cho là vũ khí mạng thực sự đầu tiên trên thế giới.

Stuxnet được cho đã khiến các máy ly tâm phân tách của Iran tự hủy diệt, gây cản trở và khiến các kế hoạch hạt nhân của Tehran đi lùi trong nhiều năm.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo Army Technology)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ho-so/qua-trinh-phat-trien-cua-tac-chien-dien-tu-qua-cac-cuoc-xung-dot-20231122170143354.htm