Quái vật trong 'Chuyện kinh dị lúc nửa đêm' được tạo ra như thế nào?

'Scary Stories to Tell in the Dark' là bộ phim kinh dị ăn khách ở thời điểm hiện tại với tạo hình lôi cuốn và chân thực.

Tác phẩm điện ảnh Chuyện kinh dị lúc nửa đêm (tựa gốc: Scary Stories to Tell in the Dark) của nhà sản xuất Guillermo del Toro đang gây tiếng vang lớn tại các phòng vé. Tác phẩm đứng top 2 những bộ phim có doanh thu cao ở thị trường Bắc Mỹ (chỉ sau Fast and Furious: Hobbs and Shaw).

Chuyện kinh dị lúc nửa đêm là bộ phim được dựng lên từ bộ truyện kinh dị nguyên bản của nhà văn Alvin Schwart, lấy bối cảnh vào năm 1968 ở thị trấn Mill Valley, Mỹ.

Mủ xốp là vật liệu chính để các nhà thiết kế tạo hình.

Nhóm bạn do Stella (Zoe Colletti thủ vai) dẫn đầu khám phá một ngôi nhà bị ma ám trong ngày Halloween. Ở đó, họ đã tìm thấy một cuốn sách cũ của Sarah – đứa trẻ bị sát hại bởi chính gia đình mình. Từ đó, lần lượt những câu chuyện trong cuốn sách được hiện lên và dẫn đến số phận khủng khiếp cho bạn bè của Stella.

Tuy nhiên, điều đặc biệt của Chuyện kinh dị lúc nửa đêm là những con quái vật trong phim đều được đóng thật bởi các diễn viên thay vì lạm dụng CGI (công nghệ mô phỏng bằng máy tính).

Vị đạo diễn của bộ phim thắng giải Oscar The Shape Of Water - Guillermo del Toro chia sẻ trên báo chí, ông đã kêu gọi sự giúp đỡ của Spectral Motion – công ty chuyên thực hiện hình ảnh kỹ xảo cho các bộ phim nổi tiếng như Hellboy, X-men, Fantastic Four, Stranger Things (mùa 1).

Troy James trong vai The Jangly Man.

Các bộ phim như Hellboy, Spectral Motion có hàng trăm hình minh họa để thiết kế nhân vật. Tuy nhiên, trong Chuyện kinh dị lúc nửa đêm, hầu hết con quái vật ở truyện gốc đều chỉ có một hình minh họa duy nhất, khiến các nhà tạo hình khó khăn hơn trong việc tưởng tượng.

Đối với việc tạo hình Harold – quái vật bù nhìn rơm, các nhà thiết kế sử dụng công nghệ Zbrush để thiết kế những góc bị khuất ở hình minh họa. Họ điêu khắc các hình mẫu quái vật một cách chi tiết từ một cái khuôn và phủ đầy bằng mủ xốp. Các mảnh thiết kế phải được tạo hình thật tỉ mỉ để phù hợp diễn viên.

Trong một vài trường hợp, thể chất của diễn viên cũng đóng vai trò thiết thực cho các nhà tạo hình. Ví dụ như diễn viên Javier Botet, người vào vai The Big Toe (Quỷ mất ngón) đã giúp việc mường tượng từ bản vẽ 2D sang 3D dễ dàng hơn, do anh bị mắc hội chứng Marfan (tứ chi dài bất thường).

Javier Botet là một trong những diễn viên quen thuộc của dòng phim kinh dị nhờ có cơ thể lạ thường.

Ở vai The Jangly Man (Quỷ xác mục), Troy James – người có khả năng uốn dẻo đến từ chương trình America’s Got Talent - đã gây ấn tượng với đoàn làm phim do rất phù hợp với nhân vật trong truyện.

Còn trang phục của The Pale Lady (Quỷ bạch tạng) được làm như một bộ quần áo đi trượt tuyết khổng lồ. Sau khi được diễn viên mặc vào, họ tạo ra các đường viền để tăng phần sống động, làm liền mạch cho bộ trang phục và dùng màu sơn lên chúng.

My Bùi
Ảnh: Insider

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/quai-vat-trong-chuyen-kinh-di-luc-nua-dem-duoc-tao-ra-nhu-the-nao-post978235.html